Trị bệnh công chức “lấy cắp” giờ công
Bạn đọc Thanh Vân ở TP Trà Vinh kể: “Bạn tôi làm kế toán cho một đơn vị hành chính sự nghiệp. Gần như ngày nào anh cũng đi liên hệ nơi này nơi khác. Và mỗi lần đi như thế anh đều... ghé quán cà phê la cà, tán dóc... có khi cả tiếng. Hỏi thì anh cười bảo: “Có sao đâu, ai cũng vậy”. Đúng là “ai cũng vậy”, vì một người bạn khác của tôi trực văn phòng một trường cấp II mỗi khi có việc lên phòng, lên sở cũng “tranh thủ” ghé làm ly cà phê.
Tôi không biết ở cơ quan họ làm việc như thế nào chứ vào quán cà phê là họ thong dong, lề mề hết biết. Còn một cách lấy cắp giờ công gần như công khai là sát bệnh viện đa khoa tỉnh có một phòng khám đa khoa làm việc xuyên suốt. Khách đến khám khoa nào cứ việc ngồi chờ vài mươi phút, người trực phòng khám sẽ gọi điện cho bác sĩ đang làm việc trong bệnh viện đến khám. Đúng là một công hai việc. Giờ công cũng như... giờ tư”.
Trong loạt bài công chức lấy cắp giờ công, bài “Dân chờ... mặc dân” nhận gần 100 ý kiến phản hồi. Đa số là ý kiến của những người trong cuộc, những người từng chờ... dài cổ tại phường, xã và các cơ quan giải quyết việc của dân trên khắp mọi miền đất nước. Bạn đọc có địa chỉ email hangbui14@...viết: “Cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã nêu ra vấn nạn này. Tôi là người từng chịu nỗi khổ như vậy mỗi khi phải có việc tiếp xúc với cơ quan bảo hiểm xã hội của một quận tại TP.HCM. Các cô nhân viên ở đây thường đi trễ 5,10 phút. Sau đó, khi vào cơ quan họ tỉnh bơ ngồi tám. 7g30 dân ngồi chờ kín chỗ nhưng các cô này cứ điềm nhiên như không. Mặc dù nội quy cơ quan ghi rõ là 16g30 hết giờ làm việc, nhưng khi 15g tôi đến họ lại vịn vào lý do “hết số”, máy không xuất thẻ nữa nên “miễn tiếp dân” và hẹn ngày mai quay lại...”.
Theo bạn đọc Thanh Xuân, chuyện cán bộ, nhân viên các cơ quan công quyền bắt dân đi lên đi xuống và chờ đợi mỏi mòn cũng xảy ra nhiều ở Hà Nội. “Tôi đi làm giấy khai sinh cho con ở công an một quận tại Hà Nội và phải đến lần thứ ba tôi mới gặp được chị cán bộ tiếp nhận hồ sơ của khu vực mình. Mỗi lần đến tôi đợi 15-20 phút rồi lại về và mất 3.000 đồng tiền gửi xe...”.
Nhiều bạn đọc cho rằng muốn trị “bệnh công chức” người lãnh đạo phải làm gương. Bạn đọc có địa chỉ email trunglch@... viết: “Với kinh nghiệm của một công chức từ lúc làm nhân viên đến lúc làm lãnh đạo, tôi cho rằng bệnh này xuất phát từ người lãnh đạo. Làm nhà nước, một số lãnh đạo có nhiều bệnh lắm: bệnh họp (họp nhiều mà không giải quyết được vấn đề), bệnh nhậu (nhậu tiếp sếp anh, sếp em...), bệnh đi tham quan (lấy cớ đi tham quan chứ có khi chỉ là đi chơi...). Ngoài các bệnh trên, nhiều sếp mỗi ngày làm việc ở cơ quan không quá 4 tiếng, có vài sếp 2 tiếng là cao. Sếp như thế thì làm sao làm gương cho nhân viên?”. Đồng tình với ý kiến này, bạn đọc Phan Chuyển (Hòa Bình) cho rằng: “Các cụ xưa có câu "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân" là rất đúng. Người lãnh đạo cơ quan hãy quyết liệt với chính mình rồi mới quyết liệt với người, tự khắc cơ quan sẽ đi vào kỷ cương, nền nếp ngay...”.
Tuần qua, trong tổng số 2.953 email gửi về tòa soạn phản hồi các tin bài trên Tuổi Trẻ, bạn đọc quan tâm, có ý kiến nhiều đến các vấn đề như: tăng giá điện; vụ nghi mất tiền, trường giao học sinh lớp 2 cho công an; vụ án ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng; xử phúc thẩm Hoàng Khương...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận