15/03/2020 09:15 GMT+7

Con cái hòa thuận, cha mẹ ngủ rất ngon

MINH TÂM
MINH TÂM

TTO - Ở Châu Thành, Sóc Trăng có vợ chồng ông Nguyễn Văn Trực và bà Nguyễn Thị Tư đã nắm tay nhau dệt nên câu chuyện nồng ấm tình người khi cưu mang 3 đứa trẻ mồ côi, xem như con ruột của mình.

Con cái hòa thuận,  cha mẹ ngủ rất ngon - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Trực thăm ruộng lúa - Ảnh: MINH TÂM

Đến lúc dựng vợ gả chồng, ông bà cất cho mỗi người con một căn nhà và cho hàng chục công đất, để gia đình nhỏ của các con được đủ đầy, hạnh phúc.

Dang rộng vòng tay

Ông Nguyễn Văn Trực vốn là cựu chiến binh. Sau khi trở về nhà, ông cùng vợ quần quật trên ruộng đồng. Làm dư bao nhiêu, vợ chồng đều tích cóp mua đất. Cứ vậy nhờ chí thú làm ăn, giỏi tính toán nên từ 7 công ruộng buổi đầu, cả hai tích lũy được 600 công đất. 

Cuộc sống khá giả, vợ chồng tích cực tham gia công việc thiện nguyện ở địa phương như phát gạo, góp tiền làm lộ, xây cầu.

Nhưng lúc gia cảnh còn nghèo khó, dù đang có 3 con nhưng vợ chồng ông vẫn đưa 3 đứa trẻ mồ côi cha mẹ về nuôi dưỡng. Số là 35 năm về trước, bà Tư thấy đứa trẻ tên Nguyễn Văn Hùng, 14 tuổi, da đen sạm, tóc khét nắng, suốt ngày dầm mưa dãi nắng chăn vịt nhưng không được chủ trả tiền công, ngoài 2 buổi cơm sáng chiều. Bà Tư hỏi han giúp đỡ. 

Rồi khi biết được đứa trẻ mồ côi cha mẹ, ở nơi khác đến đây chăn vịt kiếm miếng cơm khiến bà bàn với chồng nhận Hùng làm con nuôi. Ông đồng ý bởi cũng mồ côi cha từ nhỏ nên rất thấu cảm thiệt thòi của đứa trẻ khi sống thiếu thốn tình thương.

Sống ấm êm với cha mẹ nuôi được vài năm, thấy cả nhà thương mình như ruột thịt, nghĩ đến hai đứa em côi cút khổ cực ở quê nhà: đứa chăn trâu, đứa giữ em cho người, nên Hùng tâm sự mong ông bà Trực đem hai em mình về nuôi dưỡng. Vợ chồng nghe vậy tội nghiệp nên theo Hùng về quê thì thấy hai đứa nhỏ tên Nguyễn Văn Đương và Nguyễn Thị Huệ ốm tong ốm teo.

Bà Tư chia sẻ: "Lúc đó kinh tế gia đình hãy còn khó khăn, lại còn ba con ruột cũng trạc tuổi ba anh em thằng Hùng, nhưng vợ chồng tôi vẫn quyết định đem mấy đứa nhỏ về nuôi, bởi nghĩ mình dẫu gì cũng có ruộng đất, cũng có miếng ăn, còn mấy đứa nhỏ sống vầy tội quá".

Vậy là hai đứa nhỏ theo cha mẹ nuôi về mái ấm mới. Cũng may khi vừa về đến nhà, Huệ phát bệnh nặng, ông bà hộc tốc chở đi nằm bệnh viện khoảng nửa tháng. Sau khi Huệ xuất viện về nhà, bà Tư cùng con gái ruột đút từng muỗng cháo, quạt nồng từng giấc ngủ cho con gái nuôi thêm cả nửa tháng ròng, Huệ mới khỏe hẳn.

"Từ khi về làm con nuôi cha mẹ, tôi rất hạnh phúc. Mỗi khi tôi bệnh, cha mẹ, chị chăm sóc từng chút nên tôi mới khỏe, sống được tới bây giờ"- Huệ xúc động nói.

Thương con nuôi như con ruột

Tùy theo tuổi tác, ông bà phân chia ngôi thứ các con, ai lớn tuổi làm anh, ai nhỏ tuổi làm em, chứ không phân biệt con ruột, con nuôi. Hùng lớn tuổi nhất được làm anh Hai, rồi theo tuổi dài dài xuống. Vợ chồng ông dạy anh em phải thương yêu nhau, phải kính trên nhường dưới.

Ông Trực nhắc lại chuyện xưa: "Tôi dạy các con rằng anh Hai phân công và cho tiền đi học bao nhiêu, các con phải nghe theo. Nếu thấy anh Hai phân công sai, hoặc cho tiền ít, đợi cha mẹ về thưa lại với cha mẹ. Nếu anh sai thì cha mẹ sẽ trách phạt, chứ các con tuyệt đối không được cự cãi, gây gổ rồi sinh ra bất hòa với nhau".

Không chỉ dạy trẻ lễ nghĩa, phép tắc mà vợ chồng bà còn dạy trẻ tính tự lập, biết quý trọng giá trị lao động bởi ông bà đồng quan niệm mình không thể sống hoài với con được. 

Chuyện đồng áng, hai người đều dạy cho con rành rẽ, phân công công việc đều bằng nhau. Hoặc sắm cái chày các con chỉ cần ra sông trước nhà giãy chày là có cá ăn nên cũng tiết kiệm được phần nào tiền mua thức ăn. Chuyện bếp núc bà cũng dạy tường tận cho các con.

Cứ vậy nhiều năm trôi qua, với sự cưu mang dạy dỗ của vợ chồng ông, những đứa trẻ dần khôn lớn. Rồi lần lượt 6 người con được dựng vợ gả chồng. 

Tuy các con lớn, ông bà vẫn tìm cách chắt sợi dây tình cảm gắn kết các thành viên trong đại gia đình với nhau, bằng cách quy định con cháu phải họp mặt đông đủ vào dịp đám tiệc, giỗ quảy, hoặc khi cần bàn bạc vấn đề nào đó, hai vợ chồng cũng mời các con về.

"Giờ ở tuổi 66, niềm vui của chúng tôi là con cháu hòa thuận, hiếu kính với cha mẹ. Bản thân chúng tôi ráng giúp gì được cho xã hội thì giúp, bởi nhờ vậy mà cả hai thấy thân tâm an lạc, đêm ngủ rất ngon" - bà Tư nhoẻn cười.

Nghĩa tình tiếp nối

Ngoài ba người con nuôi, vợ chồng ông Trực còn nhận đỡ đầu cho bảy hộ khác. Có hộ được ông bà cho mượn đất trồng lúa, có hộ được cho mượn vốn buôn bán...

Như gia đình anh Nguyễn Thanh Hùng, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, vợ chồng anh sống bằng nghề làm thuê rày đây mai đó. Rồi tình cờ, vợ chồng anh làm thuê gần nhà ông bà.

Anh Hùng thấy hai vợ chồng ông hào sảng, nhân từ, dạy bảo điều hay nên xem ông bà như cha mẹ.

Còn ông bà thấy anh Hùng thật thà, tình nghĩa, chí thú làm ăn nên cho mượn 10 công ruộng, cho mượn vốn nuôi vịt, và cho đất cất nhà nên cuộc sống gia đình anh dần trở nên ổn định.

"Chú thím rất tốt bụng, giúp đỡ tôi rất nhiều. Nhờ chú cho đất cất nhà nên gia đình tôi mới có chỗ ở ổn định, con cái được đến trường" - anh Hùng cảm kích.

Cặp vợ chồng già 55 năm vun vén yêu thương Cặp vợ chồng già 55 năm vun vén yêu thương

TTO - Gặp nhau là cái duyên, bên nhau trọn đời là cái nợ. Ở một nơi cách xa đô thị ồn ào, giữa vườn sơri ngọt ngào có đôi vợ chồng sống bên nhau đã hơn nửa thế kỷ.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên