Phóng to |
Kẻ trộm khiêng két sắt có toàn bộ sắc phong ra khỏi đình Bồng Châu bằng cửa chính - Ảnh: Vũ Tuân |
Đây chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện về nạn mất cắp cổ vật liên tiếp xảy ra tại nhiều đình chùa miền Bắc. Nhưng công tác quản lý, bảo vệ các cổ vật tại nhiều đình chùa - di tích lịch sử vẫn hớ hênh; nhất là tại các di tích do địa phương quản lý, cổ vật, đồ thờ có giá trị luôn ở tình cảnh “mỡ treo miệng mèo”.
Cắt ba lần khóa trộm cổ vật
Cha chung không ai khóc PGS.TS Trần Lâm Biền cho biết: “Tình trạng mất cắp cổ vật ở đình, chùa đã diễn ra từ nhiều năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức và sự hiểu biết của người dân địa phương còn hạn chế về giá trị các đồ cổ trong di tích. Hơn nữa, việc chơi và mua bán đồ cổ đang nở rộ ở VN. Những người trực tiếp quản lý di tích lại thường thờ ơ với di sản văn hóa. Mà những di sản văn hóa hiện nay thường giao cho địa phương quản lý, dẫn đến tình trạng cha chung không ai khóc”. |
Ông Nguyễn Phi Hòa - cụ từ trông coi đình Thanh Trì đã 10 năm nay - kể lại sự việc: “Tối hôm đó, như thường lệ, tôi ở lại đình đến 10g tối thì về. Khoảng 1g đêm hôm đó, người dân quanh đình có nghe thấy tiếng chó sủa và tiếng ôtô đi vào làng nhưng vì đang mưa gió nên không ai để ý là trộm. Sáng sớm hôm sau, một người dân ở gần đình gọi điện về báo tôi rằng trong đình bị mất cắp”. Sau đó, ông Hòa chạy ra ngoài đình thì thấy cả ba lần khóa (một chiếc khóa cổng, một chiếc khóa cửa khu đại bái và một khóa cửa ở hậu cung) đều bị cắt. Cửa đình mở toang. Một đôi hạc bằng đồng, mỗi con cao khoảng 1,5m, nặng khoảng 70kg cùng một chiếc chóe cổ đã không cánh mà bay. Kẻ gian đã vứt lại chiếc kìm cộng lực dùng để cắt khóa vào đình. Công an quận Hoàng Mai đã về đây điều tra nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. “Ba lần cửa khóa cũng chỉ phòng người ngay chứ phòng sao được kẻ gian chốn đình chùa” - ông Hòa thở dài.
Trước đó, vào cuối năm 2012 tại đình Yên Việt, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh) cũng đã xảy ra vụ mất cắp 11 đạo sắc phong cổ, một nậm rượu men lam và một mâm bồng bằng đồng từ thời nhà Nguyễn. Đây đều là những cổ vật đã được người dân địa phương giữ gìn hàng trăm năm nay. Toàn bộ giấy tờ lưu giữ trong đình bị kẻ gian lấy đi. Trong số 11 đạo sắc phong bị mất cắp, sắc phong cổ nhất có niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786).
Vào tháng 1-2013, tại chùa Phù Lưu Hạ và đình Phù Lưu Hạ (Ứng Hòa, Hà Nội) liên tiếp bị mất cắp một quả chuông cổ và nhiều đồ thờ tự bằng đồng có giá trị. Đầu năm 2013, tại đình thờ Đinh triều quốc mẫu Đàm Thị (thân mẫu vua Đinh Tiên Hoàng) ở xã Độc Lập, Hưng Hà, Thái Bình cũng bị mất một bức đại tự cùng nhiều hoành phi và đồ thờ khác.
Phóng to |
Nhiều đồ vật có giá trị trong chùa Nễ Châu phải dùng khóa sắt và đóng gông bằng thép như thế này - Ảnh: Vũ Tuân |
Két sắt không ngăn được kẻ gian
Tháng 8-2013, sau nhiều thời gian tìm kiếm, người dân thôn Tân Mỹ II, xã Phú Cường, huyện Kim Động, Hưng Yên vui mừng khôn xiết khi chuộc được một sắc phong cổ từ tay kẻ gian về lại cho đình Bồng Châu - di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1994. Cả thôn đã làm lễ rước linh đình để đón sắc phong trở về đình. Nhưng đó chỉ là một trong số 69 sắc phong nơi đây bị mất cắp được tìm thấy.
Sự việc xảy ra vào đêm 10-3-2013. Ông Đào Ngọc Lễ - người được dân làng cử làm cụ từ trông coi đền Bồng Châu gần 10 năm nay - kể lại: “Đêm đó tôi nằm ở đình đến 11g đêm, nhưng gió lạnh quá ở đình một mình sợ ốm đau nên khóa cửa đình cẩn thận rồi về nhà. Vì bụng dạ cứ nóng ruột không yên nên hơn 4g sáng, tôi ra đình xem thì thấy đèn bên ngoài đã tắt, cửa chính bị mở toang. Chạy vào trong hậu cung thì thấy két sắt dựng 69 sắc phong cổ và toàn bộ giấy tờ của đình đã biến mất”.
Chiếc két sắt nặng 250kg này ngoài một mật mã mà chỉ bốn cụ trong ban khánh tiết mới được biết, còn có thêm bốn chiếc khóa lớn do bốn cụ cầm. Phải có đủ bốn chìa khóa này cùng một lúc mới có thể mở được két sắt. Tưởng vậy là an toàn nên dân làng chỉ cắt cử một cụ hằng đêm ra ngủ tại đình để trông coi. Nhưng kẻ gian đâu cần mở khóa, chúng bê nguyên cả két sắt!
Theo ông Lễ kể lại, kẻ gian ít nhất phải có ba người mới khiêng được chiếc két nặng như vậy. Chúng dùng thang, dỡ ngói, trèo tường đột nhập vào đình, rồi dùng kìm bẻ khóa hậu cung khiêng két sắt ra ngoài bằng cửa chính. Sau đó, có người đã rao bán trên mạng Internet một sắc phong cổ bị mất cắp ở đình Bồng Châu. Người dân nơi đây biết được đã chủ động liên lạc với kẻ rao bán và đến tháng 8-2013 đã tìm lại được một sắc phong ở Vụ Bản, Nam Định. Người dân thôn Tân Mỹ II đã cùng nhau đóng góp tiền tàu xe cho các cụ đi lại và tiền chuộc lại một sắc phong này với giá 5 triệu đồng. Ông Lễ, cũng như nhiều người dân ở đây, đã nói rằng dù phải mất bao nhiêu tiền nhưng nếu chuộc lại được những sắc phong đó họ sẵn sàng đóng góp. “Trước đó, xã hứa sẽ giúp chúng tôi 2 triệu đồng đi lại để lấy sắc phong, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy số tiền đó” - ông Lễ cho biết.
Điều đáng nói là cơ quan chức năng của xã Phú Cường và tỉnh Hưng Yên vào cuộc đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa điều tra được. Sau khi xảy ra vụ mất cắp, công tác đảm bảo an ninh, bảo vệ những cổ vật còn lại trong đình vẫn không có gì thay đổi. Ông Lễ vẫn một mình trông coi đình hằng đêm. “Chỉ một mình tôi trông coi đình, nếu chúng có vào đánh chết tôi để lấy cắp cổ vật thì cũng phải chịu chứ chẳng biết làm thế nào!” - ông Lễ nói.
Trước đó, đình Bồng Châu từng xảy ra vài vụ mất trộm đồ thờ cúng có giá trị.
“Chiến lũy phòng trộm”
Nằm trong cụm di tích phố Hiến, chùa Nễ Châu (phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên) đã được đón bằng di tích quốc gia từ năm 1992. Đây là ngôi chùa được xây dựng từ thời Lê Hoàn, có rất nhiều tượng Phật, cổ vật, sắc phong. Nhưng đây cũng là điều khiến sư thầy Thích Đàm Phương - trụ trì chùa Nễ Châu - lo lắng. Vì có nhiều đồ vật có giá trị nên chùa Nễ Châu là nơi thường xuyên bị kẻ trộm rình rập. Đến nay, chùa đã nhiều lần bị mất trộm. Một lần, chùa bị mất cùng lúc năm pho tượng cổ. Năm 2008, kẻ gian bẻ chấn song cửa vào lấy đi tất cả đồ thờ có giá trị. Cuối năm 2011, giữa ban ngày kẻ gian giả làm người đi cúng lễ lấy cắp một pho tượng Ngọc Nữ và một chiếc mõ cổ. “Chiếc mõ ấy to lắm, một sải tay người ôm mới hết. Từ đời này qua đời khác mấy trăm năm, đánh đã bị vẹt ở giữa. Tiếng mõ vang xa mỗi khi gõ nghe thích lắm” - thầy Thích Đàm Phương nói.
Thầy Phương cho biết lần nào xảy ra sự việc thầy cũng báo cáo với chính quyền, nhưng họ chỉ nói để xem xét rồi sau đó chùa lại bị mất trộm. Không còn cách nào khác, thầy Thích Đàm Phương dựng cả một “chiến lũy” đề phòng kẻ gian. Với những đồ thờ có giá trị, sư thầy dùng xích khóa lại, hoặc dùng sắt hàn thành khuôn khóa lại. Bên trong cửa các phòng, thầy dùng dây cáp lớn đan những thanh sắt vào nhau, làm thanh ngang chèn dọc tất cả các cửa để phòng kẻ gian bẻ song cửa vào. Vẫn chưa yên tâm, những khoảng trống trong chùa, phía trên, thầy dùng nhiều thanh sắt đan lại với nhau phòng kẻ trộm trèo thang từ ngoài vào trong chùa. “Tôi không muốn phải dùng khóa với dây thép trong chùa đâu, vì đình, chùa là chốn linh thiêng, nhưng không làm vậy thì đồ cổ quý hiếm trong chùa cứ lần lượt đội nón ra đi nên không đành lòng” - thầy Phương nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận