Trang web của NeuroMama quảng cáo vô tội vạ - Ảnh chụp màn hình |
Tuần này, Ủy ban Chứng khoán và thị trường chứng khoán Mỹ (SEC) đình chỉ hoạt động giao dịch cổ phiếu của một công ty chẳng mấy ai biết đến với tên gọi NeuroMama.
Điều khác thường gây sự chú ý chính là cổ phiếu của NeuroMama trong tám tháng qua bỗng tăng đột biến 463% và giá trị thị trường đạt đến... 35 tỉ USD, hơn cả Hãng sản xuất xe điện Tesla Motors Inc nổi tiếng hay Hãng hàng không Delta Airlines.
“Tiền không mua được tình yêu...”
Nhưng vấn đề ở chỗ dù có giá cao ngất ngưởng nhưng NeuroMama chưa từng công bố bất cứ báo cáo tài chính nào từ năm 2013, thời điểm doanh nghiệp này ra đời với khối tài sản vỏn vẹn 4.721 USD!
Thậm chí thông tin cho biết “hoạt động kinh doanh” của công ty này trong 9 tháng gần nhất là lỗ... 500 USD trong số quỹ chỉ còn 1.000 USD!
Doanh nghiệp “tỉ đô” này ban đầu đăng ký ở vùng Siberia của Nga trước khi dời đến Tijuana, Mexico.
Các nhà sáng lập NeuroMama quảng bá tham vọng trở thành “bộ máy tìm kiếm, mạng xã hội và nền tảng giao dịch điện tử của tương lai”. Họ còn muốn xây 39 sòng bài ở Mexico và một nhà máy năng lượng có thể cung ứng điện và nước đủ cho 10 triệu dân...
Hoành tráng như thế, nhưng không ai biết NeuroMama là cái gì và hoạt động ra sao trong thời gian nó tồn tại. Bất cứ ai ghé qua trang web của NeuroMama đều mô tả nó là một mớ nội dung “tự sướng” rẻ tiền và đầy lỗi chính tả.
“Tiền, quả thật, không mua được tình yêu... nhưng không có tiền có thể hủy diệt nó”; “Hãy bắt đầu thực hiện ước mơ của chúng ta - những ước mơ kiếm tiền xưa cũ và tốt đẹp...”; “Chúng tôi tin những ý tưởng của mình là hoàn hảo. Nhưng mà nếu lỡ chúng tôi có mắc sai lầm thì chúng tôi sẽ đổi ý tưởng khác, kiểu gì cũng kiếm được tiền...” là một số trích dẫn quảng cáo kiểu rất “sơn đông mãi võ” của NeuroMama.
Trong thông cáo nêu nguyên nhân đình chỉ cổ phiếu NeuroMama, SEC quan ngại về những thông tin “mờ ảo” công ty này cung cấp cho nhà đầu tư.
Đáng chú ý nhất là việc NeuroMama cố tình tự nhận cổ phiếu của họ được niêm yết trên thị trường chứng khoán Nasdaq, trong khi sự thật nó chỉ giao dịch trên thị trường tự do (OTC) vốn rất phức tạp và không bị kiểm duyệt.
“Bầy sói” Phố Wall
Theo Đài CNN, NeuroMama là ví dụ mới nhất về rủi ro giới đầu tư có thể gặp phải nếu đổ tiền vào những cổ phiếu trôi nổi, không niêm yết trên các sàn giao dịch chính thống như NYSE hay Nasdaq.
Do các giao dịch OTC chỉ thực hiện giữa hai bên mua - bán và không chịu sự quản lý nên giá các cổ phiếu này biến động rất lớn, chủ yếu do tin đồn và đầu cơ.
Thông qua OTC, các tay lừa đảo “biến hóa” cổ phiếu của công ty bình phong để kiếm lợi bất hợp pháp theo chiến thuật “thổi giá lên rồi bỏ chạy”.
Đây là hiện tượng đã có từ lâu ở Phố Wall và thậm chí được Hollywood dựng thành phim. Trong tác phẩm Sói già Phố Wall ra mắt năm 2013, nhân vật chính do ngôi sao Leonardo DiCaprio thủ vai đã lợi dụng kẽ hở trong giao dịch OTC để thực hiện các phi vụ lừa đảo tài chính.
Vụ NeuroMama cũng không phải duy nhất. Năm 2014, nhà chức trách phát hiện công ty không tên tuổi Cynk Technology Corp, trụ sở đăng ký tận Belize trong vùng biển Caribê, trong thời gian ngắn bỗng có giá trị thị trường tăng lên 6 tỉ USD. Kẻ chủ mưu trong vụ này, Gregg Mulholland, bị khép tội rửa tiền hồi tháng 5-2016.
“Công ty bình phong đã là vấn nạn trong nhiều thập kỷ vì SEC không đủ tài lực để theo dõi. Đây hẳn là điều đáng được quan tâm” - ông Stephen Crimmins, cựu quan chức SEC, cảnh báo.
Năm ngoái, SEC loại bỏ hơn 800 công ty bình phong trong chiến dịch có tên gọi “Loại bỏ vỏ bọc”, nhưng đến nay vẫn còn hàng trăm pháp nhân như vậy đang hoạt động. Một số trong đó giống NeuroMama, dù kinh doanh bết bát nhưng vẫn có giá trị đến hàng tỉ USD.
Hiện NeuroMama vẫn chưa bị khởi tố tội lừa đảo, nhưng có lẽ “giấc mơ kiếm tiền” của họ sẽ bị gác lại vô thời hạn.
Từ tỉ đồng xuống còn 0 đồng
Mới tinh nhất trong mấy vụ “biến không thành có” là trường hợp Công ty Theranos ở Mỹ, từng lên giá chóng mặt nhờ thiết bị có thể thực hiện 70 bài kiểm tra chỉ với vài giọt máu. Có thời điểm Theranos được định giá 9 tỉ USD, giúp nhà sáng lập Elizabeth Holmes trở thành nữ tỉ phú tự lập nghiệp trẻ nhất thế giới với tài sản được định giá là 4,5 tỉ USD. Tuy nhiên, từ tháng 1-2015 Theranos bị tố cáo làm hàng dỏm vì thiết bị cho kết quả không chính xác. Tháng 7 vừa qua, Holmes bị giới chức Mỹ cấm sở hữu hoặc điều hành một phòng thí nghiệm bất kỳ trong ít nhất 2 năm. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 5-9 nếu cô không kháng cáo và thắng kiện. Bản thân Holmes cũng bị Forbes điều chỉnh tài sản ước tính xuống 0 đồng. Tình hình có vẻ không có gì sáng sủa khi Holmes vừa xin từ chức khỏi vai trò “đại sứ của Tổng thống Obama” trong vấn đề khởi nghiệp. |
“Đây là chuyện nghiêm trọng, nếu vậy ai cũng có thể làm giá cổ phiếu bằng cách tung tin đồn. 35 tỉ USD là con số ảo, nó cho thấy đằng sau có sự thao túng |
Ông Charles Whitehead (giáo sư luật từ Đại học Cornell) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận