![]() |
Ông Bùi Ngọc Tuân |
Thông tư này được thực hiện từ ngày 3-8-2006 và được đánh giá là sẽ giúp cho việc công chứng, chứng thực đơn giản hơn. Tại buổi tập huấn, việc thực hiện công chứng đối với trường hợp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được nhiều người quan tâm. Ông Bùi Ngọc Tuân, Vụ phó Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên- Môi trường) đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề trên.
* Thưa ông, những trường hợp chỉ có “giấy trắng” (giấy tờ hợp lệ cũ), khi người dân muốn công chứng để thế chấp nhà thì thủ tục sẽ như thế nào?
- Theo TT 04, trường hợp này, người dân phải chờ Phòng Công chứng gửi phiếu yêu cầu đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (ĐKQSDĐ) để yêu cầu nơi này cung cấp thông tin về thửa đất xong rồi mới thực hiện việc công chứng hợp đồng thế chấp giữa hai bên.
* Nhưng TT 04 lại không quy định thời gian cung cấp thông tin của Văn phòng ĐKQSDĐ. Liệu người dân có được giải quyết nhanh hay không?
- Không thể quy định thời gian vì những trường hợp giấy tờ nhà nếu không được lưu hồ sơ đầy đủ, Văn phòng ĐKQSDĐ phải đi xác minh hiện trạng nhà có biến động so với nội dung ghi trong “giấy trắng” hay không. Và để xác minh thì không thể quy định thời gian cụ thể được.
* Như vậy, e rằng thời gian hoàn tất thủ tục của người dân sẽ chậm hơn trước?
- Văn phòng ĐKQSDĐ cung cấp thông tin địa chính về thửa đất là một dịch vụ có thu phí, do đó không có lý do gì mà đơn vị này “ngâm” hồ sơ.
* Khoản phí này ai phải chịu, thưa ông?
- Khi nhận hồ sơ dạng này, thay vì phòng công chứng phải đi xác minh tình hình biến động của thửa đất thì nhờ đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin là Văn phòng ĐKQSDĐ nên phòng công chứng phải trả phí. Người dân chỉ trả phí công chứng mà thôi.
* Ngoài những giấy tờ mà TT 04 quy định, hiện đang có tình trạng một số phòng công chứng đòi thêm giấy tờ này khác. Ông cho biết việc này có đúng không?
- Về trình tự, thủ tục công chứng, ngoài những bản sao các loại giấy tờ cần thiết khi công chứng và một số giấy tờ có thể bổ sung trong các trường hợp khác như di chúc, giấy chứng tử, giấy phép xây dựng... người dân không phải nộp bất cứ loại giấy tờ nào không có trong quy định của thông tư.
Quy định này nhằm đơn giản hóa thủ tục cho người dân để tránh được tình trạng nhũng nhiễu đòi bổ sung giấy này giấy khác. Các loại giấy tờ cũng chỉ cần phô-tô, nhưng khi nộp giấy tờ, người dân phải mang theo bản chính để công chứng viên đối chiếu.
* Thưa ông, có bao nhiêu biểu mẫu công chứng? Người dân có phải áp dụng tất cả các biểu mẫu?
- Kèm theo TT 04, Liên bộ đã ban hành 65 biểu mẫu về hợp đồng, văn bản về bất động sản. Tuy nhiên, các biểu mẫu chỉ để tham khảo và người dân không bắt buộc thực hiện theo mẫu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận