27/01/2011 11:31 GMT+7

"Con nhớ Tết ở Việt Nam quá"

LÊ THỊ THANH CHUNG (New York ngày 25 -1-2011)
LÊ THỊ THANH CHUNG (New York ngày 25 -1-2011)

TTO - Đầu đông ở đây có những ngày mưa lất phất bay. Buổi sáng đi từ nhà ra bến đợi xe buýt, con gái kêu lên: “Con nhớ tết ở Việt Nam quá”.

brt6RcLx.jpgPhóng to
Ảnh minh họa internet

Hoài niệm tết của con không có những buổi chiều rửa cả yến hành cao gần bằng đầu người; vại dưa nén bốc mùi khăn khẳn chua nơi góc bếp. Không có đôi bàn tay bợt bạt vì vo gạo, đãi đỗ, rửa lá… Thời của mẹ, lên mười bốn, mười lăm, con gái cả xóm đua nhau làm mứt tết. Vụng về làm mứt dừa, khéo tay làm mứt bí, mứt cà chua, mứt quất. Mứt khoai tây ngâm nước vôi quá tay sẽ dai như da heo.

Hồi đó, mỗi gia đình hàng tháng tiêu chuẩn chất đốt chỉ được mua chừng hai chục lít dầu đun. Gần tết phải chuyển sang mua củi để nấu bánh chưng. Ba bốn gia đình thuê chung một chiếc nồi luộc bánh. Bánh từng nhà gói riêng nên phải đề ra quy định nhà buộc lạt đôi, nhà buộc lạt ba hoặc thắt thêm một nút tròn ở góc. Bếp nấu được đặt ngay trên lối đi chung. Ba bốn giờ chiều bắt đầu bắc bếp.

Các bà vợ tranh thủ vừa nấu ăn cho gia đình vừa canh bánh. Đến mười giờ đêm thì “giao ca” cho “chủ nhân ông”. Nhóm này thường “yêu sách” hơn. Cạnh bếp phải có manh chiếu, ấm trà, bàn cờ tướng, chiếc điếu cày, và đặc biệt là mấy đôi thùng đựng nước. Khi cần tiếp vào nồi bánh, các “bố” không phải đi ra bể công cộng gánh về.

Sáng sớm hôm sau, trên chiếc chiếu sẽ ngổn ngang cốc chén, bã chè. Phụ nữ phải phân công nhau, người dọn bếp, kẻ rửa nồi. Chưa kể đến việc phải đem bánh sang nhà nhau đổi vì các đức ông chồng đã quên luôn cả quy định lạt một, lạt đôi.

********************

Hoài niệm tết của con không có nỗi buồn của bà ngoại mỗi dịp giỗ ông. Ông ngoại mất vào ngày 27 tết khi bà mới bốn mươi tư tuổi. Lên mười, mẹ đã tập làm người lớn - nghĩa là làm chỗ dựa cho bà. Ngày tết, mấy chị em gái tự bảo ban nhau cọ rửa soong nồi, giặt giũ chăn màn, chẻ củi, nắm than, cắt hoa dán lên ô cửa kính. (Hồi còn chiến tranh, chính những bông hoa bằng giấy báo đã giữ cho những mảnh vỡ nằm nguyên trên khung cửa khi quả bom rơi ngay phía trước nhà).

Không có ông, các bác đi bộ đội đóng quân ở xa, ngày tết nhà mình không gói bánh chưng. Mẹ biết tự mang bột mỳ đi đặt làm bánh quy; mua rau, củ, quả về tỉa hoa làm mứt.

Bà không đi được xe đạp. Ông mất, bà chỉ loanh quanh đi chúc tết láng giềng. Tự tay bà sửa lại chiếc áo vest cũ của ông để mặc trong những dịp lễ lạt. Sau này, khi mẹ và các bác có điều kiện mua biếu bà những bộ quần áo đẹp, bà để chiếc áo của ông vào trong chiếc gối đầu.

***

Lúc các con còn nhỏ, mỗi dịp Giáng sinh, năm mới, mẹ hay cùng các con trang trí cây thông, treo bưu thiếp lên cành đào ngày tết. Đêm ba mươi, hai anh em hăm hở giúp mẹ cho những đồng tiền mới tinh vào bao lì xì. Mẹ bận sắp mâm cúng sang canh, ba bố con thường đưa nhau đi xem bắn pháo hoa ở Nhà hát thành phố.

Sau giao thừa, ông Phượng, bác Dậu, chú Hoàng sẽ cùng về xông nhà, mở rượu và mừng tuổi cho các con “lượt đi”. “Lượt về” là khi đến nhà nhau chúc tết. Xuất hành đầu năm bao giờ cũng về nhà ông bà nội. Người lớn, ba ngày tết, gặp nhau là uống rượu. Trẻ con đi theo cha mẹ để “thu hoạch” lì xì.

Đã bảy năm mẹ con mình đón tết ở xứ người. Những năm đầu mới sang còn khó khăn, mẹ mừng tuổi, các con không dám nhận. Tết đến, mẹ nhờ các bác trong Phái đoàn ngoại giao gói hộ bánh chưng. Chiều ba mươi mẹ đồ xôi gấc. Bữa cơm tất niên cũng đầy đủ thịt gà, canh măng, nem chua, giò chả… Nhưng ba mẹ con vẫn thấy chênh vênh.

Mấy năm trở lại đây, giao thừa, giáng sinh, các con tụ tập vui cùng bè bạn. Mười tám tuổi, các con đã thành người lớn. Mẹ thương bà ngoại ba mươi năm đón tết “một mình”.

Mời bạn đọc thi viết Tùy bút “Xuân hoài hương”

Với chủ đề “Xuân hoài hương”, cuộc thi tùy bút xuân 2011 mong trở thành một nhịp cầu để bạn đọc gửi nỗi nhớ về cái tết quê nhà, đặc biệt để những bạn đọc vì nhiều lý do tết này không thể sum họp gia đình có cơ hội bày tỏ những cảm xúc, gửi những yêu thương đến với người thân, bạn bè.

Cuộc thi sẽ diễn ra trên chuyên trang tuoitre.vn/Thiviet/Xuan-hoai-huong-2011. Mỗi bạn đọc được quyền tham gia nhiều bài viết, mỗi bài không quá 800 chữ, chưa từng được đăng tải ở bất cứ đâu. Bài dự thi gửi về tto@tuoitre.com.vn, tiêu đề ghi “Tùy bút Xuân hoài hương”.

Thời gian nhận bài dự thi từ nay đến hết ngày 7-2-2011 (mồng 5 Tết Tân Mão). Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi là 33 triệu đồng.

Cuộc thi nằm trong khuôn khổ chương trình Online cùng Tết Việt năm thứ 8 do Tuổi Trẻ Online tổ chức với sự tài trợ của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Xem thêm thông tin trên tuoitre.vn.

LÊ THỊ THANH CHUNG (New York ngày 25 -1-2011)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên