22/08/2014 07:00 GMT+7

Con vái trời đừng mưa!

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TT - Mưa trở thành nỗi ám ảnh đầy sợ hãi với hai chị em A Nguyễn Thị Yến Nhi và A Thị My My ở An Phú Đông, Q.12, TP.HCM.

Ấm lòng người bán báo dạo

Gia đình A Thị My My đẩy xe xôi bán ở khu công nghiệp (P.An Phú Đông, Q.12) - Ảnh: Thanh Tùng

Trong câu chuyện rặt những lo âu của hai cô bé mới chỉ lớp 9, lớp 10 luôn có câu nói: “Con vái trời đừng mưa...”.

Trong hai ngày 23 và 24-8, báo Tuổi Trẻ sẽ trao 253 suất học bổng cho con em những người bán báo dạo có hoàn cảnh khó khăn nhưng học giỏi tại TP.HCM và một số tỉnh thành trên cả nước.

Từ các đại lý bán báo giới thiệu, chúng tôi biết đến những học trò là con những người bán báo dạo tuy hoàn cảnh ngặt nghèo khó khăn nhưng đầy ý chí vươn lên nghịch cảnh.

Vừa đi học vừa hồi hộp

“Đồng hành cùng người bán báo” là học bổng thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ, thực hiện nhân kỷ niệm 39 năm thành lập báo (2-9-1975 - 2-9-2014).

Năm nay là năm thứ 3 học bổng được tổ chức và sẽ trao 253 suất học bổng cho con những người bán báo vượt khó, học giỏi tại khu vực Hà Nội, Đông Nam bộ, phía bắc Tây nguyên và miền Trung.

Tan học buổi chiều, hai chị em A Thị My My, A Nguyễn Thị Yến Nhi vội vã đạp xe trở về nhà để kịp phụ mẹ đi bán xôi cho công nhân ở khu công nghiệp gần nhà.

Nhịp sống thường ngày của hai cô học trò luôn là vậy, nếu... trời không mưa. Nỗi ám ảnh về những cơn mưa vào các buổi sáng, buổi giữa trưa hay xế chiều luôn khiến cả nhà My My lo lắng. Bởi mưa là lúc đường vào nhà họ sẽ ngập tới gối, cả nhà bì bõm lội mưa đến ướt sũng.

“Sáng mưa mẹ đi bán báo cực lắm, vừa lội sình vừa trễ giờ nên báo ế nhiều. Tụi con đi học phải vác xe ra mãi quốc lộ mới chở nhau được. Từ lộ ra bến đò An Phú Đông đi học ở Bình Thạnh đường mưa sình trơn té hoài, tới lớp vừa ướt vừa lấm lem ghê lắm. Chưa kể chiều mưa mẹ bán xôi không hết, vừa ăn xôi mệt nghỉ vừa tội mẹ...” - Yến Nhi bộc bạch.

Anh A Văn Luân, cha Yến Nhi và My My, phát hiện anh bị bệnh suy thận mãn lúc hai con đứa vào lớp 6, đứa lớp 7. Biến cố lớn đó khiến gia đình bé nhỏ của anh Luân kiệt quệ.

Hai con anh may nhờ có một mạnh thường quân cho học phí mới học được đến giờ. Đó là một người tốt ở TP.HCM biết hoàn cảnh gia đình hai chị em nên nhận giúp, nhưng bà nói chỉ giúp tới khi nào còn điều kiện vì giờ bà cũng già yếu nên không biết mai mốt ra sao.

My My ngậm ngùi tâm sự: “Hồi trước ba biết bệnh nhưng không có tiền nên cứ ráng không đi bệnh viện. Tới một ngày ba đang chạy xe ôm thì bị hoa mắt té chấn thương đầu, vào viện khám bác sĩ nói ba bị bệnh thận mãn giai đoạn cuối. Lúc đó con chỉ sợ ba bị sao đó, rồi sợ một mình mẹ gồng không nổi, chị em con phải nghỉ học. Từ đó đến giờ tụi con vừa đi học vừa hồi hộp, vì nếu không có bà tốt bụng cho tiền học, tiền sách vở thì chắc tụi con nghỉ học mất”.

Mới hơn 40 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Mỹ - mẹ Yến Nhi và My My - héo hon gầy rộc vì lo làm không có thời gian nghỉ ngơi. 4g sáng chị phải dậy đi lấy báo, bán báo tới trưa về lo cơm nước cho chồng, nấu xôi chuẩn bị chiều đi bán. Rảnh một chút chị lại đi mua ve chai bán hay giúp việc nhà kiếm thêm đắp đổi cho bữa cơm gia đình được tươm tất.

Ấy vậy nhưng căn bệnh suy thận mãn của anh Luân mỗi tháng chi phí gần hết 5 triệu đồng, nên chuyện học hành của con cái càng trở thành gánh nặng trên vai chị.

“Con mong ba mau lành bệnh để làm chỗ dựa cho mẹ con của con. Con mong mẹ đừng ngã quỵ trước cái nắng, cái mưa của Sài Gòn. Con thương mẹ biết bao! Tám năm liền là học sinh giỏi, cháu ngoan Bác Hồ của cả hai chị em con như món quà tặng ba mẹ” - thư Yến Nhi viết kể về hoàn cảnh gia đình cho ban tổ chức.

Vất vả đôi chân của mẹ

“Tai nạn đã lấy đi đôi chân mẹ em. Từ đó trở đi, mọi gánh nặng cơm áo đè nặng lên đôi vai ba. Ba em đã bươn chải làm đủ việc lo cho gia đình, càng vất vả hơn khi em chào đời. Chén cơm hằng ngày, cuốn tập, tấm áo em mặc đổi lấy từ mồ hôi của ba khi trời nắng bên tiệm sửa xe, hay những tờ báo mẹ em khó nhọc đi bán dạo bằng đôi chân khập khiễng sau tai nạn...” - đó là tâm sự đầy ưu tư của cô học trò lớp 7 Nguyễn Thị Hồng Thư ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM gửi về ban tổ chức.

Gia đình Thư sống chung cùng các bác bên ngoại trong ngôi nhà ông bà để lại. Còn nhỏ nhưng cô học trò này đã trăn trở, lo toan với bài toán mưu sinh mà cha mẹ luôn giấu kín sau nỗi nhọc nhằn để em yên tâm học.

“Những hôm trời mưa tầm tã, em thấy khuôn mặt buồn của mẹ sợ báo ướt hơn sợ mình ướt, chân mẹ yếu mà phải rong ruổi đi bán báo khắp nơi. Em chỉ lo mẹ lại bị xe đụng... Vất vả là thế nhưng mẹ luôn động viên em học, luôn tỏ ra vui vẻ để em an tâm...” - Thư bùi ngùi nói.

Còn nhiều câu chuyện xúc động đầy trăn trở của những học trò là con của người bán báo dạo gửi về cho chúng tôi. Đó không đơn giản là những lá thư xin học bổng. Với chúng tôi, đó là những câu chuyện tâm tình hiếu thuận của các học trò này.

Có những bạn mới chỉ học cấp I đã rong ruổi theo cha mẹ khắp các nhà trọ ở Sài Gòn. Căn phòng trọ chừng hơn chục mét vuông là nơi cả nhà sinh hoạt.

Ấy vậy mà em vẫn nhí nhảnh nói: “Nhà rộng lắm, vì ba mẹ con đi làm thay phiên từ sáng đến tối, con đi học về ở nhà một mình thấy rộng...dễ sợ”. Sau mỗi câu chuyện hồn nhiên nhưng đầy ưu tư ấy, vẫn tròn đẹp những ước mơ về tương lai tươi sáng để các em vượt qua khó khăn hiện tại.

Chia tay chúng tôi trong buổi chiều âm u nhưng xôi đã bán hết, mẹ con A Thị My My, A Nguyễn Thị Yến Nhi vui vẻ trở về nhà - nơi có ba của hai em đang đợi ba mẹ con về ăn cơm tối. Có lẽ đúng như lời anh A Văn Luân đúc kết về hoàn cảnh gia đình mình: “Diễm phúc của đời người là luôn được sống bên những người mình yêu thương để cùng vượt lên nghiệt ngã”.

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên