07/03/2022 20:06 GMT+7

Công an TP.HCM thông tin tiến độ điều tra các vụ án trục lợi trong dịch

THẢO LÊ - KIM ÚT
THẢO LÊ - KIM ÚT

TTO - Công an TP.HCM phát hiện, điều tra rất nhiều vụ việc, chủ yếu trong hỗ trợ an sinh xã hội để trục lợi; trục lợi thông qua tiêm vắc xin, vật tư y tế; vi phạm đấu thầu... Hầu hết các vụ án này đã được chuyển hồ sơ qua viện kiểm sát và tòa án.

Công an TP.HCM thông tin tiến độ điều tra các vụ án trục lợi trong dịch - Ảnh 1.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - phó giám đốc Công an TP.HCM - thông tin tại họp báo - Ảnh: KIM ÚT

Thông tin tại họp báo chiều 7-3, đại tá Nguyễn Sỹ Quang - phó giám đốc Công an TP.HCM - cho biết, hiện nay đối với tội phạm lợi dụng công tác phòng chống dịch COVID-19, Công an TP.HCM phát hiện, điều tra rất nhiều vụ việc, chủ yếu trong việc hỗ trợ an sinh xã hội để trục lợi; trục lợi thông qua tiêm vắc xin, vật tư y tế, thuốc men trong phòng chống dịch; vi phạm đấu thầu trong mua sắm trang thiết bị vật tư y tế và đưa - nhận hối lộ…

Về tiến độ điều tra các vụ án, hầu hết các vụ án này đã ở giai đoạn kết luận điều tra, chuyển hồ sơ qua viện kiểm sát và tòa án. Còn một số vụ đang trong quá trình điều tra, mở rộng vụ án như vụ ở Bệnh viện TP Thủ Đức.

Về phản ánh của người dân về việc căn cước công dân (CCCD) cũng như mã định danh có nhiều sai sót, đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho biết có phát sinh một số vướng mắc, gây khó khăn trong quá trình giải quyết hồ sơ cho người dân. 

Theo đó, thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Công an TP đã chỉ đạo nhiều cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng chống dịch. Việc liên lạc với người dân để đối chiếu thông tin cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nhân khẩu tạm trú do có rất nhiều người dân đã về quê tránh dịch.

Bên cạnh đó, tình hình dân cư biến động liên tục, phức tạp, lịch sử quản lý giấy tờ thủ tục còn nhiều bất cập dẫn đến các giấy tờ tùy thân của công dân mâu thuẫn, sai lệch với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cần điều chỉnh khi làm CCCD.

Ngoài ra, ông Nguyễn Sỹ Quang còn cho rằng còn có nguyên nhân một bộ phận công dân làm căn cước một nơi nhưng thường trú nơi khác nên việc phối hợp điều chỉnh, cập nhật thông tin gặp nhiều khó khăn. Nhiều người dân không đăng ký tạm trú khiến việc kiểm tra, xác minh thông tin gặp khó khăn.

Một số trường hợp khi đi làm còn khai sai thông tin hoặc cán bộ nhập dữ liệu nhầm.

Về việc cấp CCCD bị chậm, phó giám đốc Công an TP cho biết dịch bệnh đã làm thị trường chip bị khan hiếm, việc vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn, khiến việc cấp CCCD bị chậm.

Để khắc phục tình trạng trên, Công an TP thông báo người dân chưa nhận được CCCD nếu muốn tra cứu thông tin hãy truy cập website dancuquocgia.mps.gov.vn. Người dân cũng có thể liên hệ Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội TP hoặc liên hệ đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội quận huyện.

Tại mỗi đơn vị, công an các cấp đều công khai số điện thoại và thông tin trên các trang mạng xã hội chính thống để hỗ trợ người dân cũng như người dân có thể phản ánh các bất cập khi đi làm CCCD.

Ngoài ra, phó giám đốc Công an TP cho biết thêm Công an TP sẽ chỉ đạo công an các địa phương tiếp tục tập trung rà soát làm sạch dữ liệu dân cư nhằm hạn chế thấp nhất sự sai lệch thông tin của người dân.

Hiện nay Bộ Công an, Công an TP đang tập trung triển khai cấp CCCD cho người dân thông qua việc khai thác trực tiếp dữ liệu dân cư trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên tỉ lệ sai sót rất thấp.

Phát hiện 33 vụ lừa đảo qua app mua hàng và tiền ảo

Cũng tại họp báo, đại tá Nguyễn Sỹ Quang thông tin về tình hình lừa đảo qua app mua hàng, mua tiền ảo trên mạng xã hội. Theo đó, ông Quang cho rằng mặc dù cơ quan chức năng đã cảnh báo nhiều lần nhưng nhiều người vẫn mua bán qua các app trên mạng xã hội.

Từ năm 2021 đến nay, Công an TP đã phát hiện 33 vụ việc có liên quan đến mua bán hàng hóa và tiền ảo qua các app trên mạng xã hội. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP đã khởi tố 2 vụ án 3 bị can liên quan việc lập các sàn tiền ảo như Bi option, UK Trade Globad... Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP cũng đang điều tra xác minh 31 vụ để xử lý nghiêm trước pháp luật.

Các đối tượng này lên mạng tìm kiếm và làm quen với bị hại, sau đó kêu gọi đầu tư, đưa ra mức lãi suất cao, hướng dẫn tạo tài khoản để bị hại tham gia mua bán hàng hóa và tiền ảo trên các app, đường link mà đối tượng gửi để nhận tiền lời.

Lúc đầu bị hại tham gia đầu tư với số tiền nhỏ thì đối tượng cho rút tiền lợi nhuận. Sau một thời gian các bị hại đầu tư số tiền lớn, sau khi số tiền nạp vào đủ lớn, các đối tượng đứng sau sẽ làm đóng băng tài khoản, đánh sập sàn và chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, các đối tượng kêu gọi bị hại làm cộng tác viên để bán hàng thông qua các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki... để nhận hoa hồng, sau đó hướng dẫn cho bị hại lập tài khoản trên app rồi đưa nhiệm vụ để thực hiện.

Sau khi thực hiện xong nhiệm vụ thì hệ thống thanh toán tiền gốc và tiền hoa hồng từ 10 - 15% trả lại vào tài khoản, nhưng khi bị hại muốn rút tiền thì các đối tượng đưa ra nhiều lý do, bắt nộp thêm các loại phí rồi chiếm đoạt tài sản của các cộng tác viên này.

"Nhìn chung, thủ đoạn của loại tội phạm này cũng giống với các thủ đoạn lừa đảo khác đó là nhằm đánh vào lòng tham của bị hại như không cần mất phí vẫn nhận được phần quà giá trị lớn, đưa ra mức lãi suất siêu lợi nhuận để dụ bị hại tham gia. Tuy nhiên, dạng thủ đoạn này nguy hiểm hơn và dễ dụ dỗ bị hại hơn vì chúng có hệ thống, có sự bàn bạc và cấu kết thực hiện một cách bài bản", ông Quang thông tin.

Trong thời gian tới, Công an TP sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức mua bán tiền ảo và hàng hóa qua các app trên mạng xã hội. Người dân khi gặp tình huống này nên gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo đến cơ quan điều tra, công an quận, huyện nơi người dân sinh sống để điều tra làm rõ.

Người dân TP.HCM có thể đến một số quận, huyện nhận làm hồ sơ cấp CCCD, đóng bảo hiểm trước 1-6-2022 Người dân TP.HCM có thể đến một số quận, huyện nhận làm hồ sơ cấp CCCD, đóng bảo hiểm trước 1-6-2022

TTO - Trước 1-6-2022, người dân có thể đến bộ phận "một cửa" của một số quận, huyện ở TP.HCM để làm hồ sơ cấp căn cước công dân, đóng bảo hiểm thay vì đến cơ quan công an hay bảo hiểm xã hội như trước đây.

THẢO LÊ - KIM ÚT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên