Trong khi thông cáo của Bộ Công thương chỉ có thông tin chung chung thì phía EU đã mời phóng viên đến họp báo, trang web của Hội đồng châu Âu cũng gần như ngay lập tức công khai khá chi tiết các mức cam kết của Việt Nam để doanh nghiệp của họ chuẩn bị.
Nếu cơ hội chia đều, công khai là trách nhiệm, thì rõ ràng doanh nghiệp châu Âu đã được phục vụ tốt hơn, thêm lợi thế.
Thuế nhập khẩu hàng dệt may từ châu Âu sang Việt Nam sẽ được giảm về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; thịt bò thuế nhập khẩu của Việt Nam sẽ về 0% sau 3 năm, sữa sau 5 năm; các thành phẩm cho sản xuất chế biến thực phẩm tối đa sau 7 năm; thịt gà sau 10 năm...
Dù chưa chính thức kết thúc đàm phán, nhưng trang web của Hội đồng châu Âu đã chủ động công bố những thông tin như thế, cũng như phân tích rõ những vấn đề “lần đầu tiên trong các hiệp định thương mại tự do chúng ta đạt được...” để chỉ những cơ hội cho doanh nghiệp EU.
Trong khi đó, thông cáo của Bộ Công thương chỉ nói chung, kiểu “đây là một trong những hiệp định có chất lượng cao nhất của Việt Nam và EU, dự kiến đem lại lợi ích tối ưu cho người dân, doanh nghiệp hai bên”;
Hay “hiệp định giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông thủy sản của Việt Nam và máy móc, ôtô, một số loại nông sản của EU”...
Kiểu thông tin trên hầu như hiệp định thương mại tự do nào cũng giống nhau. Chưa kể, có hiệp định đã ký chính thức rồi nhưng khi cơ quan báo chí đề nghị trả lời, đại diện Bộ Công thương cũng... không thể cung cấp. Lý do là hiệp định chưa được phê chuẩn.
Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan từng nói rằng không nên đợi đến khi kết thúc đàm phán mới có thể thông tin cho người dân, doanh nghiệp. Những nội dung nào đã thống nhất được với nhau nên giới thiệu ngay cho doanh nghiệp chuẩn bị.
Ông đề nghị cần làm tốt hơn việc giới thiệu cho dân, doanh nghiệp, bởi đàm phán đã khó, nhưng tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức còn khó hơn...
Tuy nhiên, điều này có vẻ rất khó. Bởi ngay cả như Cộng đồng kinh tế ASEAN, theo một khảo sát của Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, dù ngày 31-12-2015 sẽ hình thành nhưng hơn 51% doanh nghiệp không biết mốc thời gian này, không hề biết các trụ cột chính của cộng đồng.
Bộ Công thương khẳng định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU hết sức quan trọng, mức cam kết rộng, mạnh mẽ; mở ra cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức.
Chỉ cần nắm được thông tin sớm hơn vài ngày, thậm chí vài giây, doanh nghiệp đã có thể chớp được cơ hội, thay đổi kịp kế hoạch kinh doanh, và ngược lại, cơ hội đã có thể tan thành mây khói.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tại lễ công bố cơ bản kết thúc đàm phán hiệp định Việt Nam - EU ngày 4-8 cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, qua tìm hiểu để điều chỉnh kế hoạch, chiến lược kinh doanh, giảm giá thành...
Việt Nam luôn đề cao công khai minh bạch, nhưng điều đó chỉ thật sự hiệu quả khi thông tin được chủ động cung cấp, dễ dàng tiếp cận, thậm chí cần có thêm phân tích, bình luận... Tuy nhiên, chặng đường đến mức nhanh chóng công khai minh bạch đó chắc vẫn còn xa...
Ngay với những hiệp định như Việt Nam - EU, dù không thiếu những cán bộ nhiệt tình, nhưng để thông tin ra được với công chúng còn phải đợi cả một quy trình, theo các quy chế phát ngôn. Ai chịu trách nhiệm về hậu quả của sự chậm công khai này?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận