19/05/2022 12:28 GMT+7

Con 9 tuổi mọc ria mép, đưa khám dậy thì sớm mới biết suy tuyến thượng thận, không thể hồi phục

DƯƠNG LIỄU
DƯƠNG LIỄU

TTO - Người mẹ thấy con 9 tuổi có nhiều thay đổi về ngoại hình như mặt béo căng tròn, da đỏ, ria mép nhiều, chân tay cũng mọc nhiều lông hơn... Người mẹ lo lắng con bị dậy thì sớm, đưa con đi khám chuyên khoa nội tiết...

Con 9 tuổi mọc ria mép, đưa khám dậy thì sớm mới biết suy tuyến thượng thận, không thể hồi phục - Ảnh 1.

Một số loại thuốc chứa corticoid phổ biến được bán tại các hiệu thuốc - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Theo các bác sĩ, thói quen tự mua thuốc cho con uống, uống thuốc không có đơn của bác sĩ, uống thuốc không xem kỹ thành phần... đã khiến nhiều người gặp vấn đề về sức khỏe.

ThS Phạm Như Quỳnh, nguyên bác sĩ Bệnh viện Nội tiết trung ương, từng tiếp nhận trường hợp bé trai 9 tuổi tại Hà Nội bị suy tuyến thượng thận. Khai thác tiền sử cho thấy trẻ sử dụng quá nhiều thuốc có thành phần corticoid.

Đi khám dậy thì sớm, phát hiện con bị suy tuyến thượng thận

Trước khi đưa đi khám, người mẹ thấy con 9 tuổi có nhiều thay đổi về ngoại hình như mặt béo căng tròn, da đỏ, ria mép nhiều, chân tay cũng mọc nhiều lông hơn...

"Do con mới 9 tuổi, người mẹ lo lắng con bị dậy thì sớm, vì thế đã đưa con đi khám chuyên khoa nội tiết. Qua khai thác tiền sử người mẹ cho biết con trai bị viêm phế quản, viêm mũi từ nhỏ, thường được gia đình tự mua thuốc về sử dụng (thuốc có chứa thành phần corticoid), khi dùng thuốc này trẻ khỏi bệnh rất nhanh. Kết quả khám cho thấy, trẻ không dậy thì sớm mà bị suy tuyến thượng thận do hậu quả dùng thuốc có chứa corticoid kéo dài. Trường hợp này, trẻ đã bị suy tuyến thượng thận, không có khả năng hồi phục và phải dùng hormone thay thế cả đời", bác sĩ Quỳnh nói.

Bác sĩ Quỳnh khuyến cáo, dấu hiệu của người suy tuyến thượng thận do lạm dụng thuốc có thành phần corticoid là tăng cân, mặt tròn đỏ, da hơi mỏng. Với nam giới có thể xảy ra tình trạng mọc ria mép, lông chân tay nhiều... Khi trẻ có những dấu hiệu trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra, điều trị kịp thời.

Lạm dụng corticoid trong điều trị viêm đường hô hấp trên

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt Nga, cho biết corticoid (tên đầy đủ là glucocorticoid) là một loại thuốc ức chế miễn dịch, kháng viêm được chỉ định trong nhiều bệnh lý khác nhau.

Corticoid dùng trong điều trị có tác dụng tương tự như hormone được sản xuất bởi tuyến thượng thận (hai tuyến nhỏ nằm phía trên thận).

Hiện trên thị trường, thuốc chứa corticoid được sản xuất dưới nhiều dạng dùng khác nhau như dạng viên, dạng xịt, dạng bôi. Một thực trạng đáng lo ngại là việc các cha mẹ lạm dụng thuốc chứa corticoid khi điều trị các bệnh viêm họng, viêm amiđan, viêm phế quản, cảm sốt thông thường cho trẻ.

"Trẻ thường hay gặp các vấn đề về tai, mũi, họng. Mỗi lần như vậy, phụ huynh thường ra hiệu thuốc mua thuốc mà không có sự thăm khám, kê đơn của các bác sĩ. Các hiệu thuốc thường bán cho trẻ thuốc chứa corticoid, phổ biến nhất là các hoạt chất methylprednisolon (Medrol 4mg và hoặc 16mg), prednisone/prednisolon 5mg.

Corticoid giúp làm giảm triệu chứng viêm, sốt, đau họng nhanh chóng nên hay được các nhân viên nhà thuốc tự kê đơn cho bệnh nhân theo kiểu "cắt liều", nhưng điều này là hoàn toàn sai về nguyên tắc.

Thứ nhất, việc dùng corticoid đường uống là bắt buộc phải do bác sĩ chỉ định.

Thứ hai, corticoid không có tác dụng tiêu diệt virus hay vi khuẩn, đồng thời nó lại làm giảm sức đề kháng của cơ thể, tạo điều kiện cho mầm bệnh nhân lên, làm tình trạng viêm đường hô hấp trầm trọng hơn.

Ngoài ra, lạm dụng corticoid về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ. Những tác dụng phụ nghiêm trọng có thể kể ra như tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, glaucoma, chậm lành vết thương, chậm lớn, suy tuyến thượng thận. Thực tế đã có nhiều trường hợp trẻ gặp những biến chứng do sử dụng corticoid kéo dài", bác sĩ Hoàng thông tin.

Cẩn thận kem bôi trị muỗi, trị ngứa

Theo ThS Phạm Như Quỳnh, nếu bệnh nhân dừng thuốc có thành phần corticoid, điều trị, can thiệp sớm có thể giúp tuyến thượng thận hồi phục lại bình thường nhưng cũng có trường hợp mãn tính, tuyến thượng thận không thể hồi phục nữa".

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho biết thêm, ngoài corticoid đường uống, các loại kem bôi chứa corticoid cũng thường bị cha mẹ lạm dụng khi trẻ bị ngứa, muỗi đốt, rôm sảy, mụn nhọt, nứt nẻ... trên da. Các loại kem này thường chứa các corticoid thông dụng như hydrocortison, clobetasone, betamethasone, triamcinolon... dưới các tên biệt dược khác nhau như Eumovate, Deumovate, Fucicort, Gentrisone...

Khi sử dụng các loại thuốc này, triệu chứng viêm da, ngứa, mẩn đỏ biến mất rất nhanh. Do có hiệu quả rõ rệt nên một số cha mẹ có xu hướng lạm dụng, nhất là khi chúng được bày bán rất sẵn tại hiệu thuốc với giá thành vừa phải và dễ mua. Việc này gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm không kém như teo da, rạn da, xuất huyết dưới da, khiến vết thương lâu lành, gây phát ban trứng cá đỏ, tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm nấm, ký sinh trùng, nhiễm virus...

Khi nào dùng corticoid cho trẻ

Theo bác sĩ Hoàng, thuốc chứa corticoid thường được kê đơn khi điều trị cho trẻ có bệnh tự miễn (bệnh lupus ban đỏ, vẩy nến, viêm cầu thận mãn tính...), dự phòng hen phế quản, dị ứng nặng, bệnh lý ngoài da và một số bệnh lý hô hấp cấp tính ở trẻ có mức độ nghiêm trọng như viêm thanh quản cấp, viêm mũi dị ứng nặng... Tuy nhiên, việc sử dụng phải được sự hướng dẫn chi tiết của bác sĩ chuyên khoa.

"Việc dùng thuốc có thành phần corticoid trong thời gian dài, ngoài các tác dụng phụ nguy hiểm còn có nguy cơ gây ra tình trạng suy tuyến thượng thận. Tuy nhiên, nếu dùng corticoid theo đúng chỉ định của bác sĩ thì có giá trị rất lớn trong việc điều trị nhiều mặt bệnh. Ngược lại, nếu lạm dụng sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ. Cha mẹ khi mua, khi cho trẻ uống thuốc phải có sự chỉ định, tư vấn của bác sĩ, uống thuốc rõ nguồn gốc, thành phần", bác sĩ Hoàng nói.

Có trẻ 2 tuổi đã dậy thì Có trẻ 2 tuổi đã dậy thì

TTO - Theo các bệnh viện nhi, những năm gần đây tỉ lệ trẻ dậy thì sớm đang có xu hướng tăng, phần lớn ở trẻ nữ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết trẻ dậy thì sớm tăng 35 lần so với 10 năm trước.

DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên