Hủy cuộc thi "Nữ hoàng Biển Việt Nam": Công ty cố tình vi phạm quy địnhVì sao cuộc thi “Nữ hoàng biển” bị hủy?
Phóng to |
Thí sinh đến Nha Trang tham gia cuộc thi “Nữ hoàng biển” để rồi sau đó phải ngậm ngùi ra về vì cuộc thi bị hủy - Ảnh: Đình Tùng |
Phóng to |
Các thí sinh tại cuộc thi Hoa hậu các dân tộc VN 2013 - Ảnh: T.T.D. |
Nhà nhà tổ chức thi người đẹp, người người nô nức giành danh hiệu... Có quá nhiều cuộc thi nhan sắc nhưng công nghệ tổ chức thi thì chỉ có một màu: nghiệp dư.
Một “hoa hậu”, n “người đẹp”, 0 công nghệ
Kể từ năm 2008, quy chế tổ chức thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp số 87/2008/QĐ-BVHTT&DL do Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh ký đã quy định: “Mỗi năm chỉ tổ chức thi hoa hậu toàn quốc không quá một lần”. Đọc lại quy chế này, chúng ta có thể thấy rất rõ quyết tâm chấn chỉnh công tác tổ chức thi người đẹp của cơ quan quản lý nhà nước. Thế nhưng, thực tế đã có sự lách luật và đã xuất hiện các “phiên bản cuộc thi hoa hậu” với những tên gọi khác.
Không cho dùng danh hiệu “hoa hậu” thì đổi tên thành “nữ hoàng”, “hoa khôi”, “người đẹp”... Có thể kể đến hàng loạt cuộc thi nhan sắc: Nữ hoàng trang sức Việt Nam, Miss Auto, Hoa khôi thể thao Việt Nam, Hoa khôi trí tuệ Việt Nam, Người đẹp tỏa sáng, Người đẹp phụ nữ thời đại qua ảnh, Người đẹp hoa anh đào, Hoa khôi du lịch Hà Nội, Nữ hoàng cà phê... và vô số cuộc thi người đẹp, hoa khôi cấp tỉnh, cấp ngành, cấp trường...
Số lượng cuộc thi nhan sắc trong các năm vừa qua nhiều đến mức ngay cả những phóng viên theo dõi mảng này cũng không nhớ nổi các gương mặt đoạt giải cao nhất chứ đừng nói đến các giải phụ.
Cứ ngỡ rằng với số lượng các cuộc thi nhiều như vậy thì Việt Nam đã có hẳn một công nghệ tổ chức thi người đẹp. Nhưng trên thực tế, công nghệ này đang là số 0. Không có một công ty nào đó đăng ký hành nghề tổ chức thi người đẹp tại Việt Nam. Các ban chỉ đạo, ban tổ chức cuộc thi người đẹp thường hình thành để rồi giải tán.
Có thể thấy việc tổ chức thi người đẹp ở Việt Nam thời gian qua hầu hết đều do các công ty quảng cáo - truyền thông đảm nhiệm: họ tìm quảng cáo, tài trợ, lên kịch bản thi người đẹp, tuyển sinh, tổ chức thi, trao giải rồi... ai về nhà nấy, chờ đến mùa sau kiếm được nhà tài trợ và đến hẹn lại lên. Mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy tổ chức và “xui rủi” sẽ thuộc về ban tổ chức (địa phương, cơ quan, ban ngành) nào liên kết với những đối tác quá nghiệp dư, không làm tốt công tác chuẩn bị và bị cơ quan quản lý nhà nước “sờ gáy”. Như cuộc thi “Nữ hoàng biển Việt Nam 2013” vừa bị hủy bỏ, mọi chuyện đổ bể rồi ông trưởng ban tổ chức mới giật mình than “chọn nhầm đối tác”.
“Thề không làm đạo diễn cuộc thi người đẹp”
Dĩ nhiên, không thể có chuẩn chung cho tất cả cuộc thi người đẹp vì quy mô mỗi cuộc mỗi khác, tuy vậy với những người trong nghề tổ chức sự kiện thì các chương trình tuyển sinh toàn quốc, tối thiểu ba vòng thi và đêm chung kết có lượng người xem hơn 1.000 người thì công tác tổ chức phải được chuẩn bị tối thiểu sáu tháng trước. Đó là “phần cứng” về công tác tổ chức, còn “phần mềm” như tìm kiếm ban giám khảo, tổ chức kịch bản còn phải chuẩn bị trước đó rất lâu để điều chỉnh.
Bà Julia Morley - chủ tịch ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới - từng chia sẻ với người viết: “Tổ chức cuộc thi hoa hậu là việc vô cùng phức tạp. Chúng tôi có rất nhiều tiểu ban, mỗi tiểu ban phục vụ một lĩnh vực khác nhau: tiểu ban pháp luật, tiểu ban truyền thông, tiểu ban giáo dục... và cả một tiểu ban chuyên xử lý sự cố nữa...”. Quay lại với VN, công tác tổ chức sơ sài từ sơ tuyển đến kịch bản của nhiều ban tổ chức dẫn đến những điều tiếng và sự cố xảy ra là tất yếu.
Một đạo diễn nổi tiếng chỉn chu sau khi nhận lời làm đạo diễn sân khấu cho một cuộc thi người đẹp cấp quốc gia đã hạ quyết tâm không bao giờ nhận lời làm công việc này nữa: “Tôi sợ lắm rồi. Mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy nói. Mọi thứ thay đổi xoành xoạch từ việc thí sinh mặc gì, đội gì khi đăng quang đến việc ai lên trao giải. Tôi cứ xoay như chong chóng với các ông các bà. Việc thiết kế sân khấu chung kết càng khổ nữa, chỉ được nhận mặt bằng trước mấy ngày mà trao cho tôi toàn những người không chuyên... Tôi đã thề không bao giờ nhận lời làm đạo diễn cuộc thi người đẹp nào nữa. Quá mệt mỏi vì sự bê bối, nghiệp dư của ban tổ chức”.
Cũng dễ thấy một điều, cái khó của các ban tổ chức cuộc thi người đẹp còn ở khâu... “đầu tiên”. Hầu hết cuộc thi đều phải có nhà tài trợ mà nhà tài trợ không phải lúc nào cũng thoải mái móc hầu bao, thậm chí có nhà tài trợ hứa hẹn đủ điều rồi cứ... khất lần khất lữa khiến ban tổ chức mang tai tiếng với thí sinh. Tuy nhiên, ma lực của sự nổi tiếng cùng với những lợi nhuận hữu hình và vô hình từ các cuộc thi nhan sắc mang lại cho thí sinh lẫn ban tổ chức đã làm cho quy mô và số lượng các cuộc thi này càng ngày càng lớn.
-------------------------------------
Thi hoa hậu - người đẹp: Cơ quan quản lý không đứng ngoài cuộc
TT - Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đăng Chương - cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp chiều 5-6.
* Thưa ông, đối với các cuộc thi hoa hậu, người đẹp hiện nay, sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước ở mức độ nào?
- Trong cuộc thi cấp quốc gia, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL ra quyết định cấp phép. Lãnh đạo bộ cũng là trưởng ban chỉ đạo cùng với địa phương đăng cai cuộc thi này. Ví dụ, tới đây tổ chức cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn là trưởng ban chỉ đạo, phó chủ tịch UBND tỉnh là phó trưởng ban, Cục Nghệ thuật biểu diễn là phó ban tổ chức. Đối với cuộc thi vùng, ban chỉ đạo là Cục Nghệ thuật biểu diễn, lãnh đạo tỉnh là trưởng ban, Sở VH-TT&DL là phó trưởng ban.
Như trong cuộc thi “Nữ hoàng biển” vừa rồi, Sở VH-TT&DL có tới bảy người là thành viên ban tổ chức, phó giám đốc sở là trưởng ban tổ chức cuộc thi. Nhưng khi đoàn kiểm tra của bộ vào thì sở mới nắm được thông tin thông qua buổi làm việc. Sự việc này thể hiện sự buông lỏng quản lý ở địa phương. Sở thay mặt tỉnh là đơn vị đồng hành, giám sát cuộc thi nhưng lại để doanh nghiệp tổ chức thao túng hết cả. Do cơ quan quản lý nhà nước buông lỏng thì quyền lực mới giao cho công ty tổ chức. Chứ nếu giám sát kỹ thì quyền lực của họ chỉ có hạn thôi, dù họ có bỏ ra hàng núi tiền đi chăng nữa. Đối với các cuộc thi này, sự tham gia của cơ quan nhà nước với vai trò quản lý, giám sát là nguyên tắc, là quy định. Nếu quan niệm có tiền mà làm được tất cả thì cơ quan quản lý nhà nước chỉ ăn lương và đứng ngoài à? Cơ quan quản lý nhà nước không thể đứng ngoài cuộc. Họ có ba nhiệm vụ: chỉ đạo cho người ta làm, giám sát hoạt động và xử lý nếu có vi phạm.
* Thông thường, kinh phí tổ chức các cuộc thi từ đâu? Ngân sách nhà nước có phải chi cho các cuộc thi này không?
- Xưa nay, hầu hết các cuộc thi đều sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa, không lấy từ ngân sách nhà nước. Cuộc thi này cũng là hoạt động để các công ty được quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông, tới công chúng.
* Vì chi tiền, nhiều đơn vị tài trợ cũng muốn can thiệp sâu hơn vào cuộc thi chứ không chỉ đơn giản là quảng bá thương hiệu?
- Họ chi tiền thì họ phải có quyền lợi, có thể được quảng bá, có thể trao các giải thưởng phụ... Nhưng không thể vì họ bỏ tiền mà có quyền chỉ định cho cô A, cô B được giải này giải kia. Điều đó không chấp nhận được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận