30/04/2011 09:30 GMT+7

Con đã về đây!

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - “Đã 24 năm xa mẹ và gia đình, hôm nay trở lại không gặp được mẹ, con vẫn giữ đúng lời hứa thắng lợi con sẽ về với mẹ. Thắng lợi sắp đến rồi, mẹ và gia đình cứ bình tâm đợi con về...”.

dLljoL7H.jpgPhóng to

Ông Lâm bên vợ con trong một lần về phép - Ảnh tư liệu do Q.Việt chụp lại

Đó là dòng nhật ký thương yêu của sĩ quan liên lạc Nguyễn Văn Lâm, thành viên đoàn đại biểu quân sự Việt Nam dân chủ cộng hòa ở trại Davis. Ước vọng lớn nhất của người sĩ quan này cũng như bao chiến binh khác là ngày đoàn tụ hòa bình, không còn chiến tuyến, phe này phe nọ và tang tóc, chia ly...

36 năm trôi qua, đạn bom đã chấm dứt từ lâu, nhưng mỗi năm cứ đến gần ngày 30-4, đại tá Nguyễn Văn Lâm lại lặng lẽ giở lại những kỷ vật chiến tranh của mình. Trong đó có quyển nhật ký ố màu thời gian đã theo ông suốt từ khi chia ly gia đình, rời miền Nam tập kết ra Bắc cho đến ngày hòa bình 30-4-1975.

Những ngày khó quên

Ông Lâm còn đi tìm người em ruột là sĩ quan cảnh sát chính quyền cũ ở Mỹ Tho. Có lẽ nhìn xa thấy bóng người mặc quân phục bộ đội nên em ông lên gác lánh mặt. Đến khi nhận ra anh, người em nhào xuống ôm anh và bật khóc: “Anh Ba, anh Ba ơi”. Ông Lâm cũng ứa nước mắt: “Thôi, em về lại gia đình mình. Hòa bình, thống nhất rồi, không còn thù hằn, không còn phe này phe kia nữa đâu”.

Hồi tưởng kỷ niệm, đại tá Nguyễn Văn Lâm xúc động nhớ mãi thời mốc lịch sử của mình. Sáng 26-1-1973, ông đang ở đơn vị nghe ngóng tin Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh và nghĩ tết này có thể được ở bên vợ con. Lúc đó, ông đã có hai con nhỏ là Nguyễn Thành Đồng và Nguyễn Thị Hải Yến. Mỗi khi về phép, các con cứ bám chặt lấy bố bi bô hỏi: “Bao giờ bố ở nhà luôn với các con?”. Ông phải quay mặt đi, giấu xúc động. Câu hỏi của các con cũng là ước vọng lớn nhất của ông!

8g sáng, sĩ quan Nguyễn Văn Lâm nhận lệnh đi công tác gấp. Tất cả đều bất ngờ và bí mật. Ông cũng chẳng kịp nhắn nhủ, chia tay vợ con. Xe chở ông qua các phố phường Hà Nội vào ngày cuối năm. Trời thủ đô đã lặng tiếng máy bay đánh phá. Cờ rợp đỏ khắp nơi. Mãi sau ông mới được biết mình sẽ là thành viên của đoàn đại biểu quân sự Việt Nam dân chủ cộng hòa vào Sài Gòn. Ông bồi hồi suốt bao năm mới được trở về quê mẹ, nhưng chưa thể biết ngày nào mới đoàn tụ...

Trước khi đi, nhà thơ Tố Hữu đến dặn dò, tặng mỗi người một bài thơ Việt Nam, máu và hoa mà đến giờ ông Lâm vẫn xúc động nhớ những câu thơ đúng tâm trạng mình: “...Ta lại về ta những đứa con. Máu hòa trong máu, đỏ như son. Sài Gòn ơi! Huế ơi! Xin đợi. Tái hợp, huy hoàng cả nước non”. 7g sáng 28-1-1973, xe lăn bánh về sân bay Gia Lâm.

Cảm giác thật khó tả khi mọi người lần đầu tiên bước lên chiếc C130 do chính phi công Mỹ lái. Máy bay cất cánh lượn một vòng như chào Hà Nội rồi bay dọc biển vào Sài Gòn. Ông Lâm lặng người xúc động nhìn qua ô cửa kính. Quê hương thật đẹp, phải chi đừng bị bom pháo cày xới.

Trở lại quê hương

10g sáng, máy bay hạ cánh xuống đường băng Tân Sơn Nhất. Bên ngoài dày đặc cảnh sát và quân đội Sài Gòn, kể cả xe tăng, thiết giáp như muốn phủ đầu tinh thần phái đoàn miền Bắc. Tuy nhiên, mọi người vẫn vững vàng, oai nghiêm trong quân phục sĩ quan miền Bắc. Chính ông Lâm là người đầu tiên ra máy bay, bước thẳng qua mặt các cảnh sát Sài Gòn và nghiêm nghị nói: “Tôi là đại úy Nguyễn Văn Lâm, sĩ quan liên lạc bốn bên của đoàn đại biểu quân sự Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Một thiếu tá Mỹ trả lời: “Yêu cầu đoàn các ông khai theo mẫu giấy này”.

Ông Lâm đọc các yêu cầu nhiều quá, nên trả lời dứt khoát: “Chúng tôi là đoàn sĩ quan quân sự Việt Nam dân chủ cộng hòa đến Sài Gòn để thực thi Hiệp định Paris, gìn giữ hòa bình, không phải kê khai bản lý lịch dài dòng như vậy”. Các cảnh sát người Việt xì xào: “Tay đại úy Bắc Việt này hiên ngang, làm phách quá”. Nhưng cuối cùng họ cũng phải chấp thuận bản giới thiệu ngắn gọn. Đó là chiến thắng đầu tiên của phái đoàn ngay khi vừa bước xuống sân bay.

Những ngày làm việc ở trại Davis, Tân Sơn Nhất và Biên Hòa là sự đấu trí vừa cương quyết vừa khôn khéo. Ông Lâm nhớ kỷ niệm với đại úy Toản, sĩ quan liên lạc Việt Nam cộng hòa có giọng lơ lớ gốc Bắc. Giờ giải lao, ông tranh thủ tìm hiểu ông Toản: “Lẽ ra phải gọi ông Toản cho lịch sự ngoại giao, nhưng trong nhà với nhau, ta gọi anh em cho tình cảm”.

Ông vừa nói thì ông Toản trả lời vui vẻ: “Tôi cũng quê Hà Nội. Mẹ tôi không biết thế nào, nhưng chị chắc còn sống. Tôi bị đi lính hồi 1954 rồi phải vào đây...”. Ông Lâm thân tình: “Thế chị ruột anh ở phố nào Hà Nội? Cần thư từ tôi liên lạc giúp cho”. Ông Toản kể địa chỉ ở phố Hàng Ngang rồi tâm sự mình đã đi lính gần 20 năm, giờ muốn kết thúc để về với vợ con, theo chiến sự hoài mệt quá.

Sau đó đại úy Toản còn nói nhỏ với ông Lâm: “Anh em chúng tôi nói các ông vào tới trong này là các ông đã chiến thắng rồi”. Thấy ông Toản biểu lộ cảm tình, ông Lâm nhờ người tìm hiểu giúp gia đình ông ta ở Hà Nội. Chị ông Toản đã viết thư gửi cho em qua đường phái đoàn liên lạc. Ông Lâm tinh tế gói lá thư cùng với mấy phong kẹo Hải Hà trong tờ báo Quân Đội Nhân Dân, kín đáo chuyển cho ông Toản xem để ông hiểu thêm về miền Bắc. Ông Toản ngân ngấn nước mắt. Sau này đột ngột không thấy ông Toản làm sĩ quan liên lạc nữa, không hiểu ông bị chuyện gì. Ông Lâm bùi ngùi thầm nghĩ ước mơ hòa bình, đoàn tụ thật thiêng liêng và đâu chỉ của riêng ai!

fLHEccGZ.jpgPhóng to
Đại úy Nguyễn Văn Lâm bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất trước các cảnh sát chính quyền Sài Gòn năm 1973 - Ảnh tư liệu do Q.Việt chụp lại

Tìm mẹ

Những ngày có mặt trong phái đoàn đại biểu quân sự Việt Nam dân chủ cộng hòa, ông Lâm cũng lặng lẽ dò hỏi người mẹ đang sống ở Sài Gòn. Nhưng quy định rất nghiêm ngặt, ông không thể rời khỏi trại Davis. Ngày 26-2-1973, phái đoàn miền Bắc được chuyển từ trại Davis, Tân Sơn Nhất về Biên Hòa.

Xe đi qua các đường phố Sài Gòn, họ rất xúc động khi thấy nhiều đồng bào vẫy tay chào thân thiện. Ngang qua đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám), ông Lâm nén khóc, cố dõi tìm hình bóng mẹ thân yêu của mình nhưng vô vọng. Biết tin hình như mẹ đang ở đây nhưng ông không thể nào đi tìm được! Đêm đó, những giọt nước mắt âm thầm đã rơi trên trang nhật ký của vị sĩ quan liên lạc này.

Hòa bình thật thiêng liêng

Ngược ra Bắc, ông đón vợ con trở về quê hương miền Nam. Nước mắt người lính xa nhà lại lặng lẽ chảy khi nhìn thấy con thơ đang ngồi đợi cha ở bậu cửa. Trên đường về quê, ông Lâm xúc động nhìn cảnh những người lính mới hôm qua còn nắm chặt súng, giờ đã nhẹ nhàng âu yếm ôm vợ con, trong đó có cả những người lính phía bên kia. Hòa bình thật thiêng liêng! Và ngày đoàn tụ yêu thương đâu của riêng ai mà là ước vọng của cả dân tộc này...

Viết về mẹ, ông rủ rỉ tâm tình như đang được ngồi bên mẹ, được mẹ xếp cho chiếc khăn, tấm áo, yêu thương dặn dò con trước lúc con đi xa. “Mẹ ơi! Con đã về đây rồi... Mẹ yên lòng khi hết tiếng súng, đất nước thanh bình, con sẽ về gặp mẹ và gia đình...”. Suốt đêm đó, ông Lâm cứ chợp mắt là lại thấy hình bóng mẹ mình, mơ mẹ đang ngồi ở cửa mỏi mòn đợi con đi bộ đội trở về!

Ngày 30-4-1975, hòa bình đã đến. Đất nước thống nhất, ông Lâm cũng như bao nhiêu người Việt khác chảy nước mắt khóc trong mừng vui. Làm việc với các sĩ quan, binh lính Sài Gòn ra trình diện, ông cũng thấy sự xúc động rưng rưng trên ánh mắt nhiều người.

Chiến tranh, loạn lạc, gia đình tang tóc, phân ly. Hòa bình để được đoàn tụ, để được nâng chén nước cho mẹ, để được ôm vợ vào lòng, dẫn con đến trường là ước mơ không chỉ người lính mà của cả dân tộc này. Suốt nhiều ngày liền, ông Lâm dò dẫm từng ngóc ngách để tìm mẹ trên đường Lê Văn Duyệt, quận 3. Gặp ai ông cũng hỏi thăm có biết nhà mẹ ở đâu không. Rồi một hôm, người phụ nữ bán hàng ven đường đã chỉ ông ngôi nhà có bà cụ nét mặt rất giống ông.

Hồi hộp, ông Lâm tất tả tìm đến ngôi nhà lụp xụp trên kênh nước đen và sững sờ thấy chị mình đang ngồi trước cửa. Vừa thấy bóng em, chị đã nhận ra ngay rồi vừa khóc vừa hét lên: “Mẹ ơi, mẹ ơi. Thằng Lâm đã về, đã về thiệt nè mẹ”. Mẹ ông đang ở sau nhà, lập cập bước ra rồi gần như quỵ xuống vì xúc động, khi nhìn thấy bóng dáng người con trai thân yêu đã biền biệt suốt mấy chục năm tưởng không thể trở về được nữa.

Rồi mẹ khóc, chị khóc, ông cũng khóc! Nước mắt hạnh phúc của đoàn tụ, của tình cảm máu thịt gia đình chảy tràn trên gương mặt từng người. Ông Lâm nắm chặt lấy bàn tay gầy gò của mẹ rưng rưng nói: “Lần này con về thật, về luôn với mẹ rồi, mẹ ơi!”.

Trong góc nhà, một thanh niên đứng lặng lẽ nhìn ông nhưng không dám lại gần. Chị ông phải kêu ra chào, rồi ngậm ngùi nói đó là con chị bị bắt quân dịch, đi biệt động quân ở Tây Ninh, kết thúc chiến tranh đã trốn về đây. Ông Lâm giơ tay ra với cháu: “Thôi, chiến sự chấm dứt rồi, con đừng sợ, đừng ngại nữa, cứ ở lại với gia đình mình”.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên