07/05/2015 10:43 GMT+7

Công binh hải quân: Nhớ thời khổ cực mà oai hùng

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Ký ức dữ dội và oai hùng của một thời vác đá tôn tạo Trường Sa được kể bằng hình ảnh như là sự trân trọng, nhắc chúng ta không được phép quên những người vun đắp đảo bằng tay trần với cả máu và tính mạng.

Nụ cười của người lính công binh khi xây dựng cầu cảng tại đảo Trường Sa năm 1994

Họ là những người lính công binh của trung đoàn 131, trung đoàn 83.

Tại Cam Ranh (Khánh Hòa), chúng tôi đã gặp được ông Lê Nhật Cát - chỉ huy trưởng đoàn công binh đầu tiên ra xây nhà và tôn tạo đảo trên quần đảo Trường Sa. Gần 40 năm trước, cuối tháng 4-1976, đại úy Lê Nhật Cát (tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 trung đoàn công binh 83 hải quân, nay là lữ đoàn công binh 83 hải quân)  cùng gần 70 cán bộ, chiến sĩ công binh lên tàu chở hàng Đại Khánh xuất phát ra Trường Sa.

Ông Cát cho biết: “Cuối năm 1975, khi đất nước thống nhất chưa được bao lâu, Bộ Quốc phòng đã quyết định phát triển một đội công binh tinh nhuệ chuyên xây dựng công trình trên đảo. Và đó là lý do ra đời của trung đoàn 83, một đơn vị chủ lực của Bộ tư lệnh Công binh,  từng làm sân bay, làm đường, cầu cảng...”.

Lúc ấy đất nước vừa trải qua chiến tranh, còn muôn vàn khó khăn. Xăng dầu rất hiếm. Tàu ra đảo rất ít và chỉ có tàu nhỏ: tàu Đại Khánh trọng tải 400 tấn, tàu Nhật Lệ trọng tải 200 tấn và tàu Quảng Châu trọng tải 75 tấn. Đây là ba tàu chở hàng cũ từ thời chiến tranh để lại, độ ổn định không tốt, sóng đánh là lắc và giật như ngồi trên xe khách gặp ổ gà.

Trên đảo thời gian đầu chỉ có nhà mái tôn dành cho bộ đội giữ đảo. Những ngày đầu tái xây dựng nhà ở đảo chưa có gạch. Tường bao được xây bằng taplô đúc từng viên hoặc gạch ba vanh (thành phần chủ yếu là vôi tôi ủ bằng xỉ than trộn đá dăm hoặc sỏi và ximăng). Một số đảo dựng nhà bằng gỗ. Chỉ có móng nhà mới được làm ximăng hoặc chèn đá vào các cột để cố định nhà.

Đêm 15-3-1988, một ngày sau khi chiến sự xảy ra ở Trường Sa (trong 64 liệt sĩ hi sinh tại Gạc Ma ngày 14-3 có 26 cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn công binh 83), đại đội 12 (tiểu đoàn 884, trung đoàn 131) nhận nhiệm vụ ra đảo khẩn trương làm lại hai căn nhà cấp 3 trên hai điểm của đảo Đá Lớn. Đó là chuyến đi Trường Sa xây nhà đầu tiên của trung đoàn 131 công binh.

Đại tá Nguyễn Kiều Kinh (Cục Chính trị Quân chủng Hải quân) - khi đó là trợ lý chính trị tiểu đoàn 884 và làm khung phó khung số 2 xây dựng nhà cấp 3 trên đảo Đá Lớn C - khẳng định: “Thời điểm đó những ai đi Trường Sa đều sẵn sàng tư tưởng hi sinh vì Tổ quốc. Đó là biểu hiện một ý chí, quyết tâm và cả sự hi sinh, sự dấn thân của người lính công binh”.

“Trên đường ra đảo, có khi máy bay trinh sát của địch bay sát rạt, nhìn thấy cả đầu phi công. Có lúc tàu Trung Quốc cách mình chỉ 1 - 2 hải lý. Nhưng anh em không ai nhụt chí, lo sợ. Trên tàu có 1 tấn thuốc nổ. Nếu có chiến sự xảy ra, tàu đối phương cập mạn bắt sống, anh em sẽ cho nổ tung để không lọt vào tay họ” - ông Phạm Văn Minh, nguyên đại đội trưởng đại đội 10, kể.

Ông Nguyễn Văn Cần, một trong những người ra làm lại nhà trên đảo Len Đao đầu tháng 10-1988, kể: “Do không có xuồng nên chúng tôi phải kết bè tre lại, chất nguyên vật liệu lên đó rồi đợi tới tối mới đẩy vào đưa lên đảo. Anh em cứ lần theo sợi dây to bằng cổ tay mà đi. Không có đèn điện. Không đốt đuốc vì gió thổi quá lớn. Trời tối không nhìn thấy nhau, chúng tôi dựa vào ánh trăng lờ mờ mà nối đuôi nhau ra vào. Khi chúng tôi đi xây tiếp nhà ở đảo Sinh Tồn Đông, bão quét qua đảo. Dây buộc xuồng to như cổ tay bị sóng gió giật hai giờ là đứt.  Công binh nằm trong nhà tạm. Tôn lật hết tấm này đến tấm khác. Nhà rung lên bần bật. 90 con người nằm trong không ai dám nói gì, cứ trấn an ngồi trong nhà sẽ an toàn... Thời đó khổ mà vô tư lắm”.

Sau đây là một số bức ảnh tư liệu mà phóng viên Tuổi Trẻ sưu tầm được trong quá trình đi gặp những thế hệ đầu tiên xây đảo ở Trường Sa.

Lính công binh thường xuyên phải làm việc trong thời tiết xấu, biển động, sóng lớn. Trong ảnh: công binh trung đoàn 131 khẩn trương chuyển vật liệu vào đảo
Một trong những căn nhà thế hệ đầu tiên ở đảo chìm do công binh xây dựng vào tháng 4-1988
Bức ảnh rất hiếm và vô cùng xúc động về sự hi sinh thầm lặng của những người lính công binh: các anh phải dầm mình, lặn dưới nước hàng giờ di chuyển những cọc bêtông cũ, dọn sạch mặt biển để chuẩn bị làm nhà mới
Ý chí, sức lực và biết bao giọt mồ hôi, thậm chí cả máu, của những người lính công binh để chuyển từng viên đá hộc từ tàu vào đảo, xếp thành những viên đá tôn tạo thềm Tổ quốc
Đô đốc Giáp Văn Cương - tư lệnh hải quân - kiểm tra cột mốc chủ quyền trên đảo chìm tại Trường Sa năm 1988
Ngôi mộ của những người lính công binh đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ ở Trường Sa

Phó đô đốc Lê Văn Xuân - nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị của Quân chủng Hải quân, tại quần đảo Trường Sa, trên một ngôi nhà cấp 3 thời kỳ đầu do công binh xây dựng.

Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 - trung tá Hoàng Kiền - kiểm tra tiến độ thi công của đơn vị trên đảo Sơn Ca năm 1996
Một chiếc cẩu đang cẩu vật liệu xây đảo - công binh hải quân đang chuyển tải vật liệu xây dựng đảo Tiên Nữ, năm 1989
Chiếc xuồng nhôm chở đầy đá hộc được những người lính công binh dùng đôi bàn tay trần ném xuống nền san hô để tạo móng

Công trình nhà ở cho bộ đội trên đảo Đá Lớn khởi công ngày 19-6-1988 và khánh thành ngày 23-7-1988, tức chỉ sau 1 tháng 3 ngày! Bên cạnh là chậu hoa sứ trong bồn xi-măng – sắc xanh của lá hiếm hoi trên đảo chìm ngày ấy

Nhà cấp 3 bằng gỗ trên đảo chìm Trường Sa - năm 1988
Chuẩn bị hàng, nguyên liệu đưa lên tàu chuyển ra đảo xây dựng công trình sau năm 1975
Một chiếc cẩu cẩu nguyên vật liệu xuống tàu chuẩn bị đi Trường Sa

Nhà cấp 2 trên đảo chìm

Nhà trên điểm Thuyền Chài B, tháng 5-1988

Bài thơ nhớ vợ của ông Nguyễn Văn Minh - cựu công binh xây công trình ở Trường Sa. Ông Minh hiện đang sống ở Quảng Ninh 
Nhà ở của công binh đang được dựng lên khi xây dựng công trình trên đảo Tốc Tan, năm 1999

Ở đảo chìm, không dễ dàng nuôi được một con heo làm thực phẩm tươi sống 

Phút nghỉ ngơi của người lính công binh trung đoàn 83

Nhà ở của công binh Trung đoàn 83

Chuyển đá xuống xuồng vận tải, chuẩn bị đưa vào đảo

Một người lính công binh của Trung đoàn 83 oằn lưng vác bao tải đựng gạch lên điểm tập kết trên đảo
Dụng cụ thô sơ của những người lính công binh Trung đoàn 83
Xây công trình ở đảo chìm phải phụ thuộc vào giờ thủy triều lên - xuống. Nhiều đêm, tranh thủ mấy tiếng đồng hồ nước rút, những người lính công binh của Trung đoàn 83 lại hối hả đổ bê-tông

Ban đêm, người lính công binh của Trung đoàn 83 phải gấp rút thi công trong thời gian thủy triều rút. Và ánh sáng duy nhất là từ chiếc đèn pin cá nhân này. Nhiều khi thủy triều cạn về 9-10g tối, 1-2g đêm, 3-4g sáng, anh em lại ráo riết làm.

Công binh Trung đoàn 83 đang thi công kè chắn sóng ở Trường Sa

Một người lính công binh rất trẻ, khoảng 18-19 tuổi của Trung đoàn 83, đầu đội nắng, đi chân trần trên cát nóng rát bỏng “chở” bao gạch bằng đôi vai gầy guộc. Nhiệt độ ở Trường Sa luôn cao hơn trong đất liền 1-2 độ.

Nụ cười của một người lính công binh Trung đoàn 83 dù vẫn vác bao tải gạch rất nặng trên vai

Một cơn sóng lớn đánh vào tận kè chắn sóng ở Trường Sa
Nhà cấp 2 trên đảo Đá Tây do Trung đoàn Công binh 83 (nay là Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân) xây dựng năm 1988

Nhiệt độ ở Trường Sa luôn cao hơn đất liền 1-2 độ. Công binh tránh cái nắng nóng đến hoa mắt, xây xẩm mặt mày, nắng nóng đến khô quắt người ở Trường Sa bằng mái lều tạm bợ

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên