31/03/2013 10:00 GMT+7

Con đường khát vọng...

ĐỨC BÌNH - MINH QUANG
ĐỨC BÌNH - MINH QUANG

TT - “Biên phòng hảo vị trù phương lược. Xã tắc ưng tu kế cửu an” - câu này có nghĩa: “Biên phòng cần có phương lược tốt. Đất nước nên lo kế lâu dài”. Đây là phương sách biên phòng của vua Lê Thái Tổ đưa ra sau khi thành lập triều Lê năm 1428.

Kỳ 1: Điểm xuất phát: cột mốc 314 Hà Tiên... Kỳ 2: Nén nhang dọc đường biên giới Kỳ 3: Xuyên rừng già theo đường tuần tra

Từ xa xưa đó, cha ông ta đã ước mơ có một biên cương vững chắc, hòa bình, ổn định. Và hôm nay, ước mơ, khát vọng đó đang trở thành hiện thực với dự án 47.

Đường biên xa lắc

Con đường theo đề án phác thảo dài 14.250km, trong đó xây dựng mới hơn 10.196km, qua 25 tỉnh. Đường tuần tra biên giới sẽ được làm dọc biên, trong khu vực vành đai biên giới ở phạm vi tối đa 1.000m tính từ đường biên giới quốc gia trở vào. Nền đường rộng 5,5m, mặt đường rộng 3,5m, kết cấu bằng bêtông ximăng. Các công trình khác như cầu cống... đều được xây dựng theo tiêu chuẩn vĩnh cửu. Tính đến hết năm 2012, các lực lượng xây dựng đường tuần tra biên giới đã hoàn thành được 1.000km. Dự kiến đến hết năm 2014 sẽ hoàn thành thêm 500km.

Khoảng 10 năm trước, mỗi lần theo chân các chiến sĩ biên phòng lên mốc là một lần “hành xác”. Đứng bên cột mốc, nhìn qua bên kia biên giới, tay quệt mồ hôi, miệng hổn hển thở và trộm nghĩ: bao giờ ta mới có đường tuần tra để ôtô, xe máy có thể đi được.

Còn nhớ đầu năm 2009, khi chúng tôi chuẩn bị lên đồn biên phòng Lũng Làn (xã Sơn Vỹ, Mèo Vạc, Hà Giang), lúc đó thượng tá Nguyễn Văn Đức, phó chủ nhiệm chính trị bộ đội biên phòng Hà Giang, đã động viên: nếu các phóng viên lên được Lũng Làn thì coi như cơ bản hiểu được lính biên phòng, bởi mọi khó khăn đều bắt đầu từ con đường...

Như chưa yên tâm, chuyến đi đó thượng tá Đức còn điều động đại úy Bùi Quang Cần, một người từng có nhiệm kỳ bốn năm công tác tại đồn Lũng Làn, đi theo dẫn đường. Cũng là đường đèo dốc chênh vênh, nhưng từ đồn Lũng Cú (Đồng Văn) sang thị trấn huyện Mèo Vạc 50km chúng tôi chỉ mất hơn một giờ thì cung đường gần 50km từ huyện Mèo Vạc vào đến Lũng Làn lại “ăn” mất hơn bốn giờ. Mà nhiều đoạn đường đại úy Cần phải đỗ lại nhìn ngắm để “định vị”, hỏi thăm vì sợ chạy nhầm sang đường của... Trung Quốc.

Chúng tôi đã nhiều lần đến A Pa Chải (xã Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên), khu vực ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, và lần nào trong câu chuyện thì cán bộ, chiến sĩ nơi đây đều bày tỏ ước mơ sớm có một đường tuần tra biên giới để ôtô, xe máy có thể đi lại được. Cột mốc 0 nằm trên đỉnh dãy núi Khoang Lao San (cao trên 1.860m) chỉ cách đồn 3-4km đường chim bay, nhưng đến thời điểm này người lính đồn A Pa Chải vẫn phải hằng ngày leo bộ tuần mốc mất 4-5 giờ cả đi lẫn về.

Trung tá Nguyễn Đức Thắng, đồn trưởng đồn A Pa Chải, kể: những năm 1990, mốc 0 thuộc phạm vi đồn Leng Su Sìn quản lý. Mốc cách đồn khoảng 40km, thời đó để đi tuần hết 40km đường biên tới mốc 0 thì mất ít nhất 10 ngày hoặc nửa tháng. Giờ lập thêm đồn mới, phạm vi tuần mốc ngắn lại, nhưng theo như lời trung tá Phạm Bá Trìu - đồn trưởng đồn Leng Su Sìn (xã Leng Su Sìn, Mường Nhé) - mỗi lần tuần mốc, nếu xuất phát từ đồn vẫn phải mất 4-5 năm ngày đi mới về. Chính vì thế đồn phải lập thêm nhiều tổ, đội “cắm” ở trong các thôn, bản...

Chẳng nói đâu xa, một ngày cuối năm 2012 chúng tôi được thiếu tướng Hoàng Kiền, giám đốc Ban quản lý dự án đường tuần tra biên giới (BQL 47), cho tham gia đoàn công tác của BQL 47 đi kiểm tra các cung đường đang thi công ở khu vực Tây Bắc. Trước giờ xuất phát, đại tá Dương Hữu Sơn - trưởng phòng quản lý thi công 1-BQL 47 - đã cảnh báo: “Lịch trình đi năm ngày nhưng có khi lại kéo ra một tuần đến 10 ngày đấy, bởi đường biên giới khó khăn thế nào thì nhà báo biết rồi”.

Và đúng như lời đại tá Sơn, chỉ có hơn 60km từ trung tâm huyện Sốp Cộp (Sơn La) lên tuyến biên giới thuộc địa phận xã Mường Lèo nhưng chúng tôi mất gần 10 giờ. Đường lên tuyến phải băng qua đồng lầy, vượt những dốc cao trơn trượt một bên là vực thẳm. Dù là chiếc Land Cruiser 4500 hai cầu cực khỏe, chuyên leo núi, nhưng nhiều đoạn đường thiếu tướng Hoàng Kiền cũng phải xuống đẩy xe. Có những đoạn ôtô không thể qua được, chúng tôi phải sang xe Uoát, rồi “vua địa hình” Uoát cũng thua, lại phải chuyển sang đi xe xích... cuối cùng là đi bộ. 7g sáng đi, chỉ hơn 60km nhưng mãi đến 16g chiều chúng tôi mới tới được tuyến đường biên đang thi công. Đến lúc này, chúng tôi mới hiểu phần nào quyết tâm cao ngất để có một con đường chạy dọc dải đất VN...

Hình hài một con đường...

Theo thiếu tướng Hoàng Kiền, đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chính là người “đặt nền móng” để biến ước mơ về một con đường tuần tra biên giới thành hiện thực.

Thiếu tướng Kiền kể cuối những năm 1980, khi đại tướng Phạm Văn Trà đang làm tư lệnh Quân khu 3. Sau nhiều lần tới vùng biên giới Bình Liêu, Móng Cái (Quảng Ninh), ông đã rất băn khoăn khi nhận thấy dọc đường biên có nhiều nơi sâu vào nội địa 5-7 km mà trống vắng bóng nhà dân, người dân. Trong khi đó, bên kia biên giới, họ đã có đường đi chạy dọc đường biên, dân cư ở khá đông. Ý tưởng khi đó của vị tư lệnh Quân khu 3 là phải đưa dân ra sát biên giới, mà muốn đưa dân ra được thì phải có đường đi.

Thêm một lý do nữa thôi thúc đại tướng Trà khi đó. Đó là dịp đầu năm 1988, tại một cuộc họp ở Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Biên phòng báo cáo bị mất một cột mốc ở Quảng Ninh, và người tìm ra cột mốc là một già làng gần 80 tuổi. Câu chuyện ấy càng thôi thúc ý tưởng đưa dân ra biên giới của vị tư lệnh Quân khu 3. Đại tướng Trà bàn với lãnh đạo quân khu việc đưa bộ đội ra trước, tổ chức rà mìn, làm nương rẫy, dựng lán trại. Sau đó, Quân khu 3 bàn với tỉnh Quảng Ninh để đưa dân về các bản cũ sát biên giới. Người dân được làm nhà, giao đất, giao rừng quản lý, đồng thời phối hợp với bộ đội quản lý đường biên, cột mốc.

Thấy “ý tưởng” của mình thành công bước đầu, vị tư lệnh Quân khu 3 Phạm Văn Trà đặt vấn đề với Bộ Quốc phòng và được đồng ý cho Quân khu 3 triển khai xây dựng những đoạn “đường vành đai biên giới” đầu tiên ở Quảng Ninh. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước sau khi đi thăm, kiểm tra các cung “đường vành đai biên giới” đều khen ngợi cách làm này và yêu cầu nhân rộng. Chính vì thế mà đến năm 2005, cả nước đã có trên 20 dự án “đường vành đai biên giới”, với gần 500km do bộ đội biên phòng các địa phương thực hiện.

Theo những tài liệu của BQL 47, sau những vụ bạo loạn ở Tây nguyên hồi đầu năm 2001 và tháng 4-2004, Bộ Quốc phòng đã quyết định triển khai xây dựng tuyến đường tuần tra biên giới ở Đắk Nông (11km) và Bình Phước (51km). Sau đó đến tháng 11-2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã chủ trì một cuộc họp để nghe Bộ Quốc phòng báo cáo về đề án củng cố và xây dựng tuyến biên giới đất liền. Sau khi nghe báo cáo, thủ tướng chỉ đạo “từng bước củng cố và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường tuần tra biên giới, từ đồn đến đồn, từ đồn đến mốc, từ mốc đến mốc”.

Đến tháng 12-2006, Chính phủ đã ra nghị quyết về đường tuần tra biên giới. Ngày 14-3-2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định phê duyệt đề án “Quy hoạch xây dựng đường tuần tra biên giới đất liền giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo”.

___________

Kỳ tới: Những người mở tuyến

A1HxINjf.jpgPhóng to
Đường lên biên giới thuộc địa phận huyện Sốp Cộp (Sơn La) khó khăn như thế này đây - Ảnh: Đức Bình
GA5X5vG6.jpgPhóng to
Thi công đường vào đồn biên phòng Pò Mã (Lạng Sơn) - Ảnh: Vũ Quang Thái
ĐỨC BÌNH - MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên