Phóng to |
Trại do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức lần 8.
Cô gái hay khóc
Trong số 150 thanh niên kiều bào yêu quê hương ấy, có một bạn trẻ đa sầu đa cảm, mọi người thường ghẹo và đặt cho tên “cô gái hay khóc”. Đó là Lê Thị Anh Thư (23 tuổi), định cư tại nước Anh, hiện đang là sinh viên chuyên ngành quản lý du lịch.
Hôm đầu tiên đến Trường khuyết tật tỉnh Quảng Ngãi, Thư bật khóc nức nở khi vừa trao cho cậu bé ngồi trên chiếc xe lăn một bì thư. Liền sau đó Thư ôm mặt chạy ra khỏi căn phòng giao lưu, ngồi khóc rưng rức một mình. “Các em thật bất hạnh. Mình không thể tiếp tục nhìn vào các em bé ấy” - Thư nấc lên.
Đầu giờ chiều 18-7, vào dâng hoa, thắp nhang và tham quan khu chứng tích Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Thư lại lăn dài những giọt nước mắt khi xem những hình ảnh đau thương trong vụ thảm sát đẫm máu cách đây 43 năm, ngày 16-3-1968.
Thư không dám nhìn lâu những hình ảnh, hiện vật về vụ thảm sát. Cô gái trẻ có khuôn mặt phúc hậu chạy thật nhanh ra khỏi phòng và ngồi thẫn thờ một mình dưới góc cầu thang. Hẳn trong lòng bạn ngổn ngang trăm mối...
Nặng lòng về quê hương và biển đảo
Trong chuyến hành trình hoạt động hè tại Quảng Ngãi, điều khiến nhiều người đặc biệt ấn tượng là hầu như tất cả 150 thanh niên kiều bào đều nói tiếng Việt rất sõi. Đặc biệt, các bạn còn hiểu rất rõ về biển đảo quê hương.
Trong giờ tham quan Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi để nghe tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ngãi, kể chuyện về Hoàng Sa, Trường Sa, phần lớn các bạn đều hiểu nhiều điều một cách tường tận.
Bạn Xaykham Phannouvong, sinh viên kiều bào Lào, kể: “Bố mình là người Lào, mẹ mình là người Việt Nam. Mình mang hai dòng máu Việt - Lào và rất tự hào là người Việt. Mình được mẹ kể cho nghe và dạy rất nhiều về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam. Mẹ dạy về tình yêu quê hương, yêu biển đảo. Mẹ từng nói Hoàng Sa, Trường Sa là những quần đảo thuộc chủ quyền biển đảo Việt Nam. Mình cũng tìm hiểu nhiều về hai quần đảo này của Tổ quốc, cũng biết rất rõ về lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của ông cha ta thuở trước”.
Bạn Hoàng Văn Mạnh, thanh niên kiều bào Ba Lan, chia sẻ: “Mình rất quan tâm đến vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đặc biệt là ở Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta. Ngày nào mình cũng vào các báo mạng xem tin tức, tìm hiểu các tư liệu, chứng cứ về chủ quyền lãnh hải của đất nước trên biển Đông. Thế hệ kiều bào như chúng mình phải có trách nhiệm, cùng đoàn kết với thế hệ trẻ nước nhà chung sức, chung lòng bảo vệ chủ quyền trên biển của đất nước. Chúng mình sẽ chứng minh cho toàn thế giới biết rằng Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh hải của Việt Nam và đó là một sự thật không thể chối cãi”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - thứ trưởng Bộ Ngoại giao, chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - cho biết: hoạt động “Trại hè Việt Nam 2011” có thể coi là “học kỳ” giáo dục truyền thống rất ý nghĩa để tuổi trẻ là người Việt Nam đang định cư, sinh sống ở nước ngoài không quên và luôn nhớ về nguồn cội, từ đó tạo ra sự lan tỏa trong nhận thức và hành động vì tình yêu Tổ quốc cho chính họ và các thế hệ kiều bào trẻ hôm nay và mai sau.
Nỗi lòng của “cô gái hay khóc” Lê Thị Anh Thư (ảnh) tâm sự: “Đất nước mình vẫn còn nghèo khó, vẫn còn bao người chịu cảnh bất hạnh. Học xong mình sẽ về Việt Nam - về quê hương để làm một điều gì đó thật ý nghĩa” - cô gái cả quyết trong nước mắt. Tri ân tiền nhân và giao lưu với bạn trẻ Trong hai ngày ở Quảng Ngãi, 150 bạn trẻ đã dâng hương, viếng các chí sĩ yêu nước, các nhà cách mạng, thăm khu chứng tích Sơn Mỹ, đền thờ Trương Định và nhiều di tích, thắng cảnh, đồng thời tặng quà cho trẻ em ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ngãi, trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Ngãi và giao lưu với các bạn đoàn viên thanh niên trong tỉnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận