Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh tư liệu
Tôi vào trung ương năm 1996, tôi nhớ những buổi họp đầu tiên trung ương khóa VIII không có một thứ nước uống nào khác ngoài chè xanh.
Tổng bí thư Đỗ Mười đã yêu cầu các ủy viên trung ương uống chè xanh thay nước lọc đóng chai để không lãng phí ngân sách.
Khi đó, kinh tế đất nước nhiều khó khăn, ông đã hỏi các ủy viên trung ương: "Tại sao một lít nước trắng lại đắt hơn một lít xăng?".
Nước: 10.000đ/lít, Xăng: 8.000đ/lít
Với cương vị người lãnh đạo cao nhất trong Đảng, tại một hội nghị trung ương, Tổng bí thư Đỗ Mười nói trước các ủy viên rằng một chai nước suối (0,5 lít) có giá 5.000 đồng (giá lúc bấy giờ), một lít nước suối 10.000 đồng, nhưng một lít xăng chỉ có 8.000 đồng.
Ông bảo: "Ai đời một lít nước lã bơm lên, chưng cất, khai thác rất dễ, đóng chai để bán lại đắt hơn một lít xăng. Trong khi để làm ra một lít xăng phải khoan sâu xuống lòng đất 3.000m, hút dầu thô lên rồi phải chế biến qua nhiều công đoạn, đầu tư bao nhiêu tiền của vào nhà máy lọc dầu mới ra được một lít xăng".
Kể từ đó, các kỳ họp trung ương khóa VIII đã bỏ thói quen uống nước đóng chai và chỉ uống những cốc chè xanh trong giờ giải lao.
Trong những lần đến địa phương làm việc, Tổng bí thư Đỗ Mười thường không uống rượu, rượu ngoại càng không.
Có khi trên mâm, ông chỉ cho để vài lon bia, mà phải bia nội như Trúc Bạch hoặc 333. Ông cấm tiệt cán bộ đoàn công tác sử dụng rượu ngoại, ai đòi rượu ngoại ông yêu cầu ra khỏi phòng ăn.
Tổng bí thư Đỗ Mười sống giản dị, nên có chuyện tại các kỳ họp trung ương khóa VII, khóa VIII, không ủy viên nào dám đi xe mới, xe sang, toàn đi xe cũ.
Có những cán bộ bình thường đi làm việc bằng xe mới nhưng khi đến gặp Tổng bí thư là đổi đi xe cũ.
Ngày đó đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo khá phát triển, cán bộ đặc khu hằng ngày sử dụng xe mới, nhưng hễ ra họp trung ương phải mượn xe cũ để đi, không ai dám đi xe mới cả.
Ngay cả việc xây dựng trụ sở trung ương hoành tráng ông cũng không cho, trung ương nhiều năm họp trong hội trường - một lớp học cũ do người Pháp xây tại số 4 Nguyễn Cảnh Chân.
Phải đến khi phía Pháp thông báo công trình đã xuống cấp quá mức, nguy hiểm, ông mới cho sửa lại.
Ông Võ Hồng Phúc - Ảnh: BẢO NGỌC
Vị tổng bí thư cần mẫn
Tôi có cơ hội được làm việc với Tổng bí thư Đỗ Mười qua nhiều thời kỳ, từ khi còn làm trưởng phòng, vụ phó, vụ trưởng, thứ trưởng, rồi bộ trưởng Bộ KH-ĐT. Qua quá trình làm việc, tiếp xúc với ông Đỗ Mười, ấn tượng sâu sắc nhất có thể nói rằng người "cần, kiệm, liêm, chính - chí công vô tư".
Tôi đi công tác cùng Tổng bí thư Đỗ Mười, bao giờ cũng thấy ông làm việc suốt ngày, suốt đêm, không có chủ nhật, không có ngày lễ. Thường ngày, ông ngủ ít mà làm việc nhiều, đêm ông chỉ ngủ khoảng 3 - 4 tiếng, khoảng 4h sáng ông đã dậy làm việc.
Tổng bí thư Đỗ Mười luôn coi hiệu quả là chính, không câu nệ chức vụ, cấp bậc, sẵn sàng nghe các cấp thấp báo cáo mà không cần qua bộ trưởng, thứ trưởng. Năm 1990, lúc ấy tôi đang là phó vụ trưởng Vụ công nghiệp - xây dựng cơ bản (Ủy ban Kế hoạch nhà nước). Biến cố lớn xảy ra - Liên Xô, Đông Âu bắt đầu sụp đổ.
Tình hình kinh tế chính trị tại Việt Nam cũng đang có thay đổi rất lớn, đặc biệt các nguồn lực từ bên ngoài mất đi. Ông Đỗ Mười (khi đó giữ chức chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) qua Ủy ban Kế hoạch nhà nước nghe báo cáo về xây dựng kế hoạch 5 năm 1991 - 1995, ông chỉ muốn nghe trực diện, thực tế ở cơ sở báo cáo.
Vừa vào hội nghị, ông Đỗ Mười bỏ qua luôn thủ tục khai mạc, và hỏi luôn, ai nắm vấn đề nhất thì báo cáo.
Lúc ấy, ông Phan Văn Khải làm chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước đã chỉ định luôn tôi báo cáo. Tôi báo cáo xong thì ông khen.
Phong cách làm việc của ông không câu nệ, chỉ cần nghe người nắm vấn đề, nghe tiếng nói từ cơ sở. Ông là người rất thực tiễn, không nặng lý luận mà chủ yếu cần thực tiễn.
Tôi chưa gặp ai liêm khiết như ông. Mỗi dịp lễ, tết ông chỉ nhận quà đúng như cha ông ta ngày xưa quý mến nhau thì biếu, tặng. Ví dụ như quê tôi ở Hà Tĩnh, mùa Trung thu thì biếu ông vài quả bưởi Phúc Trạch. Ngày tết biếu ông vài quả cam bồ Hương Sơn, gói lạc, gói vừng đen ở bãi sông La. Có người mang rượu ngoại đến bị ông mắng bắt mang về. Ông chỉ nhận những món quà quê để nhận tình cảm chân thành.
Ông Đỗ Mười là một người nói thẳng và dám nói. Khi đương chức tổng bí thư, ông vẫn bảo cán bộ phải dám nói, đừng dè dặt, nên tôi cũng là một người bạo ngôn nhờ đó.
Ông luôn căn dặn cán bộ phải công tâm, không vì cái này, cái kia mà đề bạt, phải đánh giá đúng năng lực mà đề bạt cán bộ.
Ấn tượng lớn nhất đối với tôi về Tổng bí thư Đỗ Mười là người cần, kiệm, liêm, chính. Tôi học được ở ông cái đức, cái tình, cách làm việc và tinh thần tiết kiệm. Ông là một vị lãnh đạo mẫu mực, chí công vô tư khi thực hiện đầy đủ lời dạy của Bác Hồ về đạo đức cán bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận