Bản án đồng ý cho hai bên ly hôn nhưng giao quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con gái (sinh năm 2014) cho người cha, trong khi cháu bé không hề muốn điều này.
Theo hồ sơ vụ án, ông Nguyễn Thanh T. và bà Kha Ngọc Kim Ch. (làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) kết hôn năm 2013, đến năm 2014 thì sinh cháu Nguyễn Phương L.. Do hôn nhân không hạnh phúc, năm 2018 hai bên đã sống ly thân. Bà Ch. đưa con gái về sống với cha mẹ ở TP.HCM, còn ông T. sống tại Bình Dương.
Sau đó bà Ch. có đơn xin ly hôn ông T. và xin được nuôi con. Tuy nhiên ông T. chỉ đồng ý ly hôn khi được quyền nuôi cháu L..
Bản án sơ thẩm số 26/2020 của TAND thị xã Bến Cát đã tuyên chấp nhận yêu cầu của bà Ch. cho hai bên ly hôn. Tuy nhiên, tòa buộc bà Ch. phải giao cháu L. cho cha là ông T. nuôi dưỡng.
Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, Viện KSND tỉnh Bình Dương đã có quyết định kháng nghị phúc thẩm, cho rằng việc bản án sơ thẩm tuyên cho ông T. được nuôi cháu L. là chưa xem xét toàn diện quyền và lợi ích của trẻ. Xét điều kiện thì cả ông T. và bà Ch. đều đủ điều kiện nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ.
Tòa sơ thẩm căn cứ vào vi bằng được lập ngày 15-9-2019 để xác định người nhà bà Ch. gây khó khăn cho ông T. khi thăm con. Tuy nhiên, Viện KSND tỉnh Bình Dương cho rằng nội dung vi bằng này không chỗ nào ghi nhận bà Ch. hay người thân của bà cản trở quyền thăm nom con gái của ông T..
Vi bằng này thể hiện ông T. đến thăm và muốn đón cháu đi chơi, nhưng cháu L. khóc không muốn đi. Vào ngày này, ông T. đến nơi bà Ch. sinh sống thì được một người đàn ông (chủ nhà và là ông ngoại cháu L.) mời vào nhà.
Khi ông T. ngỏ ý muốn được thăm con thì ông ngoại cháu L. cho biết phải chờ bà Ch. về, vì ông không có quyền quyết định việc liên quan đến cháu ngoại. Viện kiểm sát cho rằng hành động của ông ngoại cháu L. không thể hiện việc ngăn cản ông T. thăm con gái.
Hơn nữa, Viện KSND tỉnh Bình Dương cũng cho rằng từ khi sinh ra cháu L. đã sống với mẹ, và bà Ch. chính là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con.
Việc cháu gặp ông T. nhưng cháu khóc không muốn đi chơi cùng ông cho thấy việc tòa sơ thẩm quyết định giao cháu cho ông là làm xáo trộn cuộc sống và ảnh hưởng đến tâm lý của cháu.
Ngoài ra, kháng nghị của viện kiểm sát còn cho thấy phía ông T. cũng không cung cấp được bằng chứng hay hình ảnh nào thể hiện việc bà Ch. nuôi cháu L. thì ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của cháu.
“Việc cháu L. là con gái, lại còn nhỏ tuổi nên việc giao cho người mẹ nuôi dưỡng là phù hợp”, kháng nghị của Viện KSND tỉnh Bình Dương nêu.
Được biết ngoài kháng nghị của viện kiểm sát, bà Ch. cũng đã có đơn kháng cáo đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng giao cháu L. cho mẹ chăm sóc nuôi dưỡng.
Trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm, bà Ch. cũng đã cung cấp thêm bằng chứng là clip, hình ảnh cho thấy vào sinh nhật của cháu L. (4-8-2020), ông T. đến nơi ở của bà Ch. nhưng không vào nhà, mà chỉ để bánh và quà trước cửa rồi đi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận