01/09/2012 09:12 GMT+7

Côi cút dưới chân đồi

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Dưới cái nắng gắt của một trưa mùa hè nóng rực, không gió, chúng tôi theo bước chân nhanh và nhẹ như con sóc con của cậu học trò lớp 8 Phan Xuân Đức (Sơn Lâm, Hương Sơn, Hà Tĩnh).

gITTjVNQ.jpgPhóng to
Ngoài giờ học, Đức vào rừng kiếm củi mưu sinh - Ảnh: My Lăng

Hôm nay là ngày cuối tuần, Đức lại vào rừng lấy củi. Đồ nghề của cậu bé là chiếc xe đạp và một con dao rựa. Leo lên ngọn đồi dốc thoai thoải lởm chởm gai cỏ dại, Đức cứ chân trần sải bước phăm phăm. Bàn chân cậu bé đen nhẻm, những ngón chân trẻ con thô kệch, bè ra. “Em đi chân không từ năm lớp 2, quen rồi nên không bị đau. Đi dép cứ trợt trợt, đi rú (rừng) không đi dép được” - Đức cười bảo.

“Cù bất cù bơ”

Nhà của Đức, mái nhà tranh nhỏ con con nằm chơ vơ dưới chân đồi. Căn nhà trống hoác với di ảnh người cha quạnh quẽ trên bàn thờ nơi phòng khách. Phòng khách rộng hơn phòng ngủ, chỉ có một chiếc bàn và một ghế gỗ dài. Dưới nền nhà bằng đất không lót gạch, sạch tinh tươm. Phòng ngủ ngăn cách với gian bếp bằng những thanh gỗ mỏng ghép lại. Trên bếp có một chiếc nồi con, hai cái chén và hai đôi đũa. Đức bảo: “Bố mất rồi nhưng em vẫn để hai cái bát, hai đôi đũa như khi bố còn sống cho đỡ buồn”.

Khi Đức 12 tuổi, bố vào Sài Gòn đi làm. Hơn một năm sau, vào một ngày đầu hè năm 2007... Đức vẫn không quên ngày hôm ấy, ngày em vội vã chạy về nhà để nhìn mặt bố lần cuối. Người ta bàn tán về một vụ tai nạn giao thông rất thảm đã xảy ra nhưng Đức không dám nghe vì mắt đã đầy nước. Đó là lần đầu tiên Đức khóc nhiều, khóc đến sưng cả mắt và bỏ cả ăn. Ngay cả lúc mẹ bỏ đi theo người khác, Đức cũng không rơi một giọt nước mắt...

“Bố thương em lắm. Khi bố vào miền Nam, lần nào gọi điện về bố cũng dặn học giỏi và ngoan. Từ lúc bố đi, em chỉ được “gặp” bố một lần. Lần đó bố về, bố ngồi ở chiếc ghế này, chiếc ghế trước bàn thờ bây giờ, nhìn em và chỉ mỉm cười. Rồi bố biến mất. Em gào lên gọi bố và khóc nhưng bố vẫn không cho em gặp lại. Lúc tỉnh dậy giữa đêm, em vẫn thấy mặt mình đầm đìa nước mắt... Từ đó em không bao giờ được gặp bố nữa. Em không thích nhiều tiền, không thích quần áo đẹp, xe đẹp, chỉ muốn được gặp lại bố thôi, dù là trong mơ. Bây giờ khi nào nhớ bố quá thì dậy thắp nhang và nhìn bố. Em không khóc nữa. Em cũng không thấy buồn vì quen rồi... Em chỉ nhớ bố thôi, nhất là ngày giỗ bố và mùa đông” - Đức rớm nước mắt bảo.

“Được cái Đức ham học”

Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 8, cho biết: “Trong lớp Đức khá rụt rè, ít nói. Em hơn các bạn trong lớp hai tuổi do học trễ. Thi thoảng Đức đi học trễ vì nhà xa quá, lại đi bộ. Gần đây mới có xe đạp đi. Quần áo cũng không được sạch sẽ, tinh tươm như các bạn khác. Nhưng được cái Đức ham học. Nhiều em có bố mẹ thúc giục, có điều kiện khá giả hơn nhưng vẫn thích nghỉ học, còn Đức thì không”.

Cậu bé cúi xuống vân vê vạt áo quăn tít loang lổ nhựa cây, kể: “Từ khi đi học đến giờ, em chưa một lần được bố mẹ đưa đi học hay được bố mẹ đi họp phụ huynh. Chỉ có bà ngoại và bà nội thôi”. Bởi khi cậu bé học lớp 2, bố đã vào Sài Gòn làm kiếm tiền để thay đổi cuộc sống thiếu thốn, túng quẫn nơi vùng quê nghèo. Cuối năm ấy, mẹ đi theo người đàn ông khác. “Tội hắn lắm. Bố đi làm, mẹ ở nhà bỏ hắn ở cù bất cù bơ. 5 tuổi, mẹ cho đi ở trên xóm Thượng Lâm, ngày đi học, ngày đi chăn trâu, chăn bò. Hắn 13 tuổi, đi ở cho 14 nhà” - ông Nguyễn Văn Luyện, xóm trưởng xóm Lâm Trung, kể.

Khi Đức lên 9 tuổi, bố mẹ chia tay. Tết năm ấy, mẹ ở nhà chồng mới. Từ đó Đức không còn gặp lại mẹ nữa dù nhà mới của mẹ cách nhà bà ngoại chẳng bao xa. “Ba năm ni hắn mới có quần áo đàng hoàng đi học. Hai năm ni mới có dép đi đó. Lớp 5 hắn vẫn còn đi bộ đến trường. Mãi đến lớp 6 mới có xe đạp. Bà nội hắn có đồng nào thì dành mua gạo, không có tiền mua dép cho cháu. Thỉnh thoảng tôi gọi vô cho quyển vở, cây bút” - ông Luyện bảo.

Giấc mơ đến trường

Sau khi bố mất một thời gian, Đức xin bà ngoại cho về ở với bà nội. Đức giải thích lý do: “Em muốn về ở ngôi nhà mà bố đã ở để lo nhang khói cho bố, dù bà ngoại và cậu rất thương”. “Tôi bảo ở với bà ngoại còn có cá, có thịt ăn, về ở với bà chỉ có canh rau thôi. Nó bảo: bà ăn gì con ăn nấy. Mà thật ra nó ăn khổ quen rồi. Lớp 5 cứ ăn cơm hấp khoai, mít đi học mà bàn tay bà nuôi lớn chẳng bệnh tật gì” - cụ Lê Thị Lý (68 tuổi), bà nội của Đức, kể.

Ngôi nhà tranh của bố khi ấy đã tan tành như căn nhà hoang, chỉ còn trơ mấy cái cột bị mối ăn mục rỗng. Tết năm 2012, nhà nội góp kèo, góp cột, hàng xóm góp công dựng nhà giúp cậu bé tội nghiệp. Nhà dựng xong, Đức trở thành người duy nhất trong nhà.

Ngày nghỉ, Đức lên rừng bẫy chim. Có ngày được 2-3 con, có khi đi từ 8g-18g vẫn không được con nào. Kiếm được bao nhiêu tiền, Đức gửi bà nội để dành mua sách vở, đóng học phí, mua quần áo. Mỗi ngày Đức chỉ xin bà một ít tiền đủ mua con cá, mớ rau. Bữa cơm của Đức chỉ là cơm và nửa con cá kho mặn, đĩa rau tạp Đức hái ngoài vạt đất mọc hoang ngoài vườn. Ấy vậy mà Đức cũng gom góp được ít tiền cho riêng mình. Tài sản của Đức bây giờ là một đàn 5-6 con chim chào mào và hai con hươu. Cụ Lý giải thích: “Một con là của Nhà nước cho hộ nghèo. Một con là của bà mua cho hắn, rủi bà mất thì hắn còn có thứ làm vốn. Hắn giỏi lắm, lớp 3 đã biết lên rừng lấy củi giúp bà, 10 tuổi đã biết cầm cuốc giúp bà cuốc cỏ lạc, luống khoai lang. 11 tuổi đã biết bẫy chim trên rừng”.

Cậu bé hồn nhiên nói về ước mơ của mình: “Em mơ ước mình có điều kiện được học hết cấp III. Lắm lúc em thèm được như các bạn lắm: sáng được bố mẹ đưa đến trường, tan học bố mẹ đến đón về. Nhưng chưa bao giờ em muốn bỏ học. Càng khó càng phải chịu học mới có tương lai...”.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên