07/09/2012 06:32 GMT+7

Con nhà nòi sân khấu họ Lê

NGUYỄN THỊ MINH THÁI
NGUYỄN THỊ MINH THÁI

TT - Khởi đầu từ những trí thức "Tây học" chơi kịch, kịch đã thành thể loại dẫn đầu nền kịch Việt hiện đại.Theo huyết thống gia đình, kịch Việt đã hưng thịnh cho đến nay.

Họ Lê của kịch sĩ Lê Ðại Thanh là một trong những gia đình nghệ sĩ ấy...

Kỳ 1: Ba tôi - NSND Thành Tôn Kỳ 2: Nghệ sĩ Hữu Thoại: Nghề này bạc lắm Kỳ 3: Gia đình bầu Thơ: sân khấu là chiếc nôi

cEvEwXMX.jpgPhóng to
Lê Vân trong phim Chị Dậu -Ảnh tư liệu

Sinh ra và lớn lên khi cuộc giao lưu văn hóa Ðông - Tây (Pháp - Việt) diễn ra sôi nổi, bồng bột trong các thành thị lớn ở Việt Nam, Lê Ðại Thanh (1907-1996) được Thế Lữ phát hiện tài năng kịch, được mời vào ban kịch Thế Lữ, Anh Vũ, hoạt động kịch suốt những năm 30,40 của thế kỷ 20.

Riêng Lê Ðại Thanh được Thế Lữ ấn tượng là người "mê làm thơ, nhưng rất sân khấu từ dáng dấp đến cử chỉ, sắm vai kịch hồn nhiên không bợn chút nhọc lòng, diễn kịch với khí chất biển của người trai đất cảng Hải Phòng". Ông từng thủ vai Trần Thiết Chung xuất sắc trong vở Kim tiền, từng được giải thưởng báo Ngày Nay của Tự Lực văn đoàn. Ông từng lập đoàn kịch Lê Ðại Thanh - Lan Sơn và Gió Biển. Ông cưới bà Ðinh Ngọc Anh, con gái một thế gia vọng tộc người Hải Phòng, thời xuân sắc từng là kịch sĩ đoàn kịch Gió Biển. Năm 1956, bà là người đầu tiên đóng vai người con gái Ðất Ðỏ Võ Thị Sáu.

Hai ông bà sinh ra hai thế hệ nghệ sĩ hành nghề sân khấu, đã để con cháu tự hình thành tính cách nghệ sĩ, chứa đầy nội lực của bản năng nghệ sĩ.

SlwRlLD4.jpgPhóng to
Lê Khanh trong kịch ngắn Chỉ tại cái tai - Ảnh tư liệu

Nội lực "cha truyền con nối"

Lê Ðại Chúc, Lê Mai và Lê Chức là ba tia pháo hoa bùng nổ ở thế hệ nghệ sĩ con, sau điểm nổ của người cha. Có điều đặc biệt, người cha di truyền cho họ chất nghệ sĩ phong nhiêu và di truyền luôn cả bi kịch đời nghệ sĩ của mình.

Một thời dài, cha họ bị kết án liên đới vụ Nhân Văn - Giai Phẩm (1957) cùng một số văn nghệ sĩ đương thời, trong đó có Văn Cao. Cha bị thôi việc tại một cơ quan báo chí, tác phẩm không được xuất bản trong thời gian dài. Con gái Lê Mai bị đình chỉ diễn ở Ðoàn Kịch nói trung ương. Gần qua đời ông mới được muộn màng minh oan (gần đây nhất, ngày 10-8, báo Hải Phòng đưa tin sẽ có đường phố Lê Ðại Thanh được đặt tại phường Lâm Hà, quận Kiến An thuộc "thành phố biển" mà cả đời ông gắn bó).

Mang án di truyền ấy của cha, các con trai ông rất vất vả trong lập nghiệp, nhất là Lê Chức (sinh năm 1947). Theo nghề sân khấu của cha, phải 22 năm sau sự cố -1979, với nỗ lực cá nhân phi thường, Lê Chức mới được đi học ở Kiev, Liên Xô, ngành đạo diễn kịch. Lê Chức từng cùng đại gia đình vượt qua cảnh túng đói (cha ông đói triền miên và cố giấu sự thiếu đói trước mặt con). Người anh Lê Ðại Chúc phải bốc vác ở cảng Hải Phòng ròng rã hai năm trời. Lê Chức đẩy xe bò, làm công nhân sửa đường hơn một năm, rồi thi đậu vào Ðoàn Kịch Hải Phòng.

Song, người tiếp lửa cho những đứa con nghệ sĩ vượt qua cơn nguy biến, theo hồi tưởng của Lê Chức, lại chính là người cha. Lê Ðại Thanh đã viết Di chúc thơnăm 1965 như rút ruột để lại cho con cái, cho người đời mà chưa bao giờ ông hết thương yêu: Nếu tôi chết hỡi những người thân đừng nhỏ lệ/ Hãy ngâm với tôi một khúc ngắn thơ tôi/Chết là trở về với tinh thể sao trời/ Trả trái đất những gì vay mượn trước/ Chào những bộ hành tuổi xanh xuôi ngược/ Tôi xuống ga đời trả lại vé cho quê hương...Chính ông thương con trai lận đận mà bảo con bỏ bớt chữ Ðại trong tên ông đặt, chỉ còn là Lê Chức "cho con nhẹ hơn trong cuộc đời".

10 năm cha mất, Lê Chức xuất bản tập thơ Lê Hoa, rưng rưng ghi tên ba cha con, trở về chữ "Ðại" trong tên mình: Lê Ðại Thanh - Lê Ðại Chúc - Lê Ðại Chức, để ghi ơn sinh thành dưỡng dục từ cha mẹ. Lê Chức cũng đã thành nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn, thi sĩ và hiện đang rất "đắt sô" đạo diễn, giảng dạy, viết kịch, làm thơ... dù ông đương chức phó chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu VN.

Lê Ðại Chúc, sinh năm 1944, là tia pháo hoa rực rỡ khác, dù bùng nổ muộn. Là chuyên viên ngành hàng hải, đến tuổi ngũ tuần, theo ông tự sự, Thượng đế bất ngờ ra lệnh Lê Ðại Chúc bỏ nghề tàu biển làm họa sĩ. Như có phép lạ, Lê Ðại Chúc vẽ như... lên đồng suốt hai thập niên cuối thế kỷ 20, đầu 21. Nhẹ nhõm và bay bổng. Ông mê vẽ chân dung, hoa và phong cảnh. Ông hoan hỉ thú nhận có năm ông bán tranh tiền tỉ. Chân dung danh họa Nguyễn Gia Trí, vẽ chưa đầy một giờ, được mua 10.000 USD.

Trong hai chục năm, ông vẽ hàng ngàn tranh sơn dầu, hàng trăm chân dung người ruột thịt, bạn bè. Thật thú vị khi ông nhận ra mình in bóng người cha Lê Ðại Thanh. Nhà báo hỏi ông có chịu ảnh hưởng từ cha? Ông tự hào: "Sao lại không? Gen di truyền đấy, không lẫn được đâu...".

r2Lf3dOI.jpgPhóng to

Lê Vi trong Giai điệu tình yêu cùng bạn múa Anh Phương - Ảnh tư liệu

Ba nhan sắc nhà nòi: Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi

Có lẽ công lao lớn nhất dâng đời của cặp vợ chồng nghệ sĩ Lê Mai và NSND Trần Tiến là đã sinh hạ được ba nhan sắc cho nghệ thuật biểu diễn Việt: Lê Vân - nghệ sĩ múa và màn bạc, sinh năm 1958; Lê Khanh của kịch lẫn màn bạc, sinh năm 1963; Lê Vi - nghệ sĩ múa và màn bạc, sinh năm 1967. Cặp vợ chồng này cùng có công thăng hoa chùm tia đẹp bất ngờ nhất từ điểm nổ pháo hoa của ông ngoại Lê Ðại Thanh.

Song, Lê Mai mới thật là người mẹ tài năng. Tính cách quả cảm của bà trong nuôi dạy con mới thực là cội nguồn của ba cô con gái nghệ sĩ. Trong kháng chiến chống Mỹ, cha các cô, Trần Tiến, ông vua hài kịch thường vắng nhà đi diễn xa, một mình mẹ Lê Mai cáng đáng cả ba con nhỏ. Bị thôi việc ở Ðoàn Kịch nói trung ương, bà may mắn được nhận về Ðoàn kịch Hà Nội. Khi Lê Vân còn nhỏ, bà gửi con ở nhà trẻ nơi sơ tán của Bộ Văn hóa. Cứ tối thứ bảy, sau diễn kịch, bà lại đạp xe gần 30 cây số đón con và 3 giờ sáng thứ hai lại đạp xe về Hà Nội cho đúng giờ ở đoàn kịch. Rồi Lê Khanh ra đời, cân nặng 1,8 kg, bà lại khốn khổ vì con hay đau ốm, đi diễn một đêm chỉ đủ tiền mua vài viên thuốc cho con một ngày.

Bà kể có người dại miệng bảo con bé thế thì chỉ có nước "cho vào bánh quy mà đem chôn". Thế mà bà nuôi mát tay, Khanh lớn phổng lên và rất thông minh! Con út Lê Vi ra đời, bà lại lo cho Vi, vừa lo tiếp tế cho Vân và Khanh theo bố sơ tán. Vi là con gái thứ ba, dù bà hi vọng con trai. Bố Trần Tiến hơi buồn, nhưng cả hai vợ chồng nghĩ con là lộc trời nên thương Vi nhất và Vi cũng gắn bó với mẹ nhất. Ði học cũng chỉ chực về với mẹ, lấy chồng cũng ở cùng mẹ, sang Pháp sống với chồng con nhưng quả quyết "con vẫn sẽ về với mẹ".

Khi các con còn nhỏ xíu, vợ chồng bà chỉ nhắc khéo: Nhà mình có bố Tiến, mẹ Mai đều làm nghệ thuật, các con mà không biết đóng kịch, đóng phim thì phí quá! Có lẽ do gen nghệ thuật từ ông ngoại Lê Ðại Thanh, đến mẹ Lê Mai, rồi từ cha Trần Tiến đã lặn sâu vào các con mà Vân, Vi 11 tuổi đã theo học trường múa, Khanh 15 tuổi đã được tuyển vào Nhà hát Tuổi Trẻ, rồi cả ba tự đi trên con đường đã chọn, bố mẹ không cần can thiệp và tác động. Bản tính Lê Mai không thích phô trương, chưa một lần trong đời bà mang hoa lên sân khấu tặng con, dù bà không bỏ buổi diễn nào của các con.

Bây giờ đã tuổi thất thập, song bà Lê Mai vẫn đang mơ đến thế hệ thứ tư: bảy cháu ngoại do ba cô con gái sinh ra. Biết đâu chúng sẽ tự nhiên thành nghệ sĩ, như cụ ngoại, ông bà, chú bác, cha mẹ chúng đã là con nhà nòi ba đời, đến đời thứ tư thành nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh, tại sao không? Như các dòng sông, bao giờ mà chẳng thao thiết chảy xuôi ra biển lớn?

Người mẹ hạnh phúc

Lê Mai tự cho mình là người mẹ hạnh phúc nhất thế gian, bởi có ba cô con gái nghệ sĩ, lại biết lo lắng cho mẹ. Bà bảo số bà được nhờ con, con giỏi hơn mẹ nhưng vẫn giống bố mẹ ở tính giản dị, yêu lao động nghệ thuật. Hôm nhận danh hiệu NSND, Khanh nói lời cảm ơn mẹ Lê Mai, vì “mẹ là người chèo lái con thuyền chở toàn nghệ sĩ đến bến bờ vinh quang”. Lê Mai đã không cầm được nước mắt.

Duy cuốn tự truyện Lê Vân yêu và sống đã khiến bà và gia đình phải ít nhiều nghĩ ngợi, khi NSƯT Lê Vân lục tung quá khứ của chính mình và cha mẹ, em gái, để giải đáp câu hỏi của đời mình, trong tình yêu và nghệ thuật, để cuối cùng là... sám hối. Bà Lê Mai không nỡ giận, chỉ xót thương, thấy Vân giống mẹ, mạnh mẽ, cứng cỏi, dám sống theo cách riêng.

Mặc lòng, dù tự truyện Lê Vân đã khuấy động quá khứ và hiện tại của một gia đình danh giá nghệ sĩ, phơi bày vài sự thật đắng lòng thì bà Lê Mai vẫn tỉnh táo và công bằng khi đánh giá: thông điệp của cuốn tự truyện là không người nào, gia đình nào hoàn hảo. Lê Vân đã đau đáu về điều không hoàn hảo ấy, chứng tỏ Vân có tấm lòng thành thực đáng quý!

WrDMsRWW.jpgPhóng to

Gia đình nghệ sĩ Lê Đại Thanh (từ trái qua): vợ chồng Lê Đại Thanh, Lê Mai, Lê Chức và Lê Đại Chúc - Ảnh tư liệu gia đình

NGUYỄN THỊ MINH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên