22/04/2008 14:02 GMT+7

Con hư, nỗi khổ của cha mẹ

Theo MẠNH THĂNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo MẠNH THĂNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Gần đây, trên các phương tiện truyền thông liên tục xuất hiện thông tin về tình trạng học sinh bỏ học. Nhiều lý do được đưa ra để lý giải cho hiện tượng này như gia cảnh nghèo, bệnh thành tích, ngồi nhầm lớp…

KNzU07kJ.jpgPhóng to
Nghiện game - cảnh thường thấy ở những tiệm Internet công cộng
Gần đây, trên các phương tiện truyền thông liên tục xuất hiện thông tin về tình trạng học sinh bỏ học. Nhiều lý do được đưa ra để lý giải cho hiện tượng này như gia cảnh nghèo, bệnh thành tích, ngồi nhầm lớp…

Một thực tế khác đang tồn tại ở các thành phố lớn, đó là vấn đề học sinh bỏ học do hư hỏng bởi cha mẹ bận bịu công việc hoặc gia đình quá nuông chiều… Hầu hết các bậc cha mẹ đều có nhận xét như nhau: không có gì khổ bằng con hư, bởi “bỏ thì thương, vương thì tội”. Nhưng để giành lại đứa con yêu quý khỏi vòng xoáy những cạm bẫy của tuổi mới lớn lại không dễ dàng chút nào…

Bận bịu - chiều chuộng - hư hỏng

Anh Mạnh, một giám đốc công ty chuyên sản xuất ống nước bằng nhựa, nhà ở đường Minh Phụng, quận 11 chỉ có Thế là cậu con trai duy nhất. Công ty của anh có đến ba cơ sở sản xuất ở các quận 11, Tân Phú và Bình Tân. Trong một công ty gia đình, vợ anh - chị Thu - vừa trực tiếp trông coi một cơ sở, vừa lo luôn phần tài chính cho công ty. Hai vợ chồng gần như không có thời gian rảnh rỗi. Khi còn nhỏ, cậu bé Thế rất ngoan, học hành chăm chỉ. Chuyện chỉ tồi tệ đi khi Thế bắt đầu vào lớp 10. Có đủ mọi thứ mình cần bởi “muốn gì được nấy”, lại kết bạn với những học sinh hư hỏng cùng lớp, cậu bé này nhanh chóng dính vào game, đua xe, đánh lộn, hút bồ đà, yêu sớm…

Khi liên tục nhận được những thông tin xấu về con mình từ nhà trường và công an, vợ chồng anh Mạnh mới giật mình và quyết định dành thời gian để uốn nắn con trai. Theo lời khuyên của một đối tác làm ăn vốn có “kinh nghiệm” về chuyện con hư, anh Mạnh thu xếp tổ chức một chuyến đi Vũng Tàu nghỉ ngơi cuối tuần nhưng chỉ độc hai cha con. Suốt cả ngày Chủ nhật ở Vũng Tàu, anh theo sát Thế như hình với bóng, kể cả những lúc cậu ta vào nhà vệ sinh. Một ngày trôi qua mà không thấy con mình có biểu hiện thèm thuốc, anh Mạnh vui mừng vì dù sao điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra với quý tử của mình.

Nhưng nếu ghiền ma túy có thể test được thì những trò hư hỏng khác của tuổi học trò, làm sao anh kiểm soát hết? Thấy con suốt ngày bị cuốn vào game, sổ liên lạc toàn điểm kém cùng những lời phê chẳng êm tai chút nào, chị Thu la mắng, nhắc nhở thì Thế lại đòi… bỏ nhà đi bụi! Hỏi han vài người, anh Mạnh kiếm được một số điện thoại chuyên giải đáp, tư vấn chuyện trẻ em mê game. Nhưng anh đã thất vọng vì chỉ được nghe những lời khuyên chung chung. Hỏi kỹ hơn, anh mới biết cái sự tư vấn ấy do chính… một đơn vị sản xuất game bày ra! Đang lúc bối rối vì chuyện học hành kém cỏi do chứng nghiện game của con, lại nhận được những lời khuyên “nửa nạc nửa mỡ” ấy, anh Mạnh càng giận con và giận… mình!

Nghe lời một người bạn, cũng là giám đốc doanh nghiệp, anh tìm đến một số văn phòng tư vấn trẻ hư ở TP.HCM.

Tư vấn

nb0OaY28.jpgPhóng to
Tư vấn trực tiếp ở Văn phòng Tư vấn trẻ Quận 1

Với những trường hợp như anh Mạnh, chị Thạch Ngọc Yến - thạc sĩ xã hội học, chuyên gia tư vấn tâm lý tại Văn phòng Tư vấn trẻ em (57 Phạm Ngũ Lão, quận 1) thường đưa ra lời khuyên cụ thể: “Hãy dành thêm nhiều thời gian gần gũi, tìm hiểu, chăm sóc con!”.

Những doanh nhân như anh Mạnh khi nghe lời khuyên này thường thật lòng nói rằng họ rất khó thu xếp thời gian. Công việc điều hành doanh nghiệp, quan hệ gặp gỡ đối tác… bận đến nỗi đôi khi họ còn không có thời gian chăm chút ngay cho bản thân mình, nói gì đến con.

Trong một lần tư vấn cho một quan chức cấp quận có cả hai đứa con cùng hư, chị Yến đã thẳng thắn nói rằng mọi chức vụ đều dễ dàng tìm được người thay thế, nhưng thiên chức làm cha, làm mẹ thì không thể! Thế mà với một số bậc phụ huynh, tất cả sự quan tâm đến con cái đều quy ra… tiền! Chính đó là điểm khởi đầu cho rất nhiều trường hợp hư hỏng của con cái.

Một chuyên gia tư vấn ở quận 3 đã tâm sự rằng nhiều phụ huynh không hiểu tâm lý của trẻ mới lớn thường biến đổi rất phức tạp. Vị chuyên gia nhiều kinh nghiệm này kể về trường hợp một cô bé ở đường Tô Hiến Thành (quận 10) khi gặp chuyên gia tư vấn đã nói ngay: “Con không thích làm con nhà giàu!”. Rồi cô bé cho biết rằng khi xin tiền mua một cây bút, mẹ đưa luôn tờ 100 ngàn đồng, sau đó không hề quan tâm tới việc con gái đã mua bút như thế nào.

Cô bé so sánh với bạn mình trong một gia đình không khá giả, được mẹ chỉ cách mua bút thế nào vừa tốt vừa rẻ, khi mua bút về khoe lại được mẹ khen… Cô bé còn tâm sự rằng chỉ mong được sự quan tâm, chứ không muốn tờ 100 ngàn đồng vô cảm kia. Một trường hợp khác. Một nữ chuyên gia tư vấn ở Văn phòng Tư vấn trẻ em quận 1 kể vào một hôm trực đêm, chị nhận được một cuộc điện thoại của một cậu 17 tuổi ở quận 5. Giọng lè nhè, cậu ta nói rằng đã uống đến chai rượu XO thứ hai.

Khi được hỏi về bản thân, gia đình và lý do phải “độc ẩm” bằng rượu ngoại cao cấp, cậu kể cha mẹ cậu là những doanh nhân thành đạt, thường ra khỏi nhà từ sáng sớm và trở về rất muộn. Cậu cũng tả lại căn nhà năm tầng lầu “như một cung điện” với bể bơi bên trong nhưng lúc nào cũng vắng “như cái chùa Bà Đanh” rồi òa khóc, nói rằng ngay ngày mai sẽ bỏ học theo bạn bè đi bụi…

Anh Mạnh đã thu xếp được thời gian đi Vũng Tàu cùng con trai để kiểm tra khả năng dính ma túy, lại còn bỏ thời gian đến văn phòng tư vấn để xin những lời khuyên từ chuyên gia, nhưng anh Nam - một chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh hàng may mặc ở quận 6 dù biết con gái học lớp 9 đang dần hư hỏng mà chỉ có đủ thời gian nhấc điện thoại gọi… 1080 xin tư vấn!

Chị Như Mai, chuyên gia tư vấn tâm lý trẻ của tổng đài 1080, đồng thời nhận tư vấn trực tiếp ở Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp trẻ trên đường Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh) cho hay càng ngày càng có nhiều cuộc gọi của các bậc phụ huynh than vãn về con cái mình. Phổ biến nhất vẫn là chứng nghiện game, đua đòi, yêu sớm… và nguy cơ đáng lo nhất là học hành sa sút, thậm chí bỏ học giữa chừng.

Nhiều chuyên gia tư vấn ở TP.HCM cùng chung nhận định: con cái chỉ dễ dàng uốn nắn khi còn dưới mười tuổi. Ở tuổi lớn hơn, chúng đã biết tự phản kháng và nếu cha mẹ nóng nảy đánh hoặc dọa đuổi ra khỏi nhà thì chúng bỏ đi ngay. Thông thường, các bậc phụ huynh tìm đến nhà tư vấn khi tình trạng con mình đã hư quá. Vì thế, dù nhiều kinh nghiệm, các chuyên gia cũng chỉ dừng lại ở những lời khuyên và một số biện pháp mang tính chữa cháy.

Dẫu sao thì những lời khuyên đó khá thiết thực và hữu ích, chẳng hạn: cha mẹ cần tiếp cận, hiểu biết về Internet để kiểm soát được con cái khi chúng lên mạng, tham gia vào khóa học “Phương pháp dạy con thành công và thành nhân” do Trung tâm Tư vấn Hồn Việt (64-68 Trần Quốc Thảo, quận 3) tổ chức… Một lời khuyên khác rất đang quan tâm là… xin chuyển trường cho con!

Chuyển trường

7hTTE0lL.jpgPhóng to
Chơi thể thao ở sân trường Dân lập Thanh Bình, quận Tân Bình
Sự thay đổi chỗ học đồng nghĩa với việc cách ly con mình với những bạn bè xấu, với những thói quen không lành mạnh. Lời khuyên này từ các chuyên gia được sự đồng tình của nhiều bậc phụ huynh. Nhưng tìm ở đâu một ngôi trường có không gian học tập lành mạnh, có phương pháp giáo dục tốt để cải tạo trẻ hư thành học trò ngoan ở TP.HCM đây?

Một trong những ngôi trường được khá nhiều bậc cha mẹ tin tưởng là trường Dân lập Thanh Bình (quận Tân Bình). Chứng kiến giờ học, giờ chơi và giờ cơm chiều của học sinh nội trú nơi đây, các vị phụ huynh có con hư có thể tin tưởng vào cách tổ chức quản lý sinh hoạt nề nếp của nhà trường. Chị Thư, thành viên Ban Quản trị nhà trường cho biết: “Đa phần học sinh của trường có gia đình khá giả, trên 70% học sinh ở nội trú, trong đó có cả một số em nhà ở ngay trong quận”.

Chị cũng cho biết rất nhiều em được chuyển đến từ nơi học khác trong tình trạng ngang bướng và mất căn bản và học lực một cách nghiêm trọng. Nhà trường, ngoài việc đưa các em vào nề nếp trong sinh hoạt, luôn tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh như văn nghệ, thể thao và còn chú ý đến việc lấy lại kiến thức căn bản cho các em, bởi đó cũng là một nguyên nhân khiến các em chán học, ham chơi. Điều đáng mừng là nhiều năm liền, kết quả các kỳ thi cuối cấp (cả cấp 1, cấp 2 và cấp 3) của trường đều đạt tốt nghiệp 100% học sinh. Không ít trường hợp trẻ hư thuộc loại “hết thuốc chữa” khi được chuyển đến đây, đã tốt nghiệp phổ thông trung học và thi đỗ vào đại học - một kết quả mà ngay cả nằm mơ, phụ huynh cũng không thấy được khi con họ đã quá ham chơi biếng học.

Ngoài trường Thanh Bình (Tân Bình), hiện ở TP.HCM còn có trường Trương Vĩnh Ký (Gò Vấp), trường Ngô Thời Nhiệm (có ba cơ sở ở quận 3, quận Bình Thạnh và quận 9), trường Thái Bình ở Phường 12, Quận Tân Bình cũng sẵn sàng đón nhận những học sinh cá biệt, hư hỏng.

Trở lại câu chuyện của anh Mạnh, đáng tiếc là gia đình đã phát hiện và phản ứng quá muộn. Thế đã không có cơ hội được sửa sai bằng cách chuyển trường. Ở chính ở ngôi trường có nhiều bạn bè hư hỏng, Thế đã không vượt qua được lớp 11. Tệ hơn, do yêu sớm và quan hệ tình dục buông thả, Thế trở thành một người cha khi còn quá trẻ. Cô con dâu mà vợ chồng anh Mạnh phải nghiến răng cưới về trong tình trạng mang thai hơn ba tháng vốn là một cô bé bỏ học sớm, lêu lổng và hơn Thế đến bốn tuổi!

om3tRBWr.jpgPhóng to
Nhiều học sinh vẫn vi phạm Luật Giao thông: đi xe gắn máy phân khối lớn, chở ba, không đội mũ bảo hiểm
Đáng báo động là trường hợp như con anh Mạnh không hề cá biệt và cũng chưa phải là tồi tệ nhất. Rất nhiều bậc cha mẹ vì quá nuông chiều con, đã đẩy con mình trượt dài đến chỗ trở thành tội phạm. Trong vụ án cướp và trả thù đẫm máu người bắt cướp vừa xảy ra ở phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM, một trong bốn sát thủ máu lạnh (Lê Đình Tuấn, 20 tuổi) vốn là con một trong gia đình có cha là công chức, mẹ buôn bán ở phường 10, quận 5. Con đường hư hỏng của Lê Đình Tuấn cũng bắt đầu từ sự nuông chiều thái quá của cha mẹ, đến lêu lổng bỏ học lang thang và cuối cùng là phạm tội.

Tuy nhiên, xét cho cùng thì mọi chuyện “chữa cháy” như thay đổi môi trường sống, chuyển trường… đều là việc bất đắc dĩ. Những bậc làm cha làm mẹ, nhất là những người bận rộn kinh doanh, làm ăn, cần hết sức quan tâm đến chuyện học hành, sinh hoạt của con cái mình ngay từ nhỏ. Về lâu dài, những chuyên gia tư vấn tâm lý đều cho rằng, để góp phần tạo ra những thế hệ trẻ em ngoan, cần phải sớm tiến hành cải cách giáo dục, trong đó thay đổi nội dung dạy và học là rất cần thiết, nhất là ở các môn khoa học xã hội. Làm sao để từ đó, học sinh được truyền đạt và thấm nhuần luân lý, tình yêu thương và sự nhân hậu ngay từ những ngày đầu đến trường.

Theo MẠNH THĂNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên