13/06/2024 18:22 GMT+7

Con gái nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: 'Tro cốt cha tôi đã về với quê hương sông Bùng'

Chị Nguyễn Thu Hương - con gái cả nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo - nói với Tuổi Trẻ Online, từ giờ cha chị đã về hẳn với quê hương sông Bùng.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (1947 - 2019) - Ảnh: GĐCC

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (1947 - 2019) - Ảnh: GĐCC

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo qua đời ngày 7-1-2019, linh cữu được đưa đi hỏa táng tại đài hóa thân Hoàn vũ (Hà Nội).

Lúc đó, gia đình chia sẻ, sau khi xây dựng xong khu tưởng niệm tại Nghệ An, tro cốt của nhà thơ sẽ được đưa về quê nhà.

Khởi công từ tháng 7-2022, khu tưởng niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo vừa được khánh thành ngày 12-6 tại xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

'Cha tôi đã về hẳn với quê hương'

Công trình được xây dựng ngay trong khuôn viên nhà cũ - nơi ông sinh ra và lớn lên.

Khi thiết kế khu tưởng niệm này, con trai nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo - kiến trúc sư Nguyễn Vũ Trọng Thi đã đưa vào những nét văn hóa của ba nơi chốn gắn với cuộc đời của cha mình là Huế, Nghệ An và Hà Nội.

Thơ ca, nhạc họa của ông cũng phảng phất trong hình hài khu tưởng niệm đặc biệt này.

Tượng chân dung nhà thơ - do nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn thực hiện - được đặt ở vị trí trung tâm của khu tưởng niệm.

Chị Nguyễn Thu Hương kể, lúc sinh thời, Nguyễn Trọng Tạo không nói với các con về tâm nguyện của ông sau khi qua đời.

Tuy nhiên trong những lần trò chuyện với bạn bè, ông thường chỉ vào khu vườn của mình ở quê rồi bảo sau khi qua đời ông sẽ ở đây.

"Thời điểm ông bị bệnh nặng, tôi có hỏi cha tôi về những điều mà bạn bè ông đã nói lại với tôi và ông xác nhận đúng là ông muốn được đưa về quê sau khi mất", chị Hương nhớ lại.

Chị nói: "Từ giờ, cha về hẳn với quê hương như mong mỏi bấy lâu. Khu tưởng niệm này cũng là món quà dành tặng cho quê hương Diễn Hoa".

Chất làng quê đưa Nguyễn Trọng Tạo đến đỉnh cao

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha kể, lúc nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo còn sống, ông đã nhiều lần về thăm quê hương Diễn Châu của nhà thơ.

"Anh Tạo từng được Nhà nước tôn vinh (Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012 với tập thơ Đồng dao cho người lớn và trường ca Con đường của những vì sao). 

Hôm nay, những người yêu mến anh, làng quê của anh đã tôn vinh anh thêm một lần nữa. Trong cuộc đời làm nghệ thuật, không phải nghệ sĩ nào cũng có vinh hạnh đó", ông nói.

Một góc khuôn viên khu tưởng niệm - Ảnh: SÁCH NGUYỄN

Một góc khuôn viên khu tưởng niệm - Ảnh: SÁCH NGUYỄN

Nguyễn Thụy Kha cũng nhắc lại "khoảnh khắc" bừng sáng nhất trong đời thơ Nguyễn Trọng Tạo.

"Đó là năm 1981, ông viết Tản mạn thời tôi sống. Trong bài thơ này, nhà thơ đã vượt thoát lên so với những nhà thơ cùng thời, thậm chí những đàn anh đi trước để đi tới chân lý: làm thơ, đầu tiên phải bắt đầu từ sự thật", ông Nguyễn Thụy Kha nhận xét.

Theo ông Kha, bằng tác phẩm của mình, Nguyễn Trọng Tạo chứng minh cho chúng ta thấy, là người cầm bút, "không thể không tin gì mà viết" như bài thơ Tin thì tin, không tin thì thôi năm 1991 của ông.

Nhân dịp khánh thành khu tưởng niệm, Nguyễn Thụy Kha kể thêm, trước đây ông vẫn thường nói với Nguyễn Trọng Tạo "bản thể của anh là người làng quê".

Ông Kha nói trời sinh ra con người và thánh thần, lại còn sinh thêm một loài, gọi là loài thi sĩ để kết nối thánh thần và con người. Thơ là nghiệp của Nguyễn Trọng Tạo.

"Ông trời còn giao cho anh những khả năng khác, như âm nhạc chẳng hạn. Nhạc của anh không lẫn vào đâu. Thậm chí, làng quê đã đưa anh đến đỉnh cao. Ví dụ như Khúc hát sông quê, Làng quan họ quê tôi...".

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Mai sau tôi chết trong thơ...Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Mai sau tôi chết trong thơ...

TTO - Dù nổi tiếng, thơ hay nhưng trong những cuộc vui cùng bạn bè chẳng bao giờ nói đến thơ của mình, dù chỉ đọc một đôi câu, đó là Nguyễn Trọng Tạo. Gặp nhau, tay bắt mặt mừng và nụ cười luôn rạng rỡ trên môi, đó là Nguyễn Trọng Tạo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên