18/11/2019 12:40 GMT+7

Coi chừng dị ứng, ngộ độc thuốc gây tê

BS NGUYỄN NAM ANH
BS NGUYỄN NAM ANH

TTO - Trong nhiều trường hợp tai biến, cần nghĩ đến tình trạng ngộ độc thuốc tê. Ngộ độc gây ra bởi nồng độ thuốc tê vào trong máu vượt ngưỡng, gây ra độc tính lên các hệ cơ quan như thần kinh, tuần hoàn…

Coi chừng dị ứng, ngộ độc thuốc gây tê - Ảnh 1.

Một ca gây tê - Ảnh: BVCC

Biến chứng này có cơ chế khác với phản ứng dị ứng có bản chất miễn dịch.

Nên trao đổi về lợi ích và nguy cơ

Cùng với sự phát triển của các kỹ thuật điều trị tại chỗ ít xâm lấn trong y khoa, gây tê vùng, tê tại chỗ cũng nhận được sự quan tâm của ngành y tế nói chung. Với các ưu điểm tiện lợi, nhanh gọn, không ảnh hưởng toàn thân, kỹ thuật tê vùng, tê tại chỗ có tính ứng dụng đa dạng trong nhiều tình huống.

Có thể liệt kê ra một số: bệnh nhân được tê tủy sống thắt lưng trong các phẫu thuật vùng thấp cơ thể (thay khớp háng - gối, kết hợp xương chi dưới, nội soi cắt đốt u xơ tuyến tiền liệt, đẻ mổ...). 

Đưa thuốc tê vào khoang ngoài màng cứng tủy sống để đẻ không đau, hay giảm đau sau mổ thay khớp gối. Tê tại chỗ trong các tiểu phẫu, thủ thuật trong một số chuyên ngành như thẩm mỹ, nha khoa. Gây tê các sợi thần kinh liên quan vùng cần phẫu thuật trong phẫu thuật chi trên, chi dưới.

Tính ứng dụng tùy thuộc vào loại phẫu thuật, thủ thuật cần làm, mong muốn của bệnh nhân và có thể phối hợp nhiều phương thức khác nhau, với mục tiêu vừa đảm bảo gây tê tốt theo nhu cầu vừa hạn chế những biến chứng có thể gặp. Do đó, việc trao đổi với bác sĩ về các lợi ích và nguy cơ trong từng trường hợp cụ thể là cần thiết.

Coi chừng sốc phản vệ do ngộ độc thuốc tê

Về cơ chế, sau khi tiêm thuốc tê, các tế bào thần kinh được ngâm trong "bể dung dịch" thuốc tê. Thuốc tê làm tê liệt cơ chế dẫn truyền tín hiệu điện sinh học, làm các thông tin về cảm giác đau bên ngoài không thể trở về não bộ để chúng ta có thể nhận biết. 

Tùy loại thuốc tê mà thời gian tác dụng dài hay ngắn, và một số loại có thời gian tác dụng kéo dài đến khoảng 24 giờ còn được sử dụng để giảm đau sau mổ, trước khi các thuốc giảm đau bắt đầu có tác dụng. Thuốc tê sau đó được cơ thể hấp thụ dần dần vào trong máu và được phân giải, đào thải ra ngoài.

Do tính ứng dụng ngày càng rộng rãi, các tai biến liên quan thuốc tê cũng nhận được nhiều sự chú ý hơn. Để giúp người bệnh hiểu rõ hơn về những nguy cơ, Hiệp hội Tê vùng và giảm đau Hoa Kỳ (ASRA) đề cập đến một số biến chứng có thể gặp như ngộ độc thuốc tê, nhiễm trùng, tụ máu tại nơi tiêm, tổn thương thần kinh... 

Các tai biến này có thể gây ảnh hưởng lâu dài, tăng thời gian, chi phí điều trị, đôi khi nguy hiểm tính mạng nếu không được nhận biết, xử trí đúng cách và kịp thời.

Trong đó, ngộ độc thuốc tê và dị ứng thuốc tê dạng sốc phản vệ thường được nhắc đến do tính nghiêm trọng, diễn tiến nhanh, đe dọa tính mạng.

Nhận diện sớm các biến chứng

Phản ứng dị ứng thật sự với thuốc tê chiếm chưa tới 1% tổng số tai biến liên quan thủ thuật tê tại chỗ và thường được quy cho chất bảo quản (methylparaben) hay chất chống oxy hóa (sulfites), chứ không phải do chính hoạt chất thuốc. Vì mức độ nghiêm trọng, việc cảnh giác theo dõi, nhận diện sớm các biến chứng này là hết sức cần thiết.

Theo thông tư của Bộ Y tế "Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ", cần nghĩ đến sốc phản vệ khi có: các triệu chứng ở da, tổ chức dưới da và niêm mạc (mày đay, ngứa, phù mạch); triệu chứng hô hấp (khó thở, thở rít, ran rít); đau bụng, nôn, tụt huyết áp, ngất, rối loạn ý thức.

Về ngộ độc thuốc tê, hướng dẫn chẩn đoán và xử trí của ASRA đề cập đến các triệu chứng như cảm giác tê quanh miệng, vị kim loại, thay đổi tri giác (kích thích, giật cơ, co giật, lơ mơ, hôn mê), triệu chứng tim mạch như tăng nhịp tim, tăng huyết áp rồi đến hạ huyết áp tiến triển, chậm nhịp, rối loạn nhịp, ngưng tim. 

Vì triệu chứng rất đa dạng, bên cạnh việc được theo dõi sát sao, bệnh nhân cần thông báo sớm các triệu chứng bất thường với bác sĩ. Điều này đôi khi khó thực hiện trong quá trình phẫu thuật do bệnh nhân được an thần, gây mê.

Giống như đi máy bay đều phải qua quy trình kiểm tra an ninh nghiêm ngặt dù là chuyến ngắn hay chuyến dài, cuộc phẫu thuật hay thủ thuật dù lớn nhỏ đều cần tuân thủ những quy trình để đảm bảo an toàn người bệnh, được thực hiện bởi nhân viên y tế có chuyên môn. 

Tiên lượng được những vấn đề có thể xảy ra. Theo dõi, nhận diện và xử trí kịp thời các biến chứng ở cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị cần thiết.

Nhiều yếu tố nguy cơ

noi me day

Biểu hiện nổi mày đay ngoài da trong sốc phản vệ - Ảnh: BS NGUYỄN NAM ANH

Một nghiên cứu tại Trung tâm Dị ứng trong gây mê - gây tê của Đan Mạch ghi nhận trong 162 bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ dị ứng thuốc tê, không có trường hợp nào có phản ứng miễn dịch khi được kiểm nghiệm, đồng nghĩa với dị ứng thật sự với thuốc tê rất hiếm gặp.

Vì vậy trong nhiều trường hợp, cần nghĩ đến tình trạng ngộ độc thuốc tê, gây ra bởi nồng độ thuốc tê vào trong máu vượt ngưỡng, gây ra độc tính lên các hệ cơ quan như thần kinh, tuần hoàn.

Biến chứng này có cơ chế khác với phản ứng dị ứng có bản chất miễn dịch. Có nhiều yếu tố nguy cơ góp phần như loại thuốc, liều lượng, vị trí tiêm, kỹ thuật tiêm, tình trạng bệnh nhân, các bệnh lý kèm theo.

Yêu cầu EMCAS tạm dừng các kỹ thuật liên quan gây mê, gây tê Yêu cầu EMCAS tạm dừng các kỹ thuật liên quan gây mê, gây tê

TTO - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh ký công văn khẩn vụ một bệnh nhân tử vong sau phẫu thuật thẩm mỹ ngực tại Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS (Q.10, TP.HCM).

BS NGUYỄN NAM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên