Hình ảnh độ phóng to thấp (trái) và cao của biến thể Omicron dưới kính hiển vi điện tử - Ảnh: HKU
Theo Hãng tin Sputnik của Nga, nhóm khoa học gia tại Đại học Hong Kong, bao gồm các nhà nghiên cứu bệnh học và virus học, đã chụp ảnh hiển vi điện tử của tế bào thận khỉ (Vero E6) sau khi con vật được lây nhiễm biến thể Omicron.
Họ đã công bố hình ảnh hiển vi điện tử có độ phóng đại thấp và cao. Ở độ phóng đại thấp, hình ảnh cho thấy các tế bào bị tổn thương với các nang sưng lên chứa các hạt virus nhỏ màu đen. Ở độ phóng đại cao, hình ảnh cho thấy tập hợp các hạt virus có gai trên bề mặt của chúng.
Theo báo cáo, các nhà nghiên cứu từ khoa vi sinh tại Đại học Hong Kong đã phân lập thành công Omicron từ các mẫu lâm sàng, cho phép giới khoa học phát triển và sản xuất vắc xin chống lại biến thể mới này.
Biến thể Omicron được xác định lần đầu tại khu vực nam châu Phi vào tháng 11. Omicron có 32 đột biến trên gai protein, tức nhiều đột biến hơn tất cả các biến thể đã xuất hiện trước đó của virus SARS-CoV-2. Điều này có nghĩa là Omicron có khả năng né tránh miễn dịch của cơ thể con người và dễ lây truyền hơn.
Ngày 26-11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp Omicron vào nhóm biến thể "đáng lo ngại" bên cạnh các biến thể khác như Delta, Alpha.
Gần đây các nhà khoa học đã phát hiện một phiên bản "tàng hình" của biến thể Omicron trong các mẫu virus từ Nam Phi, Úc, Canada. Phiên bản này có thể qua mặt các phương pháp xét nghiệm PCR đang được nhiều nước sử dụng, song có thể phát hiện bằng giải trình tự gene.
Cũng trong ngày 8-12, WHO cho biết 57 quốc gia đã ghi nhận các ca mắc biến thể Omicron, song phần lớn đều báo cáo các ca bệnh nhẹ và chưa ghi nhận ca tử vong nào do Omicron.
WHO cũng khẳng định cần thêm dữ liệu để đánh giá mức độ nghiêm trọng của đợt bùng dịch do biến thể Omicron gây ra, và liệu biến thể này có làm giảm khả năng bảo vệ của vắc xin hay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận