13/06/2013 08:15 GMT+7

Công trình miễn phí vẫn thu tiền dân!

MINH QUANG - ĐỨC BÌNH
MINH QUANG - ĐỨC BÌNH

TT - Dự án cấp nước sinh hoạt cho người dân huyện Phong Thổ (Lai Châu) có giá trị 18,5 tỉ đồng, đầu tư miễn phí từ các trạm xử lý đến đường ống, đồng hồ nước nhưng từ chủ tịch UBND huyện đến các hộ dân không hề biết được miễn phí mà đều phải đóng tiền.

PIExod6D.jpgPhóng to
Chỉ một đoạn ống ngắn, với đồng hồ đo nước và một số ốc, bulông mà gia đình ông Nguyễn Hồng Khởi (bản Vàng Khon, Phong Thổ) phải chi trả gần 1,6 triệu đồng - Ảnh: Đức Bình

Chủ đầu tư đã thu hàng triệu đồng của mỗi hộ dân chi cho vật tư lắp đặt, đồng thời vẫn thanh toán tiền mua vật tư với Nhà nước và báo cáo dự án hoàn thành đúng như yêu cầu đề ra...

Không ai biết được miễn phí

Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy xử lý và cấp nước sinh hoạt thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ được UBND tỉnh Lai Châu phê duyệt ngày 4-4-2008 với tổng mức đầu tư 18,5 tỉ đồng, trong đó vốn nhà tài trợ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) là 13,77 tỉ đồng và vốn đối ứng của địa phương là 4,73 tỉ đồng. Dự án có mục tiêu đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho hơn 7.600 người dân tại khu vực trung tâm thị trấn huyện Phong Thổ và dân cư vùng lân cận tại các bản Vàng Bó, Vàng Khon. Theo yêu cầu của nhà tài trợ, toàn bộ phần vật tư gồm đường ống dẫn đến cửa nhà dân và đồng hồ đo nước được dự án cấp miễn phí hoàn toàn, người dân chỉ phải chịu chi phí đường ống từ sau đồng hồ đo nước đến bể chứa, vòi nước nhà mình. Việc triển khai thực hiện dự án được chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng và cấp nước tỉnh Lai Châu triển khai từ tháng 4-2009 và bàn giao đưa vào sử dụng từ ngày 21-12-2011, nhưng đến nay vẫn còn nhiều nhà dân chưa được lắp đường ống và đồng hồ nước, ai muốn lắp đặt phải đóng 1,2-1,8 triệu đồng đặt cọc mới được xem xét thực hiện.

Khu tái định cư số 2, thị trấn Phong Thổ là một trong những điểm đầu tiên được thụ hưởng từ dự án này. Để được trở thành những người đầu tiên có nước sạch sử dụng, gia đình bà Lê Thị Sánh đã phải ký kết hợp đồng kinh tế lắp đặt hệ thống cấp nước với Công ty TNHH Xây dựng và cấp nước tỉnh Lai Châu và nộp hơn 1,2 triệu đồng. Khoản tiền này được tính cho toàn bộ phần công và thiết bị lắp đặt. Đến thời điểm tháng 6-2013, bà Sánh vẫn hoàn toàn không biết việc lắp đặt đường nước cho nhà mình là miễn phí mà vẫn nghĩ đơn giản rằng muốn được sử dụng nước sạch thì phải ký hợp đồng, thuê công ty về lắp và phải mất tiền.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Bá Khoa ở bản Vàng Khon cùng một số hàng xóm là những người mới nhất vừa được lắp đặt hệ thống đường ống, đồng hồ nước từ dự án này. Tay lật giở một tập hợp đồng, giấy tờ, biên lai, ông Khoa nói: “Tôi không hề biết gì về dự án này cả, nếu biết dự án đầu tư cho mọi thứ mà không mất tiền, nhà tôi việc gì phải đợi đến đầu năm nay mới lắp”. Theo ông Khoa, nhà ông nuôi hai con heo nái, mỗi lần heo đẻ cả chục con nên nhu cầu dùng nước khá lớn. Nhưng vì khó khăn nên mãi đầu năm 2013 gia đình mới nộp 1,7 triệu đồng đăng ký lắp đồng hồ và đường nước vào nhà. Khi thanh lý hợp đồng, gia đình ông vẫn phải phụ thêm 36.000 đồng.

Trưởng bản mù tịt, chủ tịch huyện cũng không hay

Theo ông Vương Văn Định - trưởng bản Vàng Khon: “Từ năm 2010 chúng tôi đã được nghe đến dự án nước trên 18 tỉ đồng này nhưng khi đó có ai biết dự án sẽ đầu tư thế nào đâu. Đến đầu năm 2012 dự án mới về đến bản. Cả bản có trên 150 hộ dân thì ngay thời điểm dự án về đã có gần 100 hộ đăng ký lắp đặt đồng hồ, đường nước vào nhà. Nhà tôi hồi đó nộp 1,4 triệu đồng. Khi lắp đặt xong, tính toán trừ từng cái bulông, đai níu đến ống, cút nối, nhà tôi được hoàn lại gần 200.000 đồng”. Ông Định thừa nhận dù là trưởng bản Vàng Khon đến 14 năm nhưng “khi đó có biết dự án đầu tư cho dân cái gì đâu, chi nhánh nước thông báo nhà ai có nhu cầu thì đăng ký, nộp tiền là vài ngày sau được lắp đặt nên ai có tiền thì đến lắp đặt thôi”.

Thực tế hàng trăm hộ dân thuộc diện được thụ hưởng của dự án này đến cuối năm 2012, đầu năm 2013 mới được lắp đặt hệ thống nước vì khi đó mới có tiền, trong khi dự án đã bàn giao và đi vào sử dụng từ cuối năm 2011. Đáng chú ý, một dự án lớn cho hơn 7.600 nhân khẩu trên địa bàn thị trấn huyện Phong Thổ được triển khai hàng năm trời nhưng lãnh đạo huyện hoàn toàn không nắm được nội dung dự án cũng như kết quả thực hiện, tất cả đều mù tịt.

Ông Trần Văn Quế, chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, khi được hỏi về dự án này ngập ngừng cho rằng chỉ được biết có công trình trên địa bàn, chỉ được thông báo như vậy, còn dự án có nội dung cụ thể như thế nào phải hỏi chủ đầu tư. Chính vì vậy ông Trần Văn Quế cũng như cán bộ cấp dưới đều không biết theo dự án này người dân được cấp miễn phí đường ống dẫn đến cửa nhà và đồng hồ đo nước. Nói về trách nhiệm giám sát ở địa phương, ông Quế cho rằng chủ đầu tư giám sát trực tiếp, và ngoài ra còn có kênh giám sát cộng đồng.

Chỉ đạo từ phó chủ tịch tỉnh (?)

Làm việc với Tuổi Trẻ về nội dung dự án, ông Vì Văn Chung - phó giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và cấp nước tỉnh Lai Châu - thừa nhận theo yêu cầu của nhà tài trợ JBIC, toàn bộ vật tư thiết bị gồm đường ống dẫn đến cửa nhà và đồng hồ nước được cấp miễn phí cho người dân. Dự án đã hoàn thành, được nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ tháng 12-2011, đảm bảo các mục tiêu đề ra ban đầu. Ông Chung cho biết theo dự án được phê duyệt thì tổng số 1.264 đồng hồ đo nước và các phụ kiện kèm theo cho người dân có giá trị gần 1,1 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này đã chi trả cho nhà thầu xây dựng dự án.

Sẽ xác minh, có vấn đề sẽ xử lý

Về vấn đề này, chánh Văn phòng UBND tỉnh Lai Châu Nguyễn Ngọc Vinh cho rằng đã nói chủ trương của tỉnh thì phải ở văn bản nào hay hội nghị nào, ngày tháng năm nào mới rõ được chứ một năm tỉnh tổ chức rất nhiều cuộc hội nghị, không thể nhớ hết được. Đối với các vấn đề của dự án nêu trên, ông Vinh cho biết sẽ tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ để làm việc, xác minh với chủ đầu tư, tại các cơ quan và trên thực tế, nếu có vấn đề thì tỉnh sẽ xử lý.

Theo ông Chung, việc thu tiền vật tư và lắp đặt của người dân tại thị trấn huyện Phong Thổ là do chỉ đạo của giám đốc công ty (ông Nguyễn Cao Cửu) và không phải thực hiện từ dự án này mà từ trước đó. Cụ thể, năm 2005, công ty triển khai thực hiện hệ thống cấp nước sinh hoạt tại thị trấn Bình Lư (nay là thị trấn Tam Đường), huyện Tam Đường, cho gần 700 khách hàng sử dụng nước. Số thiết bị vật tư và đồng hồ cũng được miễn phí nhưng công ty vẫn tính tiền, thu tiền của các hộ dân. “Điều này nhằm mục đích mang lại công bằng cho người dân nói chung vì dân thị xã Lai Châu khi lắp đặt đồng hồ nước phải đóng tiền thì dân ở các huyện cũng vậy” - ông Vì Văn Chung nói. Vì thế sau khi thu tiền của người dân ở Bình Lư không gặp phản ứng gì, công ty đã tiếp tục thu tiền của hơn nghìn hộ dân tại huyện Phong Thổ.

Theo ông Chung, số đồng hồ và vật tư này không phải công ty tư túi mà để đó để lắp đặt cho các dự án khác, ví dụ như dự án tại huyện Sìn Hồ. Tuy nhiên, khi được hỏi việc chuyển từ dự án này sang dự án khác có quyết định của tỉnh hay không, có ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ JBIC hay không thì ông Chung không trả lời được. Trên thực tế, cho đến nay vẫn chưa có bất cứ một chấp thuận nào cho việc thu tiền của dân, chuyển thiết bị vật tư từ hai dự án cấp nước tại huyện Tam Đường và Phong Thổ sang nơi khác.

Ông Nguyễn Cao Cửu, giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và cấp nước Lai Châu, cho biết vào năm 2006, trong một cuộc họp, ông Trần Văn Phu, khi đó là phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, đã chỉ đạo thu tiền của người dân được thụ hưởng từ dự án của thị trấn Bình Lư nhằm cho công bằng với dân thị xã Lai Châu. Tuy nhiên, ông Cửu không đưa ra được văn bản chỉ đạo nào của tỉnh và cũng chỉ nhớ chỉ đạo của ông Phu trong một cuộc họp chứ không nhớ nội dung cuộc họp và thời gian chính xác.

MINH QUANG - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên