02/01/2018 17:29 GMT+7

Con ngựa đá con ngựa đá

TRƯỜNG LÂN
TRƯỜNG LÂN

TTO - Chơi chữ là phương thức tu từ sử dụng ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ cảnh... một cách đặc biệt. Chơi chữ bằng từ đồng âm xuất hiện trong văn học dân gian lẫn bác học, huy động cả từ thuần Việt lẫn Hán Việt.

Con ngựa đá con ngựa đá - Ảnh 1.

1. Đọc bài ca dao: Trời mưa, trời gió/ Vác đó đi đơm/ Trở về ăn cơm/ Trở ra mất đó!/ Kể từ ngày thương đó, đó ơi/ Đó chưa thưa được một lời cho đây nghe!, chúng ta có thể hiểu "đó" là danh từ, chỉ dụng cụ đánh bắt cá, tôm, tép. "Đó" cũng có thể là đại từ chỉ sự vật, địa điểm, thời điểm không ở vào vị trí người nói hoặc không ở vào lúc đang nói. 

"Đó" còn là đại từ nhân xưng phiếm chỉ.

Dựa vào ngữ cảnh bài ca dao, ta xác định từ "đó" thứ nhất là danh từ và từ "đó" thứ năm là đại từ nhân xưng phiếm chỉ. Ba từ "đó" còn lại đa nghĩa hơn và góp phần tạo nên sắc thái buồn man mác của bài ca dao, một lời than thở kín đáo và trách móc nhẹ nhàng: mất cái đó cũng là mất người đó.

2. Một trường hợp khác về chơi chữ bằng từ đồng âm là vế xuất: Con ngựa đá con ngựa đá, con ngựa đá không đá con ngựa

Vế này có bốn từ "đá". Từ "đá" đầu tiên và cuối cùng là động từ. Từ "đá" thứ hai và thứ ba là danh từ, bổ nghĩa cho từ "ngựa" kề trước. 

Do vế xuất này có bốn từ "đá" đơn nghĩa, ta có thể ngắt theo chủ ngữ, vị ngữ thành: Con ngựa/ đá con ngựa đá, con ngựa đá/ không đá con ngựa. Vế xuất này đã thu hút nhiều người đối lại, trong đó có hai vế đối của Lãng Nhân (1907-2008):

Thầy lang/ băm thầy lang băm, thầy lang băm/ không băm thầy lang.

Ông thầy/ hù ông thầy hù, ông thầy hù/ không hù ông thầy.

"Thầy hù" ở vế đối sau cùng là danh từ, được dùng vào thập niên 1910 ở Sóc Trăng và vùng lân cận, chỉ thợ hớt tóc, cạo râu dạo. 

Trong Hơn nửa đời hư, cụ Vương Hồng Sển (1902-1996) giải thích: trẻ em thường không cho hớt tóc nên thợ phải hù dọa, lâu ngày thành tên "thầy hù".

3. Trước lời tán tỉnh của các thực khách nam, bà chủ tiệm phở - một thiếu phụ mất chồng - đáp: Nạc mỡ nữa làm gì, em nghĩ chín rồi, đừng nói với em câu tái giá. 

Vế xuất này vừa có năm từ liên quan đến phở (nạc, mỡ, chín, tái, giá), vừa nhắn nhủ: Ỡm ờ, nửa nạc nửa mỡ làm gì, em suy nghĩ kỹ rồi, đừng đề nghị em lấy chồng lần nữa. 

Trong số tám vế đối được Lãng Nhân ghi nhận, có vế đối của một ông thầy bói: Càn khôn đâu cũng mặc, lão xin gieo lại, dẫu bề nào lão chẳng can chi. 

Vế đối này vừa có năm từ liên quan đến nghề bói toán (càn, khôn, gieo, can, chi) vừa hé lộ mưu đồ "quất ngựa truy phong": Mặc kệ trời đất, ta xin làm lại, dẫu có chuyện gì ta chẳng liên quan.

4. Nguyễn Quỳnh - tức Cống Quỳnh - nổi tiếng về óc trào lộng (và cũng là nguyên mẫu của nhân vật Trạng Quỳnh). 

Ông đã sử dụng tài tình từ đồng âm trong bài thi Hương bằng chữ Hán để nhạo báng triều đình với đoạn: Quân tắc cổ, thần tắc cổ, đái hàm quan Ngu Thuấn chi công/ Thượng ung tai, hạ ung tai, ỷ đầu lại Đường Nghiêu chi trị. 

Đoạn Hán văn này có nghĩa là: Vua như vua đời cổ, bầy tôi cũng như bầy tôi cổ, dân đều mang ơn như công của vua Thuấn/ Người trên hòa, người dưới cũng hòa, dân đều được nhờ như đời thịnh trị của vua Nghiêu.

Các từ "tắc cổ", "ung tai", "đái hàm quan", "ỷ đầu lại" vốn bình thường trong tiếng Hán lại có âm Hán Việt mang nghĩa nhạo báng. 

Có lẽ trong lịch sử chỉ Cống Quỳnh mới dám rủa cả triều đình và đòi đại tiểu tiện vào quan lại ngay trong bài thi mà không bị trị tội.

TRƯỜNG LÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên