Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng - Ảnh: CTV
Sáng nay 3-11, tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì làm việc với các bộ, ngành về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sắp có hiệu lực từ 1-1-2021.
"Cắt giảm tối đa số lượng văn bản quy định theo hướng một luật chỉ ban hành tối đa 2 nghị định, một nghị định chỉ ban hành một thông tư hướng dẫn" - ông Dũng nêu lại quan điểm của Thủ tướng và Chính phủ. Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành phải khẩn trương giải quyết các văn bản hướng dẫn thi hành luật vẫn còn "nợ đọng".
Theo ông Mai Tiến Dũng, đến thời điểm này riêng Bộ Công an vẫn còn "nợ" 3 văn bản hướng dẫn chi tiết và 6 đề án.
Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an, thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng báo cáo là với văn bản "nợ đọng" có tính chất "nhạy cảm" thì lãnh đạo bộ đã trình và đang chờ ý kiến từ Chính phủ. Đối với nghị định liên quan đến hoạt động của lực lượng công an xã chính quy, Bộ Công an đang chờ Bộ Nội vụ trả lời xong sẽ trình lên.
Ông Hùng giải thích: "Hiện 100% công an xã đã chính quy nhưng vướng về quy định chế độ chính sách cho lực lượng này và vướng cả về chức năng, nhiệm vụ, trong đó có chức năng điều tra. Công an xã trước đây là bán chuyên trách, còn bây giờ công an chính quy, cần sớm điều chỉnh theo hướng công an chính quy phải có chức năng điều tra".
Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ phải trả sớm lời văn bản của Bộ Công an. Ví dụ liên quan gần 11.000 trưởng công an xã là công chức xã, ở các địa phương mà dôi dư thế thì tính thế nào, cần báo cáo để Chính phủ có hướng xử lý. Còn việc quy định chức năng nhiệm vụ của công an xã thì phải làm ngay.
"Đưa công an chính quy về xã là chủ trương lớn, đã có chủ trương rồi thì thực hiện thôi, đưa lực lượng xuống rồi mà để lâu như vậy không làm rõ chức năng nhiệm vụ sẽ rất khó cho người ta" - ông Dũng nói.
Phát biểu về vấn đề này, vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ cho hay khi trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung quy định của Luật công an nhân dân thì một trong những vấn đề đặt ra là đưa công an chính quy về xã thì có tăng biên chế hay không.
"Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định không tăng biên chế. Có thể không tăng biên chế trong ngành công an nhưng lại tăng biên chế nơi khác, trước hết là đội ngũ công chức ở xã. Công chức xã giờ chốt rồi, đưa công an chính quy về tăng lên thì giải quyết thế nào?" - ông Sỹ nêu vấn đề.
Cũng đề cập đến vướng mắc này, đại diện cho Bộ Nội vụ cho biết "Các địa phương đang rất vướng trong bố trí những người dôi dư này vì số lượng không phải ít, cả nước gần 11.000 công chức đảm nhiệm chức vụ trưởng công an xã".
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành có trách nhiệm cho ý kiến, trình lên để Chính phủ quyết định, bởi khi luật có hiệu lực thi hành thì những tồn tại, vướng mắc phải được giải quyết. "Đổi mới mà không vướng mắc thì không gọi là đổi mới, chúng phải ta chấp nhận để xử lý" - ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận