
Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP
Theo đó, ông Phạm Minh Chính, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm trưởng Đoàn kiểm tra số 1908 (đoàn kiểm tra với Đảng ủy Quốc hội); ông Trần Thanh Mẫn, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội làm trưởng Đoàn kiểm tra số 1910 (đoàn kiểm tra với Đảng ủy Chính phủ), đồng chủ trì hội nghị.
Đoàn kiểm tra các nội dung nào?
Tại hội nghị, các đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã công bố quyết định thành lập Đoàn kiểm tra số 1910, kế hoạch kiểm tra đối với Đảng ủy Chính phủ và quyết định thành lập Đoàn kiểm tra số 1908, kế hoạch kiểm tra đối với Đảng ủy Quốc hội.
Việc kiểm tra nhằm nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn một số chuyên đề công tác trọng tâm năm 2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nội dung kiểm tra tập trung vào các vấn đề: Việc tổng kết nghị quyết số 18/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Cùng đó là kết luận số 121/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tổng kết nghị quyết 18, gắn với việc thành lập và hoạt động của các Đảng bộ mới; việc tổ chức thực hiện chỉ thị số 35/2024 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và kết luận số 118/2025 điều chỉnh, bổ sung một số nội dung chỉ thị 35.
Việc quán triệt triển khai và tổ chức thực hiện nghị quyết số 57/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; việc thực hiện kết luận số 123/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ, các cơ quan liên quan cần quán triệt, thực hiện đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung các quy định, hướng dẫn của Trung ương, đảm bảo đúng yêu cầu về thời gian; bám sát nội dung, yêu cầu kiểm tra theo đúng kế hoạch của Bộ Chính trị.
Việc kiểm tra cần bảo đảm dân chủ, khách quan, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng và quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Quá trình kiểm tra, trao đổi phải thật sự khách quan, thẳng thắn, đầy đủ, chính xác, nêu cao ý thức tự phê bình và phê bình, báo cáo chính xác, khách quan, ngắn gọn, khái quát, rõ trọng tâm, rõ ý.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Ảnh: VGP
Kết quả cuối cùng là sau khi kiểm tra, đánh giá đúng ưu điểm, kết quả, hạn chế, tồn tại (nếu có) của các Đảng ủy về các nội dung kiểm tra. Từ đó, phát hiện được những vấn đề mới, tổng hợp được cách làm sáng tạo, hiệu quả, những vướng mắc, khó khăn, những việc còn chậm.
Đặc biệt là kiến nghị, đề xuất các cơ quan có liên quan để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhân rộng những mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; bảo đảm các tổ chức đảng quán triệt đầy đủ, sâu sắc các chủ trương lớn của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tổ chức thực hiện thống nhất, đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Các đơn vị được kiểm tra phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện, cung cấp đầy đủ, kịp thời các hồ sơ, tài liệu trong quá trình kiểm tra; chủ động bố trí thời gian làm việc thích hợp để đoàn kiểm tra hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các Đảng ủy trực thuộc tổ chức Đảng được kiểm tra khẩn trương tự kiểm tra, báo cáo tổng hợp theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.
Cùng đó, đoàn kiểm tra cần tập trung nghiên cứu, thực hiện đầy đủ trách nhiệm được phân công; theo dõi và tích cực tham gia đóng góp ý kiến thẳng thắn, đảm bảo việc kiểm tra được thực chất, đúng các quy định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, việc kiểm tra phải bao quát các nội dung theo yêu cầu, riêng lĩnh vực kinh tế cần chú ý thêm các vấn đề liên quan phòng chống lãng phí, đặc biệt là các dự án tồn đọng, kéo dài.
Theo đó, Quốc hội và Chính phủ, các cơ quan của hai bên sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa thời gian tới trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận