15/01/2019 11:36 GMT+7

'Còn gập ghềnh trong tư duy các bộ ngành'

N.AN
N.AN

TTO - Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra quan điểm như vậy tại Hội thảo "Điểm lại pháp luật kinh doanh năm 2018" sáng 15-1.

Còn gập ghềnh trong tư duy các bộ ngành - Ảnh 1.

Việc cải cách chưa thực chất và đạt kỳ vọng của doanh nghiệp - Ảnh: N.A.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, các giải pháp đưa ra hiện nay vẫn tập trung vào chăm lo, ưu đãi cho doanh nghiệp trong khi nhiều vấn đề đòi hỏi có giải pháp cốt lõi như như cải cách thể chế, quyền tải sản, sở hữu đất đai, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước... thì vẫn gian nan.

"Điểm nghẽn lớn nhất là thể chế, điều kiện kinh doanh khi quy định chồng chéo, thiếu nhất quán, minh bạch trong pháp luật đang là rào cản cho người dân và chính quyền" - ông Lộc đánh giá.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, việc rà soát các điều kiện kinh doanh được thực hiện khi Chính phủ ban hành các Nghị quyết 01, tạo sức ép nên nhiều bộ ngành cũng ban hành dồn dập các nghị định sửa đổi. 

Theo đó, có tới 25 nghị định được ban hành, sửa đổi 80 nghị định được đánh giá là bước tiến lớn với nhiều bộ ngành. "Thế nhưng cộng đồng doanh nghiệp đặt ra câu hỏi liệu sửa đổi này có thực chất dù tất cả các ngành báo cáo đạt 50%" - ông Tuấn đặt vấn đề.

Dẫn chứng là khi nói chuyện với một doanh nghiệp ngành dệt may về việc bãi bỏ Thông tư 37, liên quan đến kiểm tra hàm lượng formaldehyt với các sản phẩm dệt may từng được đánh giá là mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thay vào đó thì Thông tư 21 được ban hành lại đặt ra nhiều điều kiện kiểm tra formaldehyt lớn hơn, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thực tế này đặt ra vấn đề cải cách, rà soát, thay đổi liệu có tính bền vững hay không.

Đáng chú ý, theo ông Tuấn thì mức độ cởi mởi, công khai và tham vấn của 15 bộ ngành rất khác nhau. 

Thực tế, có bộ ngành rất cầu thị khi những cuộc họp có sự trao đổi, lắng nghe giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Song cũng có bộ ngành không có hoạt động tham vấn và việc cải cách vì sức ép của Chính phủ chứ không phải thực tâm muốn cắt giảm.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng luật pháp không phải đơn thuần đi tháo gỡ rào cản mà phải thúc đẩy sự phát triển.

Trong khi đó, động lực cải cách hiện nay là từ Chính phủ yêu cầu áp đặt xuống bộ ngành và địa phương chứ chưa có cơ quan nào tự có sáng kiến cải cách. Do đó, ông Hiếu đề nghị những đơn vị sự nghiệp có chức năng kiểm tra, kiểm nghiệm, nên tách ra khỏi các bộ ngành và đưa ra cho khu vực tư nhân làm.

Chủ tịch VCCI cho biết Chính phủ đang tập trung cải cách thể chế nên đã giao VCCI nhiệm vụ tập hợp, rà soát lại những bất hợp lý trong môi trường pháp lý về kinh doanh để từ đó có kiến nghị cải thiện môi trường kinh doanh thời gian tới.

Do đó, sau hội nghị này VCCI sẽ kiến nghị sửa đổi luật nhiều luật trong 1 luật. Bởi hiện nay có nhiều quy định mà cả doanh nghiệp và bộ ngành, địa phương thấy bất hợp lý nhưng nếu đợi sửa luật sẽ rất lâu, nên việc sửa đổi cần làm ngay.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên