05/01/2013 16:14 GMT+7

Có rào kẽm gai, hàng lậu vẫn ồ ạt vượt biên

MINH QUANG
MINH QUANG

TTO - Đánh hàng lậu phải đánh từ vùng biên để nó thẩm thấu vào nội địa không khác nước lụt đầy nhà, chỉ có thể thấm chứ không thể “hốt” hết được. Đó là nhận định của hầu hết cán bộ điều tra lĩnh vực này.

Trên thực tế, hàng lậu qua được biên giới Móng Cái (Quảng Ninh), Lạng Sơn là ùn ùn đổ về xuôi qua mọi nẻo đường, lách mọi kẽ hở quản lý để chạy ra chợ đến người tiêu dùng...

ReKGhMNq.jpgPhóng to

Cửu vạn vận chuyển hàng lậu bằng xe máy tại thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn - Ảnh: M.QUANG

1.001 thủ đoạn vận chuyển hàng lậu

Chỉ trong khoảng 4 tháng cuối năm 2012, Đội chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an Hà Nội đã khám phá gần 100 vụ buôn lậu các loại hàng hóa. Trong số đó có hàng loạt vụ bắt giữ với số lượng lớn như vụ bắt giữ 10 xe tải chở hàng lậu với gần 30 tấn hàng trên phố Nguyễn Tư Giản hôm 19-10; vụ vận chuyển hàng hóa trên tàu hỏa, thu giữ 248 bao kiện hàng hóa hơn 10 tấn tại ga Hà Nội ngày 18-12...

Toàn bộ số hàng hóa bị đơn vị này thu giữ đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, được vận chuyển từ Lạng Sơn về Hà Nội.

Trong vụ bắt giữ 10 xe tải hàng lậu trên phố Nguyễn Tư Giản, cơ quan công an phát hiện có tới 5 chiếc xe tải hạng nhẹ chở hàng mang biển kiểm soát giả. Tương tự, ngày 17-12, đơn vị này bắt giữ xe ôtô tải mang biển kiểm soát giả chuyển hàng lậu đi qua địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Theo đánh giá của Đội chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm, trong thời gian gần đây, các đối tượng buôn lậu đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn để qua mắt cơ quan chống buôn lậu. Điển hình là việc thay đổi biển kiểm soát, các xe chở hàng đều được thiết kế “ngoàm đảo biển”, khi xe đi đến địa phương nào sẽ đổi biển kiểm soát của địa phương đó nhằm hòa lẫn với xe vận tải thông thường trong tỉnh, tránh sự kiểm soát của công an.

Ngoài ra, những người vận chuyển hàng lậu còn sử dụng xe khách loại 16 chỗ, tháo toàn bộ ghế, dán kính đen hoặc sử dụng xe ben chuyên chở vật liệu xây dựng để chở hàng. Thậm chí có những vụ, các đối tượng vận chuyển còn thuê xe 5-7 chỗ, chở 3-4 kiện hàng một lần chuyển thẳng đến địa điểm nhận hàng.

5IMYcPRT.jpgPhóng to

Xe tải mang biển kiểm soát giả vận chuyển hàng lậu - Ảnh: M.QUANG

Hé lộ những đường dây vận chuyển hàng lậu xuyên biên giới

Mặc dù tại cơ quan công an, các nghi phạm bị bắt trong những phi vụ vận chuyển này đều khai nhận được người không quen biết thuê chở để lấy tiền công nhưng thực tế, hầu hết các đối tượng đều nằm trong những đường dây vận chuyển hàng hóa lớn từ biên giới về Hà Nội. Trong phi vụ vận chuyển của Nguyễn Văn Nam, những lời khai của Nam tại cơ quan công an cho thấy Nam được một người đàn ông tên Hùng thuê vận chuyển hàng hóa từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) về Hà Nội và giao cho một biển kiểm soát giả cùng hóa đơn vận chuyển hàng. Hùng đã chỉ đạo Nam đến khu vực nào phải thay biển kiểm soát để tránh bị phát hiện, phải chạy xe ban đêm...

Theo thống kê của Hải quan Lạng Sơn cho thấy các điểm nóng buôn lậu vẫn là hai bên cánh gà các cửa khẩu Cốc Nam, Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma. Mặt hàng nhập lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng, hàng gia dụng có thuế nhập khẩu cao như quần áo, đồ điện gia dụng, đồ chơi trẻ em...

Hàng thường được đưa vào giờ cao điểm như chập tối, nửa đêm, gần sáng bằng các thủ đoạn xé lẻ, chia nhỏ để thuê người vác qua biên giới.

Theo T., một chủ hàng tại chợ Ninh Hiệp (Hà Nội), mỗi lần đi đánh hàng tại Quảng Châu, Trung Quốc, T. chỉ việc đi người không, sang chọn hàng. Tiền hàng được chuyển qua đường dây tín dụng sang Trung Quốc trước đó, bao nhiêu tiền đều trừ vào sổ tín dụng của T. Mua hàng xong, toàn bộ được đóng kiện, giao cho một số đầu nậu vận chuyển như nhà V.T., nhà N.T. có các chân rết từ Trung Quốc về đến Việt Nam.

Mỗi kiện hàng tùy loại có giá vận chuyển từ 1-1,5 triệu đồng về tận Hà Nội, Bắc Ninh hay Bắc Giang. Nếu mất hàng, T. chỉ được bồi thường 50% giá trị hàng hóa. Mặc dù độ rủi ro cao nhưng T. khẳng định chắc nịch “mất ít lắm, đen quá phải chịu chứ mấy nhà này đều làm ăn có tín nhiệm cao, hàng thường không mất 1 chiếc”.

Thượng tá Lê Hồng Sơn, phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an Hà Nội, cho biết tình hình vận chuyển hàng lậu hiện nổi lên vấn đề hóa đơn thiếu thuế, thiếu giá trị. Cụ thể, hầu hết các xe vận chuyển hàng đều có hóa đơn nhưng ghi thiếu số lượng hàng, ghi giá trị hàng thấp hơn thực tế.

Có vụ việc cơ quan công an bắt giữ các đối tượng vận chuyển cả xe tải hàng 16 tấn, trị giá khoảng 1,5 tỉ đồng nhưng hóa đơn chỉ thể hiện giá trị trên 93 triệu đồng.

“Buôn lậu ở Lạng Sơn lúc nào cũng nóng”, đại tá Nông Văn Định, phó giám đốc Công an tỉnh, khẳng định chắc nịch khi đánh giá về tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh. Nóng vì chỉ một đoạn vài kilômét từ Cốc Nam đến Tân Thanh đã có hàng chục, hàng trăm đường qua lại do dân buôn lậu tạo ra để vận chuyển hàng lậu qua biên giới. Để chặn buôn lậu, tỉnh Lạng Sơn đã phải lập các đoàn liên ngành, chốt chặn 24/24g tại những điểm nóng mà dân cửu vạn vác hàng như khu vực cửa khẩu Cốc Nam, Hang Dơi nhưng hàng lậu vẫn thẩm thấu.

5d77Xy3j.jpgPhóng to

Gần 100 cảnh sát bắt giữ hơn 30 tấn hàng lậu trên phố Nguyễn Tư Giản, Hà Nội - Ảnh: M.QUANG

Ngay bên kia biên giới là một kho hàng lớn của nước bạn (chợ Lũng Vài - Trung Quốc với hàng nghìn kho hàng các loại, từ hàng tiêu dùng đến hàng cấm), kéo dài từ mốc 15 đến mốc 16. Với đặc thù biên giới giáp ranh nên lượng hàng thẩm lậu rất nhiều, cửu vạn chỉ cần có cơ hội là đưa hàng vào Việt Nam. Không chỉ ban đêm, ngay cả ban ngày khi lực lượng biên phòng thay ca cửu vạn cũng đưa hàng vào.

Ông Vy Công Tường, phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, cho biết từ trước tết hàng tháng, lực lượng Hải quan đã phối hợp với biên phòng và các lực lượng chống buôn lậu của Lạng Sơn chốt chặn trên địa bàn, các tuyến đường xương cá vận chuyển hàng lậu vào Đồng Đăng nhưng thực sự không xuể.

Ngay trên mốc biên giới 1103 thuộc khu vực đồn biên phòng Cốc Nam, lực lượng biên phòng đã lập chốt, dựng cả hàng rào thép gai gác cửa vào Việt Nam nhưng cửu vạn luôn rình rập, chớp thời cơ tuồn hàng về nước. Nhiều vụ nhóm buôn lậu còn giành giật hàng với lực lượng chống buôn lậu.

Theo ông Tường, vấn đề lớn nhất vẫn là do quản lý đối với chính sách hàng hóa cho cư dân biên giới. Mỗi ngày mỗi người dân được mua hàng hóa từ nước bạn với giá trị 2 triệu đồng để sử dụng, nếu không dùng hết được bán lại và phải thực hiện nghĩa vụ thuế. Lợi dụng chính sách này, các đối tượng buôn lậu tổ chức thu gom vào các hộ kinh doanh rồi xuất hóa đơn, đưa hàng vào nội địa và trốn thuế. Lợi nhuận cao nên các đối tượng buôn lậu luôn có những thủ đoạn mới, lách kẽ hở chính sách để thực hiện hành vi buôn lậu của mình.

Do đó, theo ông, cần siết chặt hành vi lợi dụng chính sách này mới có thể ngăn chặn một phần tình trạng buôn lậu, nhất là vào thời điểm cận tết hiện nay.

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên