Khảo sát cho thấy những thành phố tại các quốc gia châu Á chiếm phân nửa trong danh sách 10 nơi đắt đỏ nhất thế giới. Điển hình là Hong Kong đã tăng lên một bậc so với năm ngoái và là thành phố sinh sống, làm việc đắt đỏ thứ hai thế giới dành cho người nước ngoài.
Ngoài ra, trong top 10 này còn có Singapore (hạng 4), Thượng Hải (hạng 6) và Bắc Kinh (hạng 7) của Trung Quốc, thủ đô Seoul (hạng 8) của Hàn Quốc.
Hầu hết những thay đổi trong bảng xếp hạng năm nay là do sự biến động của tiền tệ, đặc biệt là sự tăng vọt của đồng nhân dân tệ so với đồng USD khiến chi phí sinh hoạt và làm việc tại 9 thành phố của Trung Quốc nằm trong top 30 của khảo sát.
Ngược lại, Tokyo (Nhật Bản) từng là thành phố đắt đỏ nhất cho người nước ngoài trong năm 2012, đã tụt bốn bậc và đứng vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ hiện hành.
Chi phí sinh hoạt và làm việc tại các thành phố thuộc Tây Âu nhìn chung cũng giảm nhẹ bởi sự trượt giá của đồng euro.
Thành phố đứng đầu bảng xếp hạng năm nay vẫn là thủ đô Luanda của Angola bởi chi phí đắt đỏ từ hàng hóa nhập khẩu, dịch vụ bảo mật và an ninh dành cho người nước ngoài.
Khảo sát của Mercer tiến hành bằng cách so sánh giá cả của hơn 200 mặt hàng tại 207 thành phố trên thế giới, như nhà cửa, thực phẩm, phương tiện vận chuyển và giải trí..., Mercer cũng lấy thành phố New York (đứng thứ 16 trong bảng xếp hạng 2015) làm cơ sở để so sánh cùng với những biến động tiền tệ tại các quốc gia khác so với đồng USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận