Phóng to |
Người dân nhiều nơi phải tự trang bị hệ thống lọc nước vì không yên tâm nước sạch được được cung cấp - Ảnh QUANG KHẢI |
Theo ông Tiến, nếu Thủ tướng cho phép sửa đổi quy định này thì Bộ Xây dựng sẽ tổ chức lấy ý kiến tìm biện pháp thay thế quy định mức thu tối thiểu 4m3/hộ/tháng của nghị định 117. Ông Tiến nói:
- Nghị định 117 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch quy định toàn bộ chi phí và thiết bị lắp đặt đường ống, cung cấp nước sạch cho các hộ dân trên do đơn vị cung cấp nước sạch đầu tư, bảo dưỡng. Vì vậy, nghị định cũng quy định các hộ gia đình không sử dụng hoặc sử dụng nước ít hơn 4m3/hộ/tháng vẫn phải trả tiền khối lượng nước sử dụng tối thiểu.
Thời gian qua có những hộ gia đình ít người hoặc tiêu thụ không quá 4m3 đề nghị thay đổi hoặc không nên thu theo cách này. Bộ Xây dựng đã nhận được hơn 60 kiến nghị của các sở xây dựng và đơn vị cấp nước, người dân... đề nghị xem lại quy định vì số hộ dùng dưới 4m3 rất ít nhưng hầu hết rơi vào hộ nghèo.
* Việc sửa đổi sẽ theo hướng nào, thưa ông?
- Hiện nhiều ý kiến đề xuất sửa theo các hướng: giữ nguyên quy định 4m3 nhưng làm rõ chính sách với hộ gia đình có ít người, hộ nghèo; bỏ quy định này trong trường hợp tự đầu tư đường ống và đồng hồ; trả tiền thuê đấu nối theo cách: nếu công ty cấp nước lắp đặt và cung cấp đường ống, đồng hồ cộng với bảo dưỡng thì tính phí từng tháng đến khi họ hoàn vốn. Tiền thuê đấu nối này tương tự phí thuê bao điện thoại cố định. Ngoài ra, nhiều ý kiến ủng hộ đưa luôn phí lắp đặt, sửa chữa vào giá nước.
* Nhiều ý kiến cho rằng phương án thu phí thuê bao hằng tháng của Hội Cấp thoát nước VN sẽ dẫn đến những thiệt thòi cho các hộ sử dụng chưa tới 4m3/tháng...
- Nếu thu 4m3 hay thu theo mức thu hằng tháng đều bảo là không được thì cũng khó. Vấn đề là đưa ra được phương án hợp lý cho cộng đồng lớn nhất chứ không phụ thuộc số ít hay số nhiều. Nếu thỏa mãn số ít mà số đông thiệt thòi cũng không được. Vì vậy, cần một phương án tương đối hợp lý, hài hòa để cân nhắc chứ không thể thỏa mãn được hết. Hiện nhiều ý kiến ủng hộ đưa luôn tiền đấu nối vào giá nước, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu.
* Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng có thể tăng giá nước đối với các đơn vị không sử dụng nước cho sinh hoạt để phục vụ lắp đặt, bảo trì cho các hộ gia đình?
- Nói như vậy cũng có phần đúng nhưng nếu chỉ dựa vào một nguồn đó thì không bao giờ có đủ. Giá nước bị khống chế, giá nước phải cao hơn hiện nay thì đơn vị cấp nước mới đủ chi phí sản xuất và có lãi. Mỗi đối tượng tiêu thụ nước có giá khác nhau nhưng khi thu về thì gộp chung trong một đơn vị cấp nước. Họ sẽ cân đối chứ không thể nói bù theo cách đó là phù hợp. Nhiều ý kiến cho rằng giá thu tiền nước hiện nay vẫn đang thấp nhưng tăng cũng phải cân nhắc.
Mới chỉ đề nghị về nguyên tắc Ông Nguyễn Tôn - chủ tịch Hội Cấp thoát nước VN - cho biết đề xuất thu “phí đấu nối” hằng tháng như thuê bao điện thoại thay cho quy định thu 4m3 xuất phát từ nhiều ý kiến không đồng tình với việc sử dụng dưới 4m3 nước/tháng mà vẫn phải trả tiền đủ 4m3. Những trường hợp này là những hộ nghèo. Ông Tôn cho rằng ngành bưu điện khi lắp điện thoại vẫn tính phí thuê bao hằng tháng để sửa chữa khi hư hỏng. Việc sửa chữa cấp nước khó khăn hơn và chi phí cao hơn sửa chữa điện thoại nên các hộ sử dụng nước vẫn phải đóng phí để có nguồn kinh phí sửa chữa, bảo trì cũng như trả chi phí lắp đặt đấu nối ban đầu. “Còn phí đó là bao nhiêu thì phải tính toán cụ thể theo mức độ sử dụng của từng đối tượng. Ở đây chúng tôi chỉ đề nghị nguyên tắc, khi đã chấp nhận thực hiện phải tính toán chi tiết” - ông Tôn nói. Về ý kiến người sử dụng chưa hết 4m3/tháng vẫn thấy bất hợp lý khi họ phải đóng cả phí thuê bao bên cạnh tiền nước nếu bỏ quy định thu tiền 4m3, ông Tôn lý giải: “Các hộ sử dụng chưa quá 4m3 không bị thiệt. Vì họ sử dụng nước bao nhiêu thì trả tiền bấy nhiêu. Còn phải đóng phí để có chi phí bảo trì bảo dưỡng, sửa chữa cũng như trả tiền lắp đồng hồ, đường ống để đấu nối vào nhà. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận