10/06/2013 08:06 GMT+7

Cớ sao ông Un lại ừ?

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Cuối cùng tấn tuồng hạt nhân và tên lửa đã hạ màn với việc hai miền Nam - Bắc Triều Tiên gặp nhau tại Bàn Môn Điếm sau suốt mấy tháng trời căng thẳng cực kỳ.

8r3qPQAO.jpgPhóng to
Trưởng đoàn đại biểu CHDCND Triều Tiên Kim Song Hye (trái) bắt tay người đồng nhiệm Hàn Quốc Chun Hae Sung tại buổi hội đàm - Ảnh: AFP

Ngày 6-6, Bình Nhưỡng đột ngột đưa ra đề nghị này, Seoul đồng ý ngay và đề xuất gặp nhau tại Seoul. Qua ngày 7-6, Bình Nhưỡng đề xuất gặp tại khu kinh tế cửa khẩu Kaesong, song Seoul lại đề xuất gặp ở Bàn Môn Điếm. Sáng 8-6, Bình Nhưỡng trả lời đồng ý.

Nếu điểm lại diễn biến khủng hoảng lần này sẽ thấy có những trùng hợp ngoạn mục với những diễn biến ở nơi khác. Bắt đầu là “thử nghiệm vệ tinh” ngày 12-12 năm ngoái, dẫn đến kết luận của toàn thể 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 22-1 năm nay lên án vụ thử tên lửa đạn đạo. Báo chí thế giới trầm trồ việc Trung Quốc tham gia bỏ phiếu.

Ông Kim Jong Un trả lời bằng vụ gây nổ hạt nhân ngày 12-2 dẫn đến một nghị quyết trừng phạt mới của toàn thể Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó có lá phiếu Trung Quốc. Thế là ông Un đe dọa tấn công hạt nhân. Đến hạ tuần tháng 4, ông Un còn tiếp tục gây căng thẳng với những chuẩn bị phóng tên lửa Musudan cùng tuyên bố ngày 17-4 của Bộ Ngoại giao Triều Tiên tiếp tục khẳng định: Bình Nhưỡng sẽ không đồng ý một cuộc đàm phán “đáng hổ thẹn” với Mỹ, và cuộc đối thoại chỉ có khả năng diễn ra nếu Washington từ bỏ chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng. Sau đó chẳng có một tên lửa Musudan nào được phóng đi, thay vào đó là một chuỗi tên lửa “tép riu” không xa lạ gì.

Cân não chiến tranh được hâm nóng bằng chuyến thị sát một căn cứ hải quân hôm 28-5 của đại tướng Un với chỉ thị: “Hãy che giấu kỹ lưỡng tàu bè kẻo bị dòm ngó...!” (trong thời buổi ảnh vệ tinh). Đùng một cái, 10 ngày sau Bình Nhưỡng chủ động đề nghị nối lại đàm phán với Seoul!

Cũng trong khoảng thời gian đó, ở Bắc Kinh diễn ra quá trình thay đổi bộ máy lãnh đạo. Ngày 15-11-2012, ông Tập Cận Bình nhậm chức tổng bí thư kiêm chủ tịch Quân ủy trung ương, đến ngày 14-2-2013 chính thức cầm quyền trên cương vị chủ tịch nước. Và khi hai miền Nam - Bắc Triều Tiên gặp nhau ngày 9-6 thì ông Tập cũng vừa kết thúc cuộc gặp hai ngày ông Obama ở Sunnylands.

Nếu xếp hai quá trình diễn biến này chồng lên nhau sẽ thấy cuộc khủng hoảng Triều Tiên bắt đầu bốn tuần sau khi ông Tập nhậm chức tổng bí thư, lên cao điểm hai ngày trước khi ông Tập nắm quyền và “bong bóng xì hơi” cùng lúc với chuyến đi Mỹ của ông Tập. Cứ như thể việc ông Un thách thức chiến tranh khiến Mỹ đáp trả bằng cách đưa oanh tạc cơ chiến lược tàng hình đến, kéo quân tới tập trận với Hàn Quốc là để “chào đón” ông Tập hoặc để thử nghiệm giùm ai đó xem “con hổ giấy Mỹ” vào đầu triều đại mới này có “lạnh lưng” hay không.

Sau khi tất cả yên vị ở Bắc Kinh, cách đây hai tuần, từ ngày 22 đến 24-5, tướng Choe Ryong Hae - chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Triều Tiên - đã bay sang Trung Quốc và ra về với hứa hẹn viện trợ lương thực cùng dầu thô trị giá 200 triệu USD, đổi lại việc Bình Nhưỡng chấp thuận nối lại đàm phán sáu bên như nhật báo Nhật Bản Jiji vừa tiết lộ. Và nay cuộc khủng hoảng hạt nhân cũng hạ màn.

Với “kịch bản” này, quả là lãnh đạo mới Bắc Kinh rất có trách nhiệm khi vừa cùng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trừng phạt Triều Tiên, vừa chứng tỏ vẫn nắm cương được Bình Nhưỡng, vẫn thỏa lòng mong mỏi của Ngoại trưởng Mỹ Kerry khi ông này đến Bắc Kinh nhờ vả. Càng dễ hiểu hơn nếu nhớ lại rằng ngày 30-11 năm ngoái, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lý Kiến Quốc sang Bình Nhưỡng đã chuyển thư riêng của tân Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình cho ông Kim Jong Un. Nội dung bức thư không được tiết lộ.

Gặp gỡ Bình Nhưỡng - Seoul: khúc dạo đầu êm ả

Lần đầu tiên sau hơn hai năm qua, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc ngày 9-6 đã có cuộc hội đàm chính thức ở cấp chuyên viên diễn ra ở làng đình chiến tại Bàn Môn Điếm, chuẩn bị một cuộc gặp cấp cao ở Seoul vào ngày 12-6.

Theo AFP mô tả, cuộc gặp gỡ diễn ra bình yên và không có tranh luận gay gắt gì. Nội dung cuộc hội đàm nhằm đưa ra một cơ cấu cho cuộc gặp cấp cao giữa đôi bên ở Seoul ngày 12-6 tới đây. Khi đó, nghị trình sẽ tập trung vào việc khôi phục các mối liên kết thương mại đã bị gián đoạn trong thời gian qua, trong đó có cả Khu công nghiệp chung Kaesong nằm trong lãnh thổ của CHDCND Triều Tiên. Khu công nghiệp này đã bị Bình Nhưỡng đóng cửa hồi tháng 4 khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dâng cao.

AFP dẫn lời giáo sư Yang Moo Jin thuộc Trường đại học Nghiên cứu về Triều Tiên ở Seoul nhận định: “Cuộc hội đàm hôm nay thuần túy mang tính trù bị nên ít có cơ hội cho những bất đồng”. Ông cho rằng tình hình thật sự như thế nào thì phải đợi đến ngày 12-6 mới rõ.

thu anh

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên