Phóng to |
Ảnh: X.Long |
Đã có quy hoạch sao còn phải xin?
Theo bà Thúy, việc quy định thêm điều kiện phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng chỉ nên áp dụng trong trường hợp chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, còn nếu các tỉnh đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì chỉ cần theo quy hoạch, kế hoạch của các tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt. “Nếu dự thảo quy định việc chuyển đổi đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng tất cả đều phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng, như vậy sẽ tạo thêm khó khăn, thời gian kéo dài và có thể lại có cơ chế “xin-cho” khi thực hiện” - bà Thúy nói.
"Vừa qua có tình trạng thu hồi đất chạy theo nhà đầu tư, thu hồi đất tràn lan, sau đó để hoang khiến nhân dân bất bình. Lần này dự thảo luật tìm hướng khắc phục, do vậy việc giữ cho được diện tích đất lúa, giữ cho được diện tích đất rừng rõ ràng phải có giải pháp quản lý nghiêm ngặt hơn" Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Mạnh Hiển |
Ông Huỳnh Thành Lập, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cũng cho rằng nếu quy định cứng nhắc khi cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Thủ tướng là hơi thừa. Theo ông Lập, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) chỉ nên quy định trường hợp khi cho phép chuyển đổi đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác nhưng chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm thì mới cần phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng.
Theo ông Lê Viết Hưng - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai, “ở địa phương cũng đã có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch này cũng đã trình Thủ tướng phê duyệt, vì vậy ngoài việc theo quy hoạch thì chỉ nên quy định quy mô nào mới phải xin ý kiến Thủ tướng”.
Cùng đề cập điều kiện cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đại diện đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Quảng Bình, Khánh Hòa cũng đề nghị không nên quy định tất cả các dự án chuyển đổi đều phải qua bước xin ý kiến. “Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của các tỉnh đều do Thủ tướng phê duyệt. Trong quy hoạch và kế hoạch cũng đã xác định các loại đất được phép chuyển đổi. Nếu khi tỉnh duyệt cho chuyển đổi phải qua bước xin văn bản chấp thuận sẽ lại phải qua Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ NN&PTNT, như vậy sẽ rườm rà, thêm thủ tục hành chính, vì vậy dự thảo luật chỉ nên quy định những trường hợp ngoài quy hoạch mới cần phải xin ý kiến” - ông Nguyễn Xuân Tuyến, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Quảng Bình, kiến nghị.
Thu hẹp phạm vi Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết qua lấy ý kiến, nội dung có nhiều băn khoăn nhất là vấn đề thu hồi đất vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến, ban soạn thảo luật xác định lại phạm vi dự án phát triển kinh tế - xã hội mà Nhà nước thu hồi, phạm vi sẽ thu hẹp lại, không rộng như trước đây. Trong đó xác định rõ Nhà nước thu hồi đất đối với các dự án phát triển kinh tế quan trọng, đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Cụ thể hơn, trong dự thảo luật chỉ rõ có ba nhóm dự án phát triển kinh tế sẽ do Nhà nước thu hồi đất. Thứ nhất là nhóm dự án do Quốc hội quyết định. Thứ hai là nhóm các dự án khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao do Chính phủ quyết định. Nhóm thứ ba là những dự án khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp, dự án chỉnh trang đô thị, trong đó thắc mắc nhất là dự án chỉnh trang đô thị, nhưng trong luật đã quy định cả nhóm này đều phải được HĐND xác định và thông qua.
Luật lần này cũng quy định đối với những dự án phát triển kinh tế khi Nhà nước thu hồi đất xong thì không giao cho nhà đầu tư ngay. Cụ thể thu hồi xong sẽ làm quỹ đất sạch, tổ chức đấu giá để nhà đầu tư tham gia, tiền chênh lệch về địa tô sẽ thu về cho ngân sách. Còn với khung giá đất do Chính phủ quy định, khung giá sẽ phải điều chỉnh giá cho sát với biến động, không để như những năm vừa qua do giữ khung giá quá lâu dẫn tới bảng giá ở các địa phương không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Ở cấp tỉnh vẫn có bảng giá, hiện nay bảng giá được xây dựng theo hai phương án. Phương án 1 là áp dụng cho tất cả các mục đích. Phương án 2 được nhiều ý kiến đồng tình, đó là tách làm hai phần, phần thứ nhất áp dụng cho việc thu thuế và phí. Phần này liên quan đến số đông người dân sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nên sẽ giữ ổn định năm năm. Phần thứ hai liên quan đến bồi thường thì sẽ xác định theo giá đất cụ thể.
Quy định rõ quy mô phải xin ý kiến Thủ tướng Đại diện cơ quan soạn thảo luật, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng việc Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của các tỉnh mới chỉ là phê duyệt danh mục các dự án, còn vị trí từng dự án ở chỗ nào thì chưa có trong kế hoạch sử dụng đất. Theo ông Hiển, không phải đến Luật đất đai lần này mới đưa ra vấn đề khi chuyển đổi đất lúa, đất rừng phải xin ý kiến Thủ tướng, mà ngay khi thực hiện Luật đất đai 2003, nhận thấy có vấn đề thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng theo nhà đầu tư, từ năm 2008 Chính phủ đã có quy định phải xin ý kiến Thủ tướng khi cho phép chuyển đổi đất lúa, đất rừng. “Chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến và sẽ xem xét để đưa vào luật các quy định với những dự án liên quan đến đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng ở quy mô nào thì phải xin ý kiến Quốc hội, quy mô nào phải được Thủ tướng chấp thuận, quy mô nào thì sẽ do địa phương được quyền quyết định” - ông Hiển nói thêm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận