13/02/2014 03:20 GMT+7

"Cò" xe trấn lột tiền hành khách

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TT - Trước tình trạng nhiều “cò” xe lừa đảo, trấn lột tiền hành khách tại khu vực bến xe miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) gần đây, ngày 12-2 ông Nguyễn Ngọc Thừa, giám đốc bến xe miền Đông, cho biết đầu tháng 3 bến xe cho hành khách được vào bến xe từ cửa sau (quốc lộ 13) để tiện mua vé.

Zf0Fkisf.jpg
Sau khi chở khách từ địa điểm trước bến xe miền Đông qua bên kia cầu Bình Triệu 1, “cò” Đỏ đẩy khách lên xe để trấn lột - Ảnh: Quốc Duy

Theo ông Thừa, nhiều hành khách đến bến xe từ cửa sau thấy bất tiện khi phải đi vòng để vào quầy trong bến xe mua vé nên thường đón xe dọc đường. Chính việc này đã tạo điều kiện cho các “cò” xe lừa đảo, trấn lột tiền của hành khách. Ngoài ra, bến xe sẽ lập một tổ công tác để kiểm tra vé xe ngay trên xe trước khi xe xuất bến để chấm dứt tình trạng các “cò” xe dẫn khách vào trong bến để hưởng chênh lệch giá vé.

Mạo danh nhà xe

Trước đó, 9g ngày 6-1, chúng tôi mang balô đứng bên quốc lộ 13, đối diện cổng bến xe miền Đông để đón xe thì một thanh niên chạy xe máy đến nói: “Đứng đây đón xe không được đâu. Lên xe tôi chở qua bên kia cầu Bình Triệu mới có xe”. Trên đường đi, người này tự nhận mình là Công, người của nhà xe Thành Công (chạy tuyến TP.HCM - Bình Phước).

Đến trạm thu phí cầu Bình Triệu (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức), Công dừng xe lại để chờ xe khách. Khi xe khách Thành Công vừa đổ dốc cầu Bình Triệu 1, Công nói với chúng tôi như ra lệnh: “Cho thu tiền vé 70.000 đồng, xíu lên xe khỏi cần đưa”. Chúng tôi đưa cho Công tờ 100.000 đồng và khi xe Thành Công vừa dừng tại trạm thu phí, anh ta vội đẩy chúng tôi lên xe. Do chưa nhận được tiền thối nên tôi nhảy xuống xe đòi tiền thì anh ta gằn giọng: “Cứ lên xe đi, công an bắt giờ. Đ.M., lên trên người ta trả lại tiền thừa cho”.

Lên xe, chúng tôi được nhà xe cho biết Công không phải là người của nhà xe, anh ta chỉ là “cò” dẫn khách dọc đường cho các nhà xe. Biết chúng tôi vừa bị lừa, phụ xe khuyên tôi nên bỏ qua, đừng quay lại đòi tiền vì có thể bị đánh. Chúng tôi nại lý do không còn tiền để trả tiền vé xe nên được nhà xe dừng xe cho xuống. Quay lại tìm “cò” Công đòi lại tiền, anh ta hỏi như chưa từng gặp chúng tôi trước đó: “Tiền nào, giỡn mặt hả mày!”.

Chúng tôi đến Công an P.26, Q.Bình Thạnh (ở cạnh nơi chúng tôi bị “cò” dụ lên xe) trình báo sự việc thì trực ban hỏi: “Sao anh dễ tin người quá vậy? Giờ đối tượng không có ở đây xử lý cái gì?”. Cuối cùng, người trực ban chỉ khuyên tôi rút kinh nghiệm đi đường và bảo muốn trình báo gì thì báo bên kia (ý nói P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) vì lúc đưa, nhận tiền cho “cò” xe ở phía bên kia...

Liên tục ra tay

Ngày 7-1, tại trạm thu phí cầu Bình Triệu 1 (Q.Thủ Đức), “cò” Công cùng một “cò” khác (theo giới xe ôm tại bến xe miền Đông, người này tên Quang) dẫn ba hành khách lên xe khách 93N-129... chạy tuyến bến xe miền Đông - Bình Phước. Có mặt trên xe này, chúng tôi chứng kiến xe vừa chạy khỏi ngã tư Bình Triệu, “cò” Công nói trống không với hành khách tên T.: “Trả tiền xe”. Anh T. hỏi bao nhiêu thì “cò” Công trả lời nhát gừng: “Tám!”. Anh T. đưa tờ 100.000 đồng cho Công thì anh ta trợn mắt, gắt giọng: “Trăm tám chục”. Anh T. thắc mắc giá vé sao mắc vậy thì Công bảo: “Nay giá vé tết, tăng bảy chục phần trăm mày”. Năn nỉ, trả giá không được cuối cùng anh T. đành đưa thêm cho Công 100.000 đồng nữa nhưng “cò” này tiếp tục trợn mắt quát vào mặt anh T.: “Thêm một trăm nữa mày”. Anh T. lớn tiếng phản đối thì “cò” Công cùng “cò” Quang liền ghì anh ngồi xuống ghế, gằn giọng: “Mẹ mày, muốn chết hả, lên xe người ta mà dám la lối lớn tiếng hả, đập chết mẹ mày giờ”. Không còn cách nào khác, anh T. đưa thêm cho “cò” 100.000 đồng nữa. 100.000 đồng này được Công liệt kê là tiền xe ôm (do một tay “cò” tên Đỏ chở anh T. từ bến xe miền Đông đến cầu Bình Triệu). Cuối cùng, anh T. phải năn nỉ đám “cò” cho anh xin lại 20.000 đồng để khi xuống xe đi xe ôm về nhà.

Cùng lên xe một lượt với anh T. còn có hai mẹ con bà N. và anh H.. Bà N. kể bà và con trai từ Bắc vào dự đám tang một người thân tại Bình Phước. Khi vừa đến bến xe miền Đông thì bị nhóm “cò” của Công dụ lên xe này. Lên xe, chưa kịp ngồi vào băng ghế bà N. đã bị “cò” Công đòi tiền vé 180.000 đồng/người. Sau một hồi đôi co, kháng cự yếu ớt trước đám “cò” hung hãn, bà N. đành đưa 360.000 đồng cho “cò” Công để được yên thân. Tuy nhiên, “cò” Công vẫn chưa chịu buông tha và tiếp tục đòi bà N. trả thêm một lần vé nữa. Chịu hết nổi, bà N. khóc lóc và đòi xuống xe thì “cò” Công chỉ thẳng vào mặt và tuyên bố: “Xuống xe tao đập chết mẹ mày”. Không còn cách nào khác, bà N. phải vét số tiền còn lại trả thêm cho Công 360.000 đồng.

Theo giá vé niêm yết tại bến xe miền Đông, giá vé từ TP.HCM đến Bình Phước khoảng 80.000 đồng, nhưng mẹ con bà N. phải trả cho “cò” đến 720.000 đồng!

Sau khi trấn lột được tiền của hành khách, các tay “cò” đưa lại tiền vé cho nhà xe 80.000 đồng/người và nhanh chóng xuống xe. Khi đó người của nhà xe mới lên tiếng: “Lần sau đi xe cứ vào bến mà mua vé, tụi tôi chứng kiến cảnh trấn lột này nhiều lần lắm rồi nhưng không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù”.

Hành khách nên vào bến xe mua vé

Ông Thượng Thanh Hải - phó giám đốc bến xe miền Đông - cho biết do khách không vào bến mua vé mà đón xe ngoài đường nên bến xe không thể can thiệp được khi hành khách bị các “cò” xe lừa tiền, trấn lột. Theo ông Hải, trường hợp này do lực lượng công an giải quyết. “Thời gian qua, tình trạng hành khách bị “cò” lừa đảo, trấn lột đã xảy ra nhiều. Gặp những trường hợp này, nhà xe cũng không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù. Chúng tôi lưu ý người dân nên vào bến xe miền Đông để mua vé và lên xe ngay tại bến, tránh đón xe dọc đường”.

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên