Phóng to |
Sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp tìm cơ hội việc làm tại hội chợ việc làm ở thành phố Đại Liên hằng năm - Ảnh: xinhua.cn |
Báo Thương Báo Thành Đô vừa tiết lộ: Phòng môi trường huyện Tự Phố, tỉnh Hồ Nam có quy định ai muốn trở thành nhân viên của đội giám sát môi trường huyện phải nộp tiền thế chân 10.000-20.000 nhân dân tệ. Tin này đang làm dư luận Trung Quốc xôn xao.
Tân Hoa xã ngày 11-8 dẫn lời Hướng Trường Tiến, giám đốc Phòng môi trường, thừa nhận có quy định ngầm này, nhưng ông nói nó đã tồn tại từ năm 1999 trước khi ông về nhận nhiệm sở bốn năm (2003). Ông chỉ làm theo những gì thế hệ trước để lại.
Thế nhưng theo thông tin tố cáo đăng trên trang web của Sở Môi trường tỉnh Hồ Nam, một người tự xưng nhân viên của đội giám sát môi trường Tự Phố cho biết năm 2002 số nhân sự của đơn vị này không vượt quá 50 người, còn từ khi ông Tiến về nhận nhiệm sở, ông đã nhận vào thêm 67 người.
Thương Báo Thành Đô dẫn lời Tiểu Triệu, một nhân viên Phòng môi trường Tự Phố, xác nhận sau khi nộp 10.000 nhân dân tệ, anh ta lập tức được nhận vào làm ở đội giám sát. Công việc ở đây nhàn hạ mà thủ tục rất đơn giản. Trong khi đó, theo điều tra của Tân Hoa xã, một số người sau khi nộp tiền đã trở thành những công chức “ma”, công chức ”kiểng”. Người ta thấy họ dường như không bao giờ đi làm mà ở nhà mở cửa hàng kinh doanh riêng tại huyện Tự Phố nhưng vẫn hưởng lương nhà nước.
Ông Hướng Trường Tiến cũng xác nhận với báo chí số tiền thu được của người xin vào làm công chức mà Phòng môi trường Tự Phố đang nắm giữ là 500.000 nhân dân tệ (73.137 USD). Nhưng ông cứ khăng khăng cho rằng đây là tiền mượn trước để làm quỹ lương cho nhân viên, bởi đơn vị của ông đang theo cơ chế tự thu tự chi nên lãnh đạo phòng lo lắng sẽ không đủ nguồn tài chính trả lương. Chỉ riêng con trai ông được nhận vào đội giám sát môi trường khu Ma Dương Thủy của huyện là không bị “mượn” tiền.
Giám đốc Hướng Trường Tiến còn biện bạch số nhân viên của ông so với hơn 1.500 nhân viên của Phòng tài nguyên và Phòng nông nghiệp huyện này “chẳng bõ bèn gì”. Tiết lộ này của ông càng khiến dư luận hoài nghi: nạn tham nhũng nhân sự từ việc bỏ tiền mua quan bán chức đã trở thành một mạch ngầm đang chảy mạnh ở địa phương này. Nhân sự càng đông thì việc bòn rút tiền nhà nước càng nhiều, tiền cống nạp từ những người muốn làm công chức cũng không ít.
Theo Tân Hoa xã, các phòng ban khác trong huyện này đều có số quan chức trên chục người và số nhân viên trên 1.000 người. Nhân Dân Nhật Báo nhận định nạn tham nhũng nhân sự đang tồn tại không chỉ riêng huyện Tự Phố mà còn có mầm mống ở nhiều địa phương khác tại Trung Quốc, là một loại tham nhũng lớn nhất trong các loại tham nhũng đang tồn tại.
Theo điều tra của báo Liên Hiệp Buổi Sáng (Singapore), hiện nay để có được một việc làm tốt trong các cơ quan nhà nước, các bậc cha mẹ phải bỏ ra ít nhất 200.000 nhân dân tệ (29.255 USD). Chỗ làm càng ngon càng phải chi nhiều, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay.
Lý Phong Minh vừa tốt nghiệp một trường đại học tài chính của Trùng Khánh với kết quả trung bình. Minh nhiều lần thi lại trong suốt bốn năm đại học nhưng đã nghiễm nhiên trở thành công chức một ngân hàng tầm cỡ trong thành phố này sau khi cha mẹ cậu bỏ ra 200.000 nhân dân tệ. Theo điều tra, cha của Minh là một quan chức có quyền thế ở Trùng Khánh. Người bạn thân của Minh là Lưu Vệ Đông đã tìm được một việc làm khá lý tưởng trong ủy ban quản lý một khu khai thác và phát triển của Trùng Khánh, sau khi người nhà chấp nhận bỏ ra số tiền 50.000 nhân dân tệ (7.314 USD) tiền “trà nước” cho người giúp đỡ.
Lý Phong Minh cho biết hiện nay lương tháng của cậu chỉ dừng ở mức 2.000 nhân dân tệ. “Với đồng lương này, tôi phải làm bao nhiêu năm nữa mới trả đủ số tiền ba mẹ nuôi tôi ăn học và lo lót việc làm cho tôi đây?” - Minh tự hỏi với đầy ẩn ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận