26/07/2009 04:58 GMT+7

Con gái là con người ta!

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (Đồng Nai)
LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (Đồng Nai)

TT - Nó là con gái, lại sinh vào năm Dần, mẹ nó mất một tuần sau khi sinh nó vì chứng hậu sản. Bố đổ lên đầu nó, cho vì nó mà mẹ chết.

Sau bảy ngày ngắn ngủi sống trong hơi ấm yếu ớt, ngàn ngạt của mẹ là chuỗi ngày dài nó chống chọi với sự đói khát. Từ khát sữa, khát nước cơm, nó dần dần cảm nhận nỗi khát khao tình thương ít ỏi của người bố suốt ngày đắm chìm trong rượu và thuốc lá.

Nó cũng như những chị gái trước đó, đều ra đời ngoài sự mong đợi của bố và bà nội. Ngày bà nội mất nó chưa chào đời, nhưng sau này nghe người cô ruột nói bà mất mà không nhắm được mắt vì chưa có cháu đích tôn. Nó sống được đến hôm nay có lẽ do may mắn, do được mẹ phù hộ - như lời chị gái đầu nói với nó, bởi bố nó dường như không thấy sự tồn tại của nó trong gia đình.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, khi nó lên 10 tuổi bố vẫn không tục huyền. Những chị gái của nó lần lượt bị bố bắt buộc phải nghỉ học, đi làm thuê kiếm tiền và ép lấy chồng sớm. Những người chị của nó lấy chồng vừa muốn tránh không khí ngột ngạt trong gia đình, vừa muốn tránh lời mắng mỏ không thương tiếc của bố. Ông vẫn thường gọi chị em nó là một lũ ăn hại, những “trái bom nổ chậm” trong nhà, đứa nào lấy được chồng như giải quyết xong món nợ.

Khi trong nhà chỉ có hai bố con, thái độ bố nó thay đổi hẳn. Ông im lặng một cách đáng sợ. Ngày chị gái kế nó đi lấy chồng cũng là ngày nó nghỉ học, mặc dù cô giáo chủ nhiệm và bạn bè có đến động viên nó mấy lần. Nó làm phục vụ cho một quán cơm, vất vả, đầu tắt mặt tối suốt ngày chỉ để kiếm đủ ba bữa ăn cho hai bố con. Trước đây còn sức khỏe, bố nó thường đi phụ hồ. Khi không có ai thuê ông chuyển sang đi thồ hàng.

Song nhìn vẻ tiều tụy già trước tuổi do nghiện rượu, thuốc lá của bố nó và chiếc xe cà tàng, không mấy ai tin tưởng để thuê ông chở. Thế là ông trở thành người thất nghiệp, suốt ngày nằm dài ở nhà, lảm nhảm chửi đổng những đứa con gái vô tích sự. Nó cũng dần quen, không phản ứng trước bất kỳ câu nói nào của bố.

Dù chưa được bố một lần chăm sóc, vuốt ve, nhưng tình cảm của nó dành cho bố lạ lắm, không dứt ra được. Trong tâm thức nó vẫn nguyện sẽ không lấy chồng, không bỏ ông mà đi như những chị gái của nó.

Có những bữa khuya đi làm về nó phát hiện bố nhịn đói, không ăn chút cơm nào là nó buồn lắm, những dòng nước mắt thay nhau tuôn rơi lã chã, mà nó vẫn không biết làm sao nói với bố một lời yêu thương để động viên, bởi từ nhỏ đến giờ có ai dạy nó cách bày tỏ tình yêu thương với người khác đâu! Rồi một lần bố nó bỏ nhà đi hai ngày, nó xin bà chủ quán cơm nghỉ việc để đi kiếm bố. Nói là đi kiếm nhưng nó có biết kiếm ở nơi đâu. Lại nhà cô ruột thì cô bảo từ lâu đã cắt đứt quan hệ với bố rồi, nó lặng lẽ ra về.

Về nhà, nó không giấu được niềm vui khi thấy bố lại hiện diện trong nhà như chưa có chuyện gì xảy ra. Nó ngạc nhiên khi nghe bố nó nói: “Mày đi kiếm tao làm gì? Biết tao ở đâu mà kiếm?” (bố nó thường xưng “tao, mày” với mấy chị em nó). Nó lấy hết can đảm để nói với bố rằng ông đi đâu thì cho nó đi theo cùng, nó sẽ thay các chị chăm sóc sức khỏe ông khi già yếu. Nó càng ngạc nhiên vì lần đầu tiên nó thấy những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt tưởng chừng khô khốc của bố.

Bố nó ngồi thụp xuống bậc cửa giữa nhà nói như rên rỉ: “Tao rất thương mẹ chúng mày, bà cũng thương tao, chịu đựng tao nên bà mới chết sớm vậy, tao không biết quý những gì mình có. Mẹ mày sinh toàn con gái, rồi chết sớm chính là quả báo của cuộc đời tao. Con gái là con người ta! Sao mày không như các chị gái mày bỏ tao mà đi cho rảnh nợ. Tao có nuôi mày được bữa nào đâu”.

Giọng ông nói gằn lại như hết hơi, nhìn ông càng tiều tụy. Nó quỳ lạy trước mặt bố mình nói như van xin: “Các chị con cũng thương bố, nhưng sợ bố mắng nên không dám về. Bố không có con trai thì hãy cho con sống cùng với bố, con sẽ làm thuê bất cứ việc gì để bố con mình rau cháo có nhau. Người ta nói “một giọt máu đào hơn ao nước lã” bố ạ!”.

Lần đầu tiên nó cảm nhận sự hạnh phúc khi nghe bố nó nói: “Mày giống mẹ mày nhiều lắm, nhất là ở tính cần cù, chịu khó. Đi theo tao chắc mày sẽ khổ suốt đời. Thì ra trời vẫn có mắt cho tao một đứa con gái hiếu thảo, thế là tao không phải sống lầm lũi vì không có con trai nối dõi tông đường nữa!”.

Trong đầu nó nhen nhóm một hình ảnh đẹp là nó sẽ gọi các chị gái về cùng làm một mâm cơm ấm cúng tưởng nhớ người mẹ đã khuất, và khấn rằng bà hãy yên tâm nơi chín suối vì bố nó đã có mấy chị em thay nhau chăm sóc.

Chuyên mục “Chuyện đời tự kể 2009” tiếp tục nhận được tin bài của các bạn đọc:

Phạm Trọng Huynh, Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Việt Tiến, Nguyễn Hữu Thịnh, Lâm Thị Huỳnh Hoa, Trần Thị Ngọc Diễm, Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Thị Lệ Loan, Nguyễn Thế Bình, Nguyễn Đặng Thảo Quyên, Võ Thị Liên, Phạm Như Duy, Lê Bình, Lưu Văn Thúc, Nguyễn Xuân Ba, Nguyễn Thị Ngọc Hân, Phạm Thị Xiêm, Cao Huỳnh Mai, Võ Thị Bạch Phượng (TP.HCM), Phan Hà (Hà Nội), Trần Viết Long (Huế), Trần Thị Sáng, Võ Duy Nghi, Võ Như Thái (Đà Nẵng), Huỳnh Thanh Hương, Hoàng Văn Cận (Khánh Hòa), Hân Hoan (Ninh Thuận), Đặng Minh Hân, Vũ Thế Học (Đồng Nai), Nguyễn Ngọc Sáng, Phạm Đức Thanh Sơn (BR-VT), Đỗ Thị Thùy Dung, Huỳnh Thị Minh Tánh (Tây Ninh), Nguyễn Tấn Lợi, Huỳnh Văn Lượng, Nguyễn Ngọc Thi, Đặng Thị Huệ (Tiền Giang), (Bến Tre), Hồ Đức Duy (Vĩnh Long), Trần Thuận Văn (Cần Thơ) và Nguyễn Hoa, Le Kinh Tai, Nguyễn Thị Hoàng Trúc, Nhật Lệ, Vạn Xuân, Hanhphuccuamotthienthan_37hoa...

Chúng tôi xin cảm ơn và mong tiếp tục nhận được bài tham dự. Bài gửi theo đường bưu điện xin ghi rõ: Bài gửi cho chuyên mục Chuyện đời tự kể 2009 hoặc email: chuyendoituke@tuoitre.com.vn.

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (Đồng Nai)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên