16/03/2013 02:33 GMT+7

Công lý bị trì hoãn là công lý bị chối bỏ

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Sau cái chết của cựu “ngoại trưởng” Khmer Đỏ Ieng Sary, dư luận Campuchia và cộng đồng quốc tế lo ngại những kẻ đầu sỏ gây ra tội ác diệt chủng 1975-1979 sẽ thoát sự trừng phạt của công lý.

Sau khi Ieng Sary chết tại một bệnh viện ở Phnom Penh hôm 14-3, danh sách bị cáo của Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) chỉ còn lại vỏn vẹn hai cái tên. Đó là Khieu Samphan - 82 tuổi, nguyên “chủ tịch nước” và Nuon Chea - 87 tuổi, nguyên “chủ tịch quốc hội” Khmer Đỏ. Vợ của Ieng Sary là Ieng Thirith, 81 tuổi, cựu “bộ trưởng xã hội”, đã được trả tự do hồi tháng 9-2012 sau khi ECCC xác định bà ta không đủ sức khỏe để hầu tòa.

"Người dân Campuchia, trong đó có những anh chị em đã chết của tôi, chưa nhận được công lý. Nhưng chúng tôi biết làm gì bây giờ?"

Nạn nhân Sok Malayở Phnom Penh, người mất bốn anh chị em trong thời kỳ Khmer Đỏ

“Cái chết của Ieng Sary là thông tin khiến tôi, một nạn nhân chế độ diệt chủng và một nhà hoạt động vì nhân quyền, rất bức xúc - báo Anh Telegraph dẫn lời ông Ou Virak, chủ tịch Trung tâm Nhân quyền Campuchia - Đây là hồi chuông cảnh tỉnh đối với Chính phủ Campuchia, các nhà tài trợ quốc tế, ECCC rằng cần phải đẩy nhanh tiến trình xử án để công lý có thể được thực thi”.

Theo ông Ou Virak, do cả hai bị cáo còn lại đều đã ngoài 80 tuổi, tương lai của ECCC - hoạt động từ năm 2006 với sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc và Chính phủ Campuchia - là một dấu hỏi lớn. Không chỉ công lý có nguy cơ bị tiêu tan, mà hàng trăm triệu USD do các nhà tài trợ nước ngoài đổ vào ECCC cũng có thể sẽ trôi ra sông ra biển. Báo Phnom Penh Post dẫn lời bà Heather Ryan, đại diện Sáng kiến công lý xã hội mở (OSJI), mô tả việc Ieng Sary chết trước khi tòa ra phán quyết trị tội là một “trò hề” và đòn giáng mạnh vào uy tín của ECCC. “Đây là ví dụ điển hình của việc công lý bị trì hoãn là công lý bị chối bỏ”.

Rất nhiều nạn nhân chế độ Khmer Đỏ đã không kìm được sự giận dữ. “Chúng tôi đều biết các thủ phạm diệt chủng đã già và ốm yếu, do đó chúng tôi luôn kêu gọi tòa án xử nhanh. Vậy mà giờ Ieng Sary đã chết. Hiện tại tôi không còn hi vọng gì vào công lý. Cả Nuon Chea và Khieu Samphan đều đã già. Có thể họ sẽ kết thúc giống như Ieng Sary” - Phnom Penh Post dẫn lời nạn nhân Chum Mey, giám đốc Hiệp hội Nạn nhân Khmer Đỏ, bức xúc nói.

Nạn nhân Tin Touch bực tức mô tả ECCC là “một tòa án vô dụng”. Nạn nhân Yim Sopheak cho rằng lẽ ra Ieng Sary phải chết trong tù hoặc bị tử hình, giống như cách ông ta đã tàn sát rất nhiều người dân Campuchia.

Tổ chức Giám sát nhân quyền cũng cho rằng cái chết của Ieng Sary cho thấy ECCC đang thất bại. Đại diện Tổ chức Ân xá quốc tế khẳng định việc Ieng Sary hay các bị cáo còn lại chết vì tuổi già sức yếu là rất khó chấp nhận đối với hàng triệu nạn nhân của Khmer Đỏ đã chờ đợi quá nhiều năm để chứng kiến công lý được thực thi.

Cái chết của Ieng Sary xảy ra vào thời điểm ECCC đang chìm trong khủng hoảng. Theo Phnom Penh Post, hồi đầu tháng 3 tòa án này đã phải tạm dừng hoạt động do 20 biên dịch, phiên dịch người Campuchia đình công cho đến khi nhận được lương của ba tháng trước.

Người phát ngôn ECCC Neth Pheaktra cho biết các nhân viên sẽ trở lại làm việc trong tuần này sau khi các quan chức tòa án cam kết sẽ phát lương. Tuy nhiên việc đình công có thể sẽ tiếp tục tái diễn. Ước tính ECCC cần 7 triệu USD để hoạt động trong năm 2013. Ông Pheaktra cho biết các phiên điều trần sẽ tiếp tục ngày 25-3.

j9ULMPW5.jpgPhóng to
Một du khách xem chân dung Ieng Sary đặt tại nhà tù S-21, nay là Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng ở Phnom Penh - Ảnh: Reuters
SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên