10/01/2007 17:02 GMT+7

"Cơn mưa" giải thưởng từ đâu ra?

Theo Tùng Sơn - Thể thao & Văn hóa
Theo Tùng Sơn - Thể thao & Văn hóa

1. Gọi là lễ trao giải bình chọn phim truyền hình VN được yêu thích, do Tạp chí Truyền hình và Hãng phim truyền hình VN (VFC) tổ chức, nhưng bên cạnh giải Phim truyền hình được khán giả bình chọn nhiều nhất trao cho phim Chạy án, một “cơn mưa” giải thưởng không biết rơi từ đâu xuống.

9hPvuRin.jpgPhóng to
Cảnh trong phim Dốc tình
1. Gọi là lễ trao giải bình chọn phim truyền hình VN được yêu thích, do Tạp chí Truyền hình và Hãng phim truyền hình VN (VFC) tổ chức, nhưng bên cạnh giải Phim truyền hình được khán giả bình chọn nhiều nhất trao cho phim Chạy án, một “cơn mưa” giải thưởng không biết rơi từ đâu xuống.

Cũng trong phim Chạy án, nghệ sĩ Tiến Đạt được trao giải cho vai diễn xuất sắc và Việt Anh đoạt giải Nam diễn viên có vai diễn ấn tượng. Mai Hoa với vai Tám trong Hương đất đoạt giải Nữ diễn viên có vai diễn ấn tượng. Hai diễn viên trẻ Huy Khánh và Nguyệt Ánh trong Dốc tình chia nhau giải Nam - Nữ diễn viên triển vọng.

Không biết vai diễn “xuất sắc” và “ấn tượng” khác nhau ở điểm nào. Rồi bỗng dưng có giải cho người quay phim, trong khi ê kíp làm phim gồm đạo diễn, tác giả kịch bản, hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật… lại chẳng thấy ai được giải!

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Ngọc Đản - TBT Tạp chí Truyền hình - cho biết: “Đạo diễn và tác giả kịch bản đã nằm trong phim hay nhất (nên không trao nữa - PV). Khán giả không biết quay phim là ai, nhưng khán giả khen phim này (Hương đất - PV) đẹp, nên có giải cho quay phim”.

Điều đáng nói là trong tờ Phiếu bình chọn đăng trên Tạp chí Truyền hình không hề có mục cho những “giải” nói trên ngoài bình chọn cho phim. Trên phiếu ghi rõ mục “Phim truyền hình VN nào được bạn yêu thích nhất” và phần “Vì sao bạn chọn bộ phim này?”. Để trả lời câu hỏi giới hạn trong vòng 100 từ này, khán giả có trăm ngàn lý do để đưa ra. Kết quả như vậy thật khó tập trung, nên nếu nói do khán giả thích diễn viên A, B… càng không có cơ sở. Vậy giải từ đâu ra?

2. Tại sao các giải thưởng này lại không đưa vào cơ cấu giải để khán giả bình chọn ngay từ đầu? Tại Lễ trao giải, BTC cũng không hề thông báo về hội đồng hay ban giám khảo thẩm định, bình xét những giải thưởng trên là ai, được lập từ lúc nào. Khi chúng tôi hỏi đến Hội đồng thẩm định, ông Đản mới nói, hội đồng gồm “một số người ở hãng phim gồm có đạo diễn Khải Hưng, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, người của tạp chí…”.

Ông Đản nhận thiếu sót là hội đồng chỉ gồm người của VFC và người của tạp chí Truyền hình. Trong khi phim phát sóng trên VTV trong thời gian bầu chọn gồm cả phim điện ảnh chiều thứ bảy và cả của đài truyền hình địa phương (TFS và Công ty nghe nhìn Hà Nội)…”Nếu hội đồng bình chọn có đại diện của nhiều đơn vị hơn thì sẽ tốt hơn”, ông Đản nói.

Nếu đúng thành phần hội đồng như ông Đản nói thì có lẽ VFC “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Giải tập trung cho các phim của VFC, nếu như không có giải triển vọng. Phải chăng, vì muốn chia đều “cán cân” giải thưởng Nam - Bắc nên người ta cố tìm ra hai gương mặt nam - nữ diễn trong phim của phía Nam để trao giải kiểu “an ủi”?

Kết quả này gợi nhớ tới cuộc Bình chọn diễn viên truyền hình được yêu thích nhất, cũng do tạp chí này tổ chức vào năm ngoái. Việc Thanh Thúy và Minh Đạt (trong phim Blouse trắng) được nhận giải Cặp diễn viên diễn xuất ăn ý nhất đã khiến không ít người sững sờ vì giải này cũng không hề có ở nội dung phiếu bình chọn!?

Phải chăng, “nhà đài” muốn tổ chức những chương trình như vậy để biểu dương công trạng của “quân nhà”? Nếu vậy thì không nên mượn danh nghĩa “bình chọn” để trao giải. Có lẽ, việc này nên kết hợp trong những liên hoan truyền hình thường niên (nhưng oái ăm là các liên hoan này cho đến nay vẫn không trao giải cho cá nhân).

Đấy là chưa kể đến việc sau ba cuộc bình chọn, khán giả vẫn luôn dành sự ưu ái cho các bộ phim truyền hình dài tập (năm 2004, phim Đường đời cũng được bình chọn và diễn viên chính Thu Hà giành Giải Nữ diễn viên được yêu thích nhất). Trong khi đó, nhiều bộ phim truyền hình ngắn tập được giới chuyên môn đánh giá cao (chẳng hạn như: Bảy ngày và một đời - đạo diễn Đỗ Đức Thành - giải Cánh diều vàng 2005) lại không lọt vào mắt khán giả.

Hơn nữa, cuộc bình chọn này chỉ dành cho các phim truyền hình được phát trên sóng Đài THVN, sản xuất trong hai năm 2005 – 2006, nên cũng khá “thiệt thòi” cho các phim phát sóng trên đài truyền hình địa phương, trong đó có cả các phim do tư nhân sản xuất ở phía Nam.

3. Với những giải do khán giả bầu chọn, cách thức, tiêu chí nên cải tiến sao cho thuyết phục và khách quan hơn. Có thể bỏ phiếu, kiểm phiếu và thông qua kết quả tại chỗ. Trong trường hợp thời gian bầu chọn kéo dài và bầu chọn thông qua các phương tiện truyền thông, nên mời cơ quan kiểm tra độc lập thu nhận và công bố kết quả.

Với Sao mai – Điểm hẹn 2006 vừa qua, kết quả bầu chọn có sự kiểm tra chéo và tham gia của nhiều bên, nhưng vẫn không sao tránh khỏi những nghi ngờ. Nhạc sĩ Huy Tuấn nói: “Khán giả ngày một tinh tường hơn khi lựa chọn sản phẩm và nghệ sĩ mình yêu thích. Vì thế, giải thưởng cũng phải nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng. Tôi nghĩ, đến lúc khán giả không còn chấp nhận những kết quả bình chọn theo kiểu “tù mù” nữa”.

Theo Tùng Sơn - Thể thao & Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên