Chó nuôi không rọ mõm cản trở giao thông trên đường - Ảnh: T.T.D.
Ăn hay không ăn thịt chó, mèo còn tùy ý kiến mỗi người, nhưng những tranh luận mấy ngày qua đang hướng câu chuyện nuôi và ăn thịt thú nuôi trên hết phải vì sức khỏe cộng đồng.
Dư luận xã hội thời gian gần đây lại bàn tán xôn xao trước việc Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM vừa khuyên người dân không nên ăn thịt chó, mèo.
Từ bỏ món ăn khoái khẩu tùy quan điểm và sự lựa chọn của từng người. Nhưng nếu xem thịt chó, mèo như thực phẩm thì vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Cùng với đó, việc nuôi chó, mèo ở nhà phố, chung cư... cần đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, phòng các bệnh từ thú có thể làm tổn hại sức khỏe con người.
Và ngăn ngừa nhằm tránh mắc các bệnh truyền nhiễm như dại, xoắn khuẩn, tả... từ các vật nuôi lây lan ra cộng đồng là việc cần nghiêm túc nhìn lại.
Thông tư 07/2016 ngày 31-5-2016 của Bộ NN&PTNT ban hành quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, hướng dẫn phòng, chống bệnh dại động vật đã quy định về việc đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Cũng đã có quy định về quản lý chó, mèo nuôi trên địa bàn bao gồm các thông tin họ tên và địa chỉ của chủ vật nuôi; số lượng chó, mèo nuôi; ngày, tháng, năm tiêm phòng văcxin dại...
Tuy nhiên, những văn bản trên chưa thể áp dụng vào thực tế. Nuôi thú, ai thích thì nuôi, tiêm phòng hay không, nuôi nhốt hay thả thú nuôi đi rông trong khu dân cư cũng tùy nhận thức và hành xử của chủ nuôi.
Thực tế cho thấy rất khó quản lý được chuyện tiêm phòng bệnh dại cho thú nuôi. Với các bệnh dễ lây nhiễm khác cũng không thể quản lý. Nhiều vụ chó, mèo nuôi cắn người, không thể nhận biết chó, mèo đã tiêm phòng hay chưa cũng qua lời nói của chủ nuôi. Nhiều nhà nuôi cả đàn chó cưng, chăm chó như chăm trẻ, sau nhiều năm bỗng thôi không nuôi nữa, hỏi ra mới biết có người trong nhà mắc bệnh hô hấp từ lông chó, nhiễm khuẩn chó trong máu người nuôi.
Với chuyện nuôi mèo còn khó kiểm soát hơn khi mèo thường được thả đi kiếm ăn có thể mang mầm bệnh qua nhà khác, cả khu dân cư. Và phân chó rơi vãi trên đường vẫn luôn là bức xúc của cư dân thành thị, dơ bẩn đã đành, vi khuẩn các loại phát tán khắp nơi...
Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có từ 60.000 - 70.000 người chết do bệnh dại, trung bình cứ 10-15 phút lại có một người chết vì bệnh dại. Ở nước ta tình trạng chó cắn người cũng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt đã xảy ra tình trạng chó dại cắn người tập thể với số lượng đông gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân thời gian qua.
Thỉnh thoảng đi đường chúng ta dễ dàng bắt gặp những con chó nuôi không rọ mõm bất thình lình nhảy lên cắn, đuổi người đi đường hay chạy ngang qua đường gây tai nạn giao thông.
Ở nhiều nước, việc thả rông vật nuôi và gia súc, gia cầm bị cấm tuyệt đối. Nếu vi phạm, chủ vật nuôi không những bị phạt tiền, phạt tù rất nặng mà còn có thể bị cấm không được nuôi vĩnh viễn.
Do đó, để tiến đến việc khuyến khích (hoặc cấm) ăn thịt chó, mèo thành công thì trước tiên người dân cần phải có ý thức chấp hành tốt các quy định về đăng ký, quản lý và chăm sóc chó, mèo đúng quy định; nuôi thú, giết mổ, mua bán thịt thú nuôi phải đặt sức khỏe cộng đồng lên trên hết.
Kiểm soát sức khỏe thú cưng
Nhà quê nuôi chó, mèo giữ nhà, bắt chuột. Nhà thành thị nuôi chó, mèo để chăm như "cục cưng". Rồi khi "cục cưng" đẻ cả bầy con, chủ nuôi làm gì? Ban đầu thì nuôi cả con của chúng, đông hơn nữa thì cho người quen. Đông quá, không thể nuôi, cho ai cũng không nhận (nhất là với mèo) thì những bầy con của thú cưng thành ra "nợ đời". Người ta mang mèo ra bỏ bên đường, hi vọng có ai đó mang về nuôi...
Các phòng khám thú y xuất hiện ngày càng nhiều ở phố thị cho thấy người nuôi đã rất quan tâm chuyện chăm sóc sức khỏe thú cưng. Nhưng có một thực tế khác: số lượng thú vật bị bỏ rơi ngày càng tăng. Có nơi có cả bầy mèo hoang, chúng tiếp tục sinh con đẻ cái tiềm ẩn mối nguy về bệnh truyền nhiễm vì mèo hoang thường dữ hơn mèo nhà. Những người nuôi thú cưng và bỏ thú cưng ra đường đã góp phần tạo nên hậu quả này.
Đã có nhiều khuyến cáo từ bác sĩ và nghiên cứu khoa học đã chứng minh thiến (triệt sản) cho thú cưng vừa giữ sức khỏe vật nuôi vừa tránh tình trạng chúng sinh sản vô tội vạ. Tất cả chỉ thay đổi khi mỗi người chủ nuôi thực sự có hiểu biết về tầm quan trọng của việc kiểm soát sinh sản, tiêm phòng bệnh lây nhiễm cho thú cưng. Việc này phải làm vì cộng đồng. Đừng vì ý thích nuôi thú của gia đình mình mà gây ra phiền phức, nguy cơ nhiễm bệnh cho cộng đồng.
QUỲNH HƯƠNG (TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận