Học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2019 do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Cà Mau - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Hôm nay 21-3, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức kỳ THPT quốc gia và công tác tuyển sinh sinh đại học, cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2019 tại TP.HCM.
Tại buổi tập huấn này, ông Mai Văn Trinh cho biết: "Năm nay việc công bố kết quả kỳ thi THPT quốc gia sẽ chậm hơn năm ngoái một vài ngày do quy trình chấm có thay đổi, thực hiện kỹ hơn. Bộ GD-ĐT còn phải phân tích kết quả, thống kê trước khi công bố kết quả thi. Tuy nhiên, việc này sẽ không ảnh hưởng đến lịch tuyển sinh chung của các trường đại học".
Theo lịch dự kiến trước đó của Bộ GD-ĐT, ngày 15-7 các sở GD-ĐT sẽ công bố điểm thi THPT quốc gia năm 2019. Cục trưởng Mai Văn Trinh yêu cầu bộ phận chấm bài thi trắc nghiệm phải phối hợp tốt với các sở để nhận toàn bộ cơ sở vật chất chấm thi chậm nhất ngày 29-6, để sau khi tổ chức kỳ thi xong sẽ bắt tay ngay vào việc chấm thi.
Các trường đại học không được "làm khó" các sở
Trao đổi với đại diện các trường đại học, ông Mai Văn Trinh cho rằng kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức theo tinh thần nghị quyết 29 lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT, làm cơ sở để giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh. Trên tinh thần tự chủ tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học ngày càng cao, gắn với điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào.
Từ năm 2014 đến nay việc tuyển sinh của các trường ngày càng mở theo hướng tăng cường tính tự chủ, nhiều hình thức tuyển sinh khác nhau nhưng phần lớn các trường vẫn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh.
"Việc các trường tham gia kỳ thi THPT là trách nhiệm và quyền lợi của các trường đại học. Các trường đại học không thể nói là về địa phương để giúp các sở", ông Trinh nhấn mạnh.
Qua 4 năm qua, khi các trường đại học về các địa phương phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đa số các trường rất hào hứng, chủ động và đầy trách nhiệm, tuy nhiên các biệt có một số trường làm khó các sở thể hiện qua việc phối hợp không tốt thậm chí có yêu sách này, yêu sách khác đến mức Bộ GD-ĐT phải can thiệp. Thậm chí có một số phó trưởng điểm là lãnh đạo các khoa từ chối việc ký và viết tên vào tem niêm phong.
Lo các trường đại học ít chấm trắc nghiệm
Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường năm 2019 phải củng cố một bước về mặt nhận thức tư tưởng về trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học khi tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Các trường phải cử đủ người, đảm bảo về nhận thức, trách nhiệm và chuyên môn.
Năm nay vai trò của các đại học được nâng lên một bước nữa trong kỳ thi THPT quốc gia. Việc chấm thi trắc nghiệm được giao cho các trường đại học. "Như vậy bộ đã 'chọn mặt gửi kim cương' nhưng kèm nỗi lo vì trong thời gian dài nhiều trường không chấm thi trắc nghiệm. Đây là một trong những rủi ro", ông Trinh nói.
Cục trưởng Mai Văn Trinh đề nghị các trường đại học, cao đẳng chuẩn bị tốt các nội dung: điều động đủ cán bộ, đáp ứng chất lượng tham gia công tác thi tại địa phương. Về quy định trường đại học địa phương không tham gia làm thi tại địa phương mình nhưng bộ sẽ tính toán việc di chuyển gần nhất và thuận lợi cho các trường.
Các trường phải tập huấn đầy đủ, kỹ lưỡng về coi thi và chấm thi trắc nghiệm. Các trường phải phối hợp với các sở để tập huấn công tác thi. Khi đến thực địa phải thạo việc, hiểu rõ chức năng của mình và biết phải làm gì.
Ông Trinh cũng cho biết Bộ GD-ĐT giao việc chấm thi trắc nghiệm theo nguyên tắc có thể một trường sẽ chấm cho một số tỉnh và chấm thi tại địa phương. Toàn bộ cơ sở vật chất chấm thi trắc nghiệm do địa phương lo.
Các trường đại học đề nghị danh sách nhân sự (ít nhất 5-8 người) tham gia chấm thi trên cơ sở đó chủ tịch hội đồng thi của sở sẽ ra quyết định thành lập ban chấm thi. Ban này chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia.
"Khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia ngân sách nhà nước tại địa phương đáp ứng với mức chi hạn hẹp. Vì vậy các trường đại học khi về địa phương cần hết sức chia sẻ việc này với địa phương", ông Trinh đề nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận