Thay vì tập trung đẩy mạnh bán hàng, đa cấp dỏm chỉ chăm chăm tìm thêm người tham gia và dụ họ đóng tiền - Ảnh: N.H
"Vào công ty chỉ 2 tháng, tôi sút 5 ký, suốt ngày chỉ ăn cơm chay, mì tôm và chịu phạt liên tục, phạt hít đất, ngày nào cũng phạt chạy lên xuống cầu thang nhưng tôi vẫn kiên trì theo" - đó là lời kể của A.N. (22 tuổi) - sinh viên năm cuối đại học và tham gia bán hàng đa cấp 2 tháng.
Vẫn kịch bản quen thuộc, N. tìm việc tại một công ty ở Bình Tân (TP.HCM) theo một mẩu tuyển dụng thực tập kế toán - chuyên ngành mà cô học.
"Con số bí ẩn" 79 giờ đã là 9090
N. tiết lộ với Tuổi Trẻ Online, con số 79 trong thử thách của "người tuyển dụng" đơn giản là 7,9 triệu đồng, số tiền để "lên gói đầu tiên". "Nhưng giờ số tiền đó đã tăng lên rồi. Giờ nó là 9090, là 9,09 triệu đồng", N. nói thêm.
Cô nhận được thách thức xoay xở để kiếm số tiền gần 10 triệu đồng, và cô đã "máu liều" cầm chiếc điện thoại đắt tiền được gia đình sắm cho để xoay tiền. Đến giờ, N. đã đóng tổng cộng 24 triệu.
N. cho biết suốt hai tháng ở công ty, ngày nào N. cũng dậy từ 6h, vào công ty đến tận khuya, thậm chí 1h - 2h sáng mới về. "Ai đi trễ, về sớm đều bị phạt tiền, phạt hít đất 150 cái, chạy cầu thang. Có bạn bị hít đất, mệt quá và ngất xỉu", N. kể.
Ngày nào cũng bị xoay đến mệt lả, N. thậm chí chẳng còn thời gian để nghĩ ngợi. "Giờ nghĩ lại, tôi mới hiểu, họ cố tình cách ly mình ra khỏi gia đình, bạn bè.
Công ty có quy định không cho người thân đến đón. Chị gái đến đón tôi phải hẹn ở một điểm cách khá xa.
Suốt ngày tôi chỉ ở công ty, ăn uống ở công ty. Ban đầu họ nói là kinh doanh bán hàng nhưng không hề đi bán hàng, chỉ chăm chăm bày vẽ để đi tìm thêm người mới, hoặc bày vẽ để thành viên đóng tiền lên gói cao hơn để hưởng mức hoa hồng cao hơn", N. kể.
"Người bảo trợ" - cấp trên của N. (là người vào trước và nằm trong cùng một line - một tuyến với N., hoa hồng của người trên đến từ những người dưới mà họ tuyển vào) bày vẽ cho N. đường đi nước bước, từ đi tuyển thêm người mới đến việc lấy được tiền từ gia đình để lên cấp. Người này hỏi han gia cảnh cô rất kỹ.
"Họ hướng dẫn lên danh sách thị trường nóng, thị trường ấm, thị trường lạnh theo mức độ thân thiết, tin tưởng. Thị trường nóng là bạn thân, thị trường ấm là đồng nghiệp quen biết, bạn chung lớp, thị trường lạnh là những người quen biết… Nhưng tôi thất bại khi tuyển người. Tôi gọi cho một người bạn thân cùng lớp rồi cả lớp biết, và tránh né", N. kể.
Để mua 3 gói gia đình 27 triệu, N. vay nóng đủ chỗ. "Họ bày tôi về xin tiền học tiếng Anh mà tôi không làm vì không muốn đụng đến gia đình, nên tôi cố vay nóng khắp nơi", N. kể.
Nhưng đến lần lên gói tiếp theo, cô được chỉ dẫn xin đi du học để có hơn 420 triệu đóng tiền mua gói mới. Họ bày cho N. làm hồ sơ du học ở Phần Lan, "cố tình chọn một trường lạ hoắc, xa xôi để khó bị xác minh, làm hồ sơ giả mang về cho gia đình rồi xin tiền đóng học phí".
"Đâm lao theo lao. Tiền nợ gói trước chưa trả nên tôi cũng ráng. Đã làm xong hồ sơ rồi nhưng lần lữa mãi, biết gia đình không lo nổi nên tự bỏ cuộc", đó là cách N. thoát ra khỏi công ty đa cấp.
Theo N., nhiều người trung niên vào xin việc, tìm hiểu gia cảnh biết họ không có "tiềm năng" để moi móc tiền bạc hoặc dụ dỗ người khác tham gia thì công ty tìm cách để họ tự nghỉ việc. "Sinh viên thì có nhu cầu hợp lý liên quan học hành như học tiếng Anh, du học, khóa học… sẽ dễ bày vẽ. Đa phần đều nghỉ việc khi không có tiền lên gói cao hơn", N. chia sẻ.
Đánh vào tình cảm gia đình
Trái với suy nghĩ rằng vì không thương cha, thương mẹ mà những người trẻ sẵn sàng lọc lừa gia đình, rất nhiều người bước chân vào đa cấp ban đầu là vì muốn làm thêm kiếm tiền, không muốn cha mẹ phải lo lắng cho mình.
"Càng thương cha mẹ, thương gia đình lại càng dễ bị lợi dụng tâm lý để kích động và càng tìm mọi cách che giấu cha mẹ, người thân" - T.N.H. (21 tuổi), cô gái từng làm việc trong một công ty đa cấp hơn 1 năm, chia sẻ.
Tổng kết tháng với hình phạt ăn ớt dành cho team không đủ doanh số - Ảnh: N.H
H. nói rằng cô vốn tự lập, muốn kiếm việc làm thêm phụ giúp gia đình nên mới bị dẫn dụ vào đa cấp. H. thừa nhận cách mọi người nói rằng đa cấp "tẩy não" là đúng.
Ngay từ đầu, H. đã rất gắn bó với "người bảo trợ", ăn chung, làm chung, ngủ chung và ràng buộc bởi các quy định về giờ giấc của công ty. Cô lúc nào cũng có mặt ở công ty đúng giờ, không đúng giờ thì bị phạt 50.000 - 100.000 đồng, nghỉ tết thì được yêu cầu mùng 2, mùng 3 có mặt.
Thời gian làm ở đó, cô sinh viên 20 tuổi đã nghỉ học, bán hết tài sản, từ đồ trang sức, iPad, cầm giấy tờ tùy thân để vay nóng… xoay tiền đóng cho công ty. "Những người cùng line với tôi ở trên và người bảo trợ luôn nói rằng cứ vay đi, có gì trên sẽ hỗ trợ. Vì đã đóng quá nhiều tiền và cũng đánh đổi cả việc học ở trường, cũng không thể nói thật với gia đình nên tôi cứ lần lữa và gần như buông xuôi", H. kể.
H. lún sâu hơn khi xuôi theo bày vẽ của "đồng đội", làm hồ sơ du học tại chỗ ngành tiếng Anh tại một trường quốc tế với số tiền học phí gần 280 triệu đồng để "lên gói".
"Tôi chỉ muốn thử, nếu không được thì thôi. Nhưng mẹ rất thương tôi và cũng muốn tôi du học nên khi tôi mang hồ sơ về, mẹ đồng ý liền. Thời gian đầu đi làm, công việc như thế nào, tôi đều kể cho mẹ nghe hết. Nhưng khi càng ở sâu phía trong, tôi không thể chia sẻ được gì nữa", H. nói.
Cô cũng "dụ dỗ" thành công một người bạn thân chí cốt vào cùng. "Vào đến nơi, bạn và tôi bị tách ra. Người bảo trợ tìm mọi cách không cho bọn tôi trò chuyện tiếp xúc. Bạn cũng đã đóng gói 280 triệu như tôi", H. kể.
"Dịp may" đã đến vào một ngày H. bị "người bảo trợ" chửi "làm ăn quá tệ hại, nhắm làm không được thì nghỉ đi". Và H. nghỉ.
Cô đi làm ở một kho hàng, kiếm tiền trả món nợ 280 triệu mà mẹ vay cho cô đi học.
"Mẹ tôi cao huyết áp nên dễ bị tăng xông. Tôi đã nghỉ làm nhiều tháng nay và đi làm công việc khác, nhưng vẫn không dám cho mẹ biết.
Mẹ vẫn nghĩ là tôi đang du học tại chỗ. Giờ tôi cũng chưa thể đi học lại được mà muốn tập trung làm một thời gian trả bớt số nợ. Mấy tháng qua đã trả được 40 triệu rồi", H. chia sẻ.
Nhân viên được huấn luyện rằng sẽ bị từ chối nhưng phải kiên trì với niềm tin 100 người cũng sẽ có một người nghe theo, và họ sẽ có F1 - cấp dưới. Đó là lý do hầu hết các bạn trẻ không ngại bị từ chối - Ảnh: N.H
Đốt hồ sơ, bắt viết cam kết chịu trách nhiệm về mọi thứ
N. cho biết mỗi khi "xuống tiền", nhân viên đều phải viết cam kết "tôi tự nguyện thực hiện". Đồng thời theo quy định, mọi giấy tờ liên quan đến công việc đều phải để lại công ty, kể cả các cam kết, hóa đơn mua bán hàng, có trường hợp quay cả clip khi viết cam kết, làm hồ sơ du học…
"Khi có người nghỉ thì công ty đốt hồ sơ. Công an đến kiểm tra thì đuổi hết nhân viên ra quán…". Bản thân N. còn bị "người bảo trợ" cho đứng tên làm "người tham chiếu" khi họ đi vay nóng, nên dù đã nghỉ việc, cô vẫn nhận những tin nhắn đòi nợ với những đe dọa sặc mùi giang hồ.
Cô cho biết những người quản lý đều bị cấp trên ép phải mua xe xịn, đi xe SH, điện thoại xịn để xây dựng hình ảnh, và nhiều người phải đi vay nợ. "Để có tiền, họ xúi mình làm mọi thứ, từ vay nặng lãi đến lừa tiền gia đình, cắm sổ đỏ... Vay nặng lãi bị đòi nợ thì họ còn xúi xù nợ khi bị nhắn tin đòi nợ, hăm dọa. Nhiều người không dám nghỉ vì chờ rút tiền hoa hồng", N. cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận