Cuộc họp của Hội đồng Giáo sư Nhà nước về đợt phong giáo sư, phó giáo sư năm 2019 - Ảnh: Hội đồng Giáo sư Nhà nước
Một số ứng viên tỏ ra không phục với quyết định bị loại của Hội đồng Giáo sư nhà nước, vì trong số này có những người thực sự xuất sắc.
Lần đầu tiên Hội đồng Giáo sư nhà nước thực hiện việc rà soát hai lần với hồ sơ của ứng viên được các hội đồng ngành chuyển lên. Với khối lượng 500 hồ sơ ứng viên, đây là công việc rất vất vả. Chúng tôi kiểm tra từng hồ sơ, những chi tiết có nghi ngờ, chúng tôi phải làm việc lại với hội đồng ngành để làm rõ. Trong quá trình xét đã có những ứng viên chưa đủ điều kiện được trao đổi để chủ động rút hồ sơ. Tuy nhiên, năm đầu thực hiện quyết định 37 còn có những điều phải rút kinh nghiệm để làm tốt cho các năm sau".
PGS.TS Trần Anh Tuấn
Điểm khoa học cao vẫn trượt
Hai trường hợp bị trượt gây bất ngờ cho dư luận là TS Trần Quang Huy (ĐH Phenikaa) và PGS.TS Lê Hữu Song, phó giám đốc Bệnh viện Trung ương quân đội 108.
TS Trần Quang Huy có điểm công trình khoa học là 29,25 (điểm chuẩn cho PGS là 10 điểm) với 56 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus. TS Huy cho biết tại thời điểm nộp hồ sơ, ông đã hướng dẫn thành công 6 thạc sĩ, đang hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh, 1 học viên cao học; ông cũng đang là chủ biên và tham gia biên soạn 3 đầu sách, chủ nhiệm 1 đề tài cấp nhà nước (Nafosted) và 1 đề tài cơ sở đã bảo vệ thành công.
Ông cho biết đã khai rõ 4 năm thâm niên liên tục tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ ĐH trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ.
Theo khoản 3, điều 6 của quyết định 37/2018/QĐ-TTg (gọi tắt là quyết định 37) áp dụng cho tiêu chuẩn PGS: "Có ít nhất 6 năm, trong đó phải có 3 năm cuối liên tục tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ ĐH trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ".
Do không đủ minh chứng cho 6 năm thâm niên liên tục tham gia đào tạo, bồi dưỡng trình độ từ ĐH trở lên và số giờ giảng dạy (đứng lớp trực tiếp), nên theo quy định kể trên, TS Huy đã đề nghị tính gấp hai lần điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu đóng góp từ các bài báo khoa học như quyết định 37 cho phép.
"Trên thực tế số điểm của tôi là 29,25 (>4 lần điểm chuẩn theo quy định). Nhiều ứng viên năm nay cũng thiếu thâm niên và giờ giảng vẫn được hội đồng cho phép bù, đây là ưu điểm và họ rất xứng đáng được như vậy" - TS Huy cho biết.
PGS.TS Lê Hữu Song thì có điểm khoa học là 41,6 điểm, cao thứ hai trong số 10 ứng viên GS ngành y năm 2019. Ông Song còn là chủ nhân của nhiều giải thưởng trong và ngoài nước có giá trị như bằng khen của Tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế (World Intellectual Property Organization - WIPO), giải thưởng Alexandre Yersin 2018 do Hiệp hội Y khoa Thụy Sĩ - Việt Nam trao tặng cho công bố y học quốc tế xuất sắc, giải nhất Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2018.
Đặc biệt, ông Song là ứng viên GS duy nhất có Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ (giải thưởng danh giá nhất về khoa học công nghệ của Nhà nước) và sở hữu 10 bằng phát minh, sáng chế do Cục Sở hữu trí tuệ cấp (mỗi năm cả Việt Nam chỉ có khoảng 450 bằng sáng chế) nhưng ông Song cũng "trượt" phong GS đợt này vì không đủ quy định về hướng dẫn nghiên cứu sinh.
Nhiều hồ sơ ứng viên sau khi chuyển lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã phải rà soát lại - Ảnh: NAM TRẦN
Quy định không rõ ràng, đính chính chậm
Trường hợp TS Huy, ông Trần Anh Tuấn - chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước - giải thích: ông Huy khai tổng số 18 năm tham gia đào tạo, nhưng lại không kê khai được đủ 6 năm và không đủ minh chứng. Năm học 2015 - 2016, 2016 - 2017 không trực tiếp giảng dạy trên lớp, chưa hoàn toàn đáp ứng được khoản 3, điều 4 của quyết định 37 về việc có ít nhất 1/2 số giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp.
Hồi đáp ý kiến này, TS Huy cho rằng chuẩn cứng "3 năm cuối giảng dạy liên tục" này đưa ra để "vận dụng" sau khi ứng viên đã nộp hồ sơ là quá vô lý. Nếu biết trước chuẩn cứng như thế này thì những người như ông đã không mất thời gian, công sức để chuẩn bị và nộp hồ sơ vì biết chắc mình sẽ bị loại.
Những trường hợp có điểm khoa học cao như PGS Song nhưng bị "trượt" cũng nằm trong khoảng mù mờ khi vận dụng quyết định 37. Một điểm mới của quyết định 37 là quy định cho phép quy đổi điểm khoa học để "bù" cho việc thiếu điểm giảng dạy, hướng dẫn cao học, nghiên cứu sinh.
Cụ thể là cho phép "thay thế các điều kiện ứng viên không thực hiện đủ về hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh, đề tài nghiên cứu khoa học bằng các bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng...".
Đây là điểm mới từng được dư luận đánh giá cao, nhất là cộng đồng các nhà khoa học thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học tự nhiên vốn có ưu thế về "điểm khoa học".
Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn cho rằng "việc vận dụng trong một dải rộng quá" vì quyết định 37 rất chung chung, nên khi thực tế diễn ra với những trường hợp cụ thể khác nhau làm các hội đồng ngành rất đau đầu khi không biết vận dụng như thế nào là đúng, để không thiệt thòi cho ứng viên.
Trước tình hình này, trong nghị quyết số 01/NQ-HĐGSNN về phiên họp thứ nhất của Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2018 - 2023, ngày 26-6-2019, đã thống nhất hướng dẫn một số điểm trong quyết định 37. Trong đó có nội dung thay thế các điều kiện ứng viên không thực hiện đủ về hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh, đề tài nghiên cứu khoa học bằng các bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín, bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng... Nhưng giải thích rõ khái niệm "không đủ" trong quyết định 37 được hiểu là thiếu một phần hoặc toàn bộ.
Nếu áp dụng theo nghị quyết 01 này thì trường hợp GS Song hoàn toàn có thể được "bù" bằng điểm khoa học. Một số ứng viên khác không có điểm hướng dẫn nghiên cứu sinh, điểm giảng dạy nhưng nếu vận dụng theo cách hiểu này có thể cũng được "bù" nếu điểm khoa học cao.
Nhưng ngày 10-7-2019, Hội đồng Giáo sư nhà nước có văn bản số 135 gửi các hội đồng ngành và hội đồng cơ sở thông báo do sơ suất trong rà soát chỉnh lý nghị quyết 01/NQ-HĐGSNN nên đính chính lại điểm 2.1 (liên quan tới bù điểm khoa học cho điểm đào tạo). Theo bản đính chính, phần giải thích khái niệm "không đủ" là "thiếu một phần hoặc toàn phần" đã được lược bỏ.
Ông Trần Anh Tuấn cho biết sau khi Hội đồng Giáo sư nhà nước họp phiên thứ 3 để xét vòng cuối đợt xét GS, PGS năm nay mới quyết định thống nhất lấy "ngưỡng cao" chứ không lấy "ngưỡng thấp" để đảm bảo chất lượng ứng viên. Vì thế sẽ chỉ "bù điểm khoa học" trong các trường hợp có đào tạo nhưng bị thiếu. Những trường hợp không đào tạo sẽ loại.
"Chức danh GS, PGS gắn với cơ sở đào tạo thì ngoài việc nghiên cứu khoa học, ứng viên phải tham gia đào tạo, dẫn dắt thế hệ trẻ trong các lĩnh vực chuyên môn của mình. Nếu không đào tạo chỉ nghiên cứu mà được tính thay thế thì không hợp lý" - ông Tuấn giải thích.
Có chuyện "bẻ lái phút 89"?
Một số thành viên các hội đồng ngành cho rằng quyết định 37 thì không rõ, nhưng lại không cho phép có hướng dẫn.
"Chưa bao giờ chúng tôi làm việc khổ như năm nay. Rất nhiều vấn đề, dù rất nhỏ sau khi Hội đồng Giáo sư nhà nước rà soát, yêu cầu giải trình chúng tôi lại phải xem xét. Trong khi quyết định 37 nhiều điểm không rõ, không có hướng dẫn cụ thể" - GS Tạ Ngọc Tấn, chủ tịch Hội đồng ngành văn hóa - nghệ thuật - thể dục thể thao, chia sẻ.
Một thành viên Hội đồng ngành y cũng cho biết: "Riêng quy định về bù điểm khoa học cho điểm giảng dạy không rõ nên khi xét, chúng tôi đã vận dụng để có lợi cho ứng viên. Khi lên đến Hội đồng Giáo sư nhà nước mới có thông tin vận dụng "ngưỡng dưới", có nghĩa không đào tạo thì dù điểm khoa học cao vẫn loại. Điều này dở cho ứng viên và cho cả hội đồng. Vấn đề quá nhạy cảm, dễ bị suy diễn, áp lực bị dội trở lại hội đồng ngành".
Những ứng viên bị trượt thì cho rằng các quy định cụ thể, đặc biệt là vấn đề quy đổi điểm khoa học cho đào tạo họ chỉ được biết khi đã nộp hồ sơ. Điều này được ví như Hội đồng Giáo sư nhà nước đã "bẻ lái phút 89", nhưng ông Trần Anh Tuấn khẳng định nội dung văn bản 135 đã được thông tin đến các hội đồng ngành và phổ biến cụ thể trong các đợt tập huấn nên không có chuyện "bẻ lái phút 89".
Theo kết quả công bố của Hội đồng Giáo sư nhà nước, năm 2019 có 424 ứng viên giáo sư, phó giáo sư đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Như vậy, so với danh sách của 26 hội đồng ngành, liên ngành đưa lên thì có 16 ứng viên (gồm 7 ứng viên giáo sư và 9 ứng viên phó giáo sư) không đạt theo yêu cầu của Hội đồng Giáo sư nhà nước.
Bài báo khoa học đăng trên tạp chí "rởm"?
Theo quyết định 37, ứng viên GS phải có 3 bài, PGS phải có 2 bài đăng trên tạp chí quốc tế uy tín (ISI, Scopus) hoặc tạp chí của các trường ĐH thuộc top 500. Tra cứu hồ sơ của các ứng viên ngành văn hóa - nghệ thuật - thể dục thể thao được đăng công khai, nhiều người đã lo ngại khi "bài báo" của một số ứng viên đăng trên các tạp chí quốc tế "lạ", thậm chí chỉ đăng trên kỷ yếu hội thảo quốc tế.
Ví dụ ứng viên N.T.L.H. được xét một bài duy nhất nhưng đó chỉ là bài kỷ yếu tham gia một tọa đàm ở Thái Lan. Ứng viên N.T.X.P. có 2 bài báo đăng trong một ngày vào thời điểm sát nút đăng ký xét PGS trên một tạp chí ở Ấn Độ đang bị nghi ngờ về "uy tín" và pháp danh.
Ứng viên L.T.T.H. là trường hợp thiếu thâm niên 6 năm và bù từ điểm bài báo quốc tế. Nhưng xem trên hồ sơ ứng viên này thì các bài báo đăng trên những tạp chí không phải ISI, Scopus hay top 500. Trong đó có một tạp chí của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Một bài của ứng viên N.T.T.T. kê khai trong hồ sơ không đăng ở tạp chí mà chỉ là trang web được tạo ra để đăng các bài hội thảo… Ứng viên Q.N.A. cũng có bài đăng trên các tạp chí không danh tiếng của Trung Quốc...
GS Tạ Ngọc Tấn - chủ tịch hội đồng ngành - cho biết: "Quan trọng là bài báo có chất lượng và có ý nghĩa đóng góp cho cộng đồng, đất nước trong lĩnh vực chuyên môn của ứng viên không". Ông Tấn cũng cho rằng "bài đăng kỷ yếu hội thảo quốc tế cũng có thể được tính" nhưng trong số các bài đăng kỷ yếu của ứng viên ngành văn hóa - nghệ thuật - thể dục thể thao thì chỉ nhìn trên hồ sơ đã thấy mức độ hội thảo, tọa đàm khác nhau.
Ông Tấn cho rằng ở lĩnh vực này, có thể dấu ấn chủ quan trong quan điểm của hội đồng sẽ nhiều hơn các lĩnh vực khác, nhưng vẫn phải dựa vào chuẩn chung và sự thống nhất của hội đồng. Tuy có những giải thích cho tính hợp lý của các bài báo quốc tế, nhưng nhìn vào tương quan với khối khoa học cơ bản thì khối này đuối hơn hẳn. Đây cũng là lĩnh vực trước đây ít ứng viên được chấp nhận do khó có bài báo quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận