14/01/2012 16:07 GMT+7

"Cò" xe thao túng bến "cóc"

Ông Lê Văn Tuấn (đội trưởng đội 5, Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM)
Ông Lê Văn Tuấn (đội trưởng đội 5, Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM)

TT - Dịp tết, dọc các tuyến quốc lộ 13, quốc lộ 1A - cửa ngõ TP.HCM về các tỉnh miền Trung - luôn bị các nhóm “cò” xe thao túng, hoành hành.

Họ bắt khách rồi “chặt cò” với giá cắt cổ, sau đó “bán” lại cho các nhà xe. Nhà xe không được tự ý đón khách dọc đường nếu không chung chi cho “cò”.

D56EwaZK.jpgPhóng to

“Cò” xe níu kéo một hành khách trên quốc lộ 1A (ảnh chụp từ video) - Ảnh: ANH THOA

Xe nào không tuân theo “luật” sẽ bị “xử”. Để chung chi cho “cò”, nhà xe đã “chặt” lại hành khách nên cuối cùng hành khách là người chịu thiệt.

Điểm mặt trùm “cò” xe

"Trong mười ngày qua, đơn vị đã phạt tiền hơn 90 vụ xe chở khách vi phạm, trong đó tạm giữ giấy phép lái xe từ 30-60 ngày đối với 68 xe vi phạm"

Ngày 5-1, tại khu vực chân cầu vượt Sóng Thần, chúng tôi thấy một nhóm hơn chục thanh niên chia nhau mồi chài khách. Khi thấy một công nhân vác đồ cồng kềnh từ trong hẻm đi ra, ngay lập tức ba người chạy tới khiêng phụ hành lý và hỏi: “Đi Quảng Ngãi hả? 700.000 đồng nha em”.

Hai phút sau, thêm ba công nhân ra khu vực này đón xe khách về quê và nhóm thanh niên trên lại chia nhau gom khách vào quán nước nhỏ ngay dưới chân cầu vượt. Tất cả hành khách đón xe dọc đường đều bị các nhóm này thao túng ra giá rồi “bán” lại cho các xe khách. Không xe nào dám chở khách ở tuyến đường này nếu không được các nhóm này giao khách.

Hoạt động mạnh và thống trị khu vực “nóng” cầu vượt Sóng Thần là băng của Hải “mèo” và một thanh niên tên Luyến. Cách cầu vượt Sóng Thần khoảng 1km đến Trạm CSGT Rạch Chiếc là băng của Sáu “râu”. Khách bắt xe ở đoạn đường này bị các thanh niên trong băng nhóm Sáu “râu” tập trung về ngã tư Thái Bình và hai điểm ở trước Công ty Samsung và cổng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM.

Tất cả xe khách đi qua khu vực này muốn dừng lại bắt khách đều phải chung chi cho những người này, nếu không sẽ bị ném đá vào xe. Từ khu vực cổng ĐH Nông lâm đến Suối Tiên là băng nhóm của “cò” Hùng. Cổng nghĩa trang TP.HCM là băng của “cò” Thiên. Riêng ngã tư Bình Phước và dọc tuyến quốc lộ 13 do “cò” Hưng cai quản. Cứ thế các băng nhóm chia địa phận hoạt động nhốn nháo trong dịp tết.

Chiêu thức kiếm tiền của “cò” rất đơn giản: thấy khách đứng đón xe chúng đến gạ gẫm và ra giá cao hơn thực tế 100.000-250.000 đồng, sau đó chở khách đến địa điểm tập kết rồi “bán” lại cho nhà xe với giá cắt cổ. Chưa hết, khi “bán” được một khách cho xe, bọn chúng còn buộc nhà xe chi 50.000-100.000 đồng/người tùy tuyến đường.

Hành xử côn đồ

Tất cả xe “dù” chạy bắt khách ở tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 13 và xa lộ Hà Nội đều phải biết luật chơi của giới “cò” xe. Nếu xe nào đón khách ở các bến “cóc” mà chưa được phép của “cò” đều bị “xử đẹp”.

Rạng sáng 3-1, xe khách Công Minh chở khoảng 25 hành khách từ Bến Tre đi Đắk Lắk đã bị dằn mặt. Khi xe chạy đến khu vực cầu Vĩnh Bình, P.Vĩnh Phú, thị xã Thuận An (Bình Dương) thì bị bốn thanh niên chặn đường, kéo tài xế phụ tên Thương ra khỏi xe dùng gậy sắt đánh tới tấp.

Hoảng sợ, anh Thương bỏ chạy vào nhà dân thì chúng tiếp tục xông lên hành hung tài xế Hùng và phụ xe tên Vương. Anh Vương kháng cự thì bị một tên rút roi điện chích làm anh ngã gục, hành khách trên xe hoảng loạn. Sau khi “xử” người, bọn chúng còn đập bể kính xe. Tài xế Hùng cho biết trước đó lúc 10g ngày 2-1, anh dừng xe bắt khách trên quốc lộ 13 thì bị nhóm này dằn mặt yêu cầu trả khách. Thấy chúng cầm gậy, dao anh cho xe chạy luôn nhưng bọn chúng vẫn không buông tha. Một tài xế tên Hậu, chạy xe tuyến Phú Yên - TP.HCM, kể: “Có lần tôi ghé đón bốn khách ở cầu vượt Linh Trung liền bị một nhóm thanh niên đến đòi tiền. Tôi đưa 100.000 đồng thì bị họ chửi và buộc phải đưa đến 300.000 đồng”.

Chị Nguyễn Thị Thanh, một công nhân, cho biết: “Tôi đón xe ở quốc lộ 1A cứ bị các thanh niên lôi kéo, nài nỉ lên xe khách mà họ chọn. Tôi đi Nha Trang nhưng họ đưa lên xe Bình Thuận và khi đến Đồng Nai thì xe này lại sang cho một xe khác và tiếp tục bắt tôi đóng thêm 50.000 đồng mới cho đi tiếp”.

Đi xe “dù” gặp nhiều rủi ro như vậy nhưng vì sao nhiều người vẫn ra đường đón xe “dù”? Theo chị Nguyễn Thị Hoa (công nhân Công ty P), do quốc lộ 1A giáp ranh với khu công nghiệp nên nhiều công nhân thường ra đây đón xe. Mặt khác, nhiều công nhân mới ở quê vào không biết các bến xe cũng như cách thức đón khách ở bến xe ra sao nên ngại đến bến xe. Đó là chưa kể do đồ đạc rất cồng kềnh nên khó mang vác đi xa.

Tăng cường lực lượng chấn chỉnh nạn “cò” xe

Chiều 13-1, thượng tá Võ Văn Phúc, trưởng Công an thị xã Dĩ An (Bình Dương), cho biết đang triển khai lực lượng tăng cường trên tuyến quốc lộ 1A. Vừa qua, công an địa phương đã bắt hai đối tượng “cò” và hiện tiếp tục theo dõi, chấn chỉnh thực trạng này.

Theo ông Nguyễn Ngọc Ẩn - chủ tịch UBND P.An Bình, thị xã Dĩ An (Bình Dương), phường đã nắm được nạn “cò” xe như Tuổi Trẻ phản ánh. Cũng theo ông Ẩn, vào những ngày này “cò” xe tăng đột biến, chủ yếu là người từ nơi khác đến và sẵn sàng có hành vi côn đồ để làm “cò”. Trước thực trạng này, UBND phường đã chỉ đạo công an phường tăng cường lực lượng dọc tuyến quốc lộ 1A. Lực lượng sẽ túc trực cả ban ngày và ban đêm ở đây để nắm rõ các đối tượng “cò” nhằm xử lý kịp thời.

Ông Ẩn lưu ý công nhân bến xe ở gần khu vực này, vì vậy nên đến bến xe mua vé về quê cho an toàn. “Nhiều công nhân nghĩ mua vé xe “dù” bên ngoài sẽ rẻ hơn nên cứ đổ xô ra đây đón xe” - ông Ẩn nói.

* Theo ông Lê Văn Tuấn - đội trưởng đội 5, thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM, liên ngành thanh tra sở, Công an Q.9, Phòng cảnh sát giao thông Công an TP đã ra quân kiểm tra xử lý các bến “cóc”, xe “dù” trên quốc lộ 1A đoạn từ cầu vượt Bình Phước đến Suối Tiên. Theo ông Tuấn, phần lớn xe đều có giấy tờ hợp pháp từ bến xe miền Đông nhưng ra đây rước thêm khách là vi phạm quy định về điểm dừng đón khách nên bị phạt từ 400.000-800.000 đồng và bị tạm giữ giấy phép lái xe 30 ngày. Trường hợp xe chở khách quá số ghế quy định bị phạt từ 200.000-500.000 đồng. Đối với xe “dù” không có giấy tờ sẽ tạm giữ xe để xử lý ngay. Lực lượng kiểm tra liên ngành đã phân công công an địa phương xử lý các đối tượng hành hung hành khách hoặc bắt chẹt tiền khách.

Bị nhồi nhét, sang xe, gọi (08)38984441

Trưa 13-1, chúng tôi ghi nhận xe “dù” hoạt động rầm rộ dọc quốc lộ 13, quốc lộ 1A, cụ thể tại cây xăng Huệ Thiên 2 (quốc lộ 13, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức), cây xăng Huệ Thiên 3 (quốc lộ 1A, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức), cây xăng Sài Gòn Nhỏ (quốc lộ 1A, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức)...

Khoảng 11g ngày 13-1, chúng tôi theo xe khách 16 chỗ của hãng HL từ cổng sau bến xe miền Đông đến cầu Bình Triệu 1 thấy một lái xe ôm vẫy xe tấp vào lề đường để đưa một hành khách lên xe. Khi xe đang lên dốc, người chạy xe ôm đuổi theo để nhận 10.000 đồng tiền “cò” dẫn khách.

Phía dưới chân cầu Bình Triệu 1 (phía Q.Bình Thạnh) có một đội ngũ xe ôm kiêm “cò” dẫn khách cho xe “dù”. Chị Nguyễn Thị Như Tuyến mang balô và hành lý chuẩn bị vào bến xe miền Đông mua vé về quê thì bị “cò” kéo vào lề đường để “mua vé giùm” và ra giá 1 triệu đồng/ghế ngồi về tới Vinh (Nghệ An). Sau khi chị Tuyến đồng ý mức giá trên, tay “cò” nhận từ chị 100.000 đồng tiền cọc rồi dẫn chị lên xe hãng SQ và nhận thêm của nhà xe 50.000 đồng. Khi hỏi nhà xe, chị Tuyến mới biết giá vé về tới Vinh chỉ 900.000 đồng.

Ông Thượng Thanh Hải - phó giám đốc bến xe miền Đông - cho biết trường hợp xe đò ở bến trên đường chở khách về các tỉnh mà nhồi nhét, bắt chẹt tiền hoặc sang bán khách dọc đường thì bà con gọi ngay về số điện thoại đường dây nóng của bến xe là (08)38984441, nếu gọi bằng điện thoại di động là 0838984441.

Ông Lê Văn Tuấn (đội trưởng đội 5, Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên