Nhiều bất cập trong sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch sẽ được Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội trong thời gian tới - Ảnh: B.N.
Hội thảo được tổ chức để lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý và ý kiến của lực lượng tuyến đầu chống dịch về mục tiêu, nội dung, phạm vi, giới hạn và phương thức tổ chức kiểm toán nhằm hoàn thiện đề cương kiểm toán chuyên đề trước khi trình tổng Kiểm toán Nhà nước ký ban hành.
Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho hay mục tiêu của đợt kiểm toán chuyên đề lần này nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật, việc ban hành các cơ chế chính sách, các khó khăn vướng mắc trong quá trình huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 của các bộ, ngành, địa phương, để kịp thời báo cáo Quốc hội, Chính phủ và thông tin tới công luận và xã hội.
Đợt kiểm toán chuyên đề sẽ được Kiểm toán Nhà nước tiến hành tại 32 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các bộ, ngành, cơ quan trung ương như: Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trân Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Cơ quan kiểm toán sẽ không kiểm toán việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm COVID-19 tại các cơ quan, đơn vị, địa phương vì nội dung này đang được Thanh tra Chính phủ thanh tra diện rộng, Kiểm toán Nhà nước chỉ tổng hợp số liệu theo báo cáo của các đơn vị.
Cũng theo ông Họa, thời gian thực hiện kiểm toán chuyên đề về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 dự kiến diễn ra từ 16-2 đến 31-3, báo cáo kết luận kiểm toán sẽ được công bố trước 31-5.
Về tổ chức kiểm toán, mỗi chuyên ngành, khu vực sẽ thành lập một đoàn kiểm toán để thực hiện kiểm toán tại các bộ, ngành và địa phương.
Nội dung chính của đợt kiểm toán chuyên đề lần này, theo ông Họa, sẽ tập trung vào vấn đề sử dụng nguồn lực như: các chính sách, khoản chi của các bộ, ngành, địa phương cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch như y, bác sĩ, chiến sĩ quân đội, công an, đội ngũ tình nguyện viên. Đồng thời, thực hiện kiểm toán chính sách đối với bệnh nhân được điều trị, cách ly, chính sách hỗ trợ người lao động, chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ sản xuất, lưu thông hàng hóa…
Cũng trong đợt kiểm toán chuyên đề lần này, cơ quan kiểm toán sẽ kiểm toán việc huy động các nguồn lực phòng, chống dịch từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, kinh phí từ các quỹ của cơ sở y tế, nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu từ dịch vụ xét nghiệm nhanh, PCR, việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, chính sách tín dụng giảm lãi, gia hạn nợ, khoanh nợ của các ngân hàng.
Theo bà Nguyễn Thị Phú Hà - phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - sơ bộ tổng nguồn lực bằng tiền huy động cho công tác phòng, chống dịch, mua vắc xin, thuốc điều trị COVID-19, nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước, và các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 tính đến ngày 15-10-2021, khoảng 150.000 tỉ đồng.
Nguồn kinh phí này chưa bao gồm nguồn vận động viện trợ, tài trợ vắc xin, máy móc, trang thiết bị chống dịch, xuất cấp gạo dự trữ quốc gia, bà Hà cho biết thêm.
Trong tổng nguồn lực chi phòng, chống dịch, nguồn lực từ trung ương khoảng 51.660 tỉ đồng, nguồn lực địa phương khoảng 75.850 tỉ đồng, chi từ Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khoảng 16.600 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận