28/01/2015 09:17 GMT+7

​Cơ quan thuế, chứng khoán có quyền điều tra?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Chính phủ đưa ra phương án trao thẩm quyền điều tra cho các cơ quan thuế, chứng khoán, kiểm ngư trong dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự trình Ủy ban Tư pháp thẩm tra.

Thứ trưởng Lê Quý Vương phát biểu tại phiên họp thảo luận về dự luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự - Ảnh: L.Kiên

Tuy nhiên phương án này đã “vấp” phải nhiều ý kiến băn khoăn.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết một trong hai phương án trình ra Quốc hội là: “đề nghị bổ sung kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và cơ quan thuế là cơ quan điều tra được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”.

Lý do là vì tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản trên biển, thuế, chứng khoán ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Việc bổ sung các cơ quan này được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra sẽ huy động được sức mạnh tổng hợp tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là trong các lĩnh vực có tính chất đặc thù. Kinh nghiệm của các nước cho thấy những cơ quan này đều được giao thẩm quyền điều tra.

“Không phải thấy nước ngoài có cái gì thì mình cũng phải có” - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng không bác bỏ đề xuất của Chính phủ nhưng ông “đề nghị phải nghiên cứu và cân nhắc thật kỹ”.

Ông Hồng nói thêm: “Trước đây trao cho biên phòng, hải quan, kiểm lâm, cảnh sát biển một số hoạt động điều tra là do đặc thù địa bàn hoạt động chứ không phải đặc thù của lĩnh vực. Xu hướng của chúng ta là tổ chức cơ quan điều tra chuyên trách, ngày càng mạnh lên”. 

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phân tích: “Giao thẩm quyền thì phải giao mô hình, tổ chức tương ứng. Nếu giao cho người ta thẩm quyền điều tra mà không giao tổ chức như không có thủ trưởng cơ quan điều tra, không có điều tra viên chuyên trách thì người ta sẽ làm việc thế nào, hiệu quả đến đâu?”. 

Ông Quyền cũng cho rằng cơ quan điều tra thuế của nước ngoài hoàn toàn khác mô hình cơ quan điều tra thuế của VN mà chúng ta định áp dụng.

“Nếu với cứ lý lẽ như trên đây thì tới đây sẽ có nhiều cơ quan, lĩnh vực khác đề nghị được giao thẩm quyền điều tra, vậy là sẽ nhà nhà điều tra, người người điều tra” - ông Quyền bình luận.

Cũng như ông Quyền, một phó chủ nhiệm khác của Ủy ban Tư pháp là bà Lê Thị Nga không đồng ý mở rộng thẩm quyền điều tra cho các cơ quan thuế, chứng khoán.

Cũng liên quan tới dự án luật này, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - giám đốc Công an Hà Nội - cho biết có đến 58% các vụ phạm tội bị bắt quả tang ở Hà Nội là từ công an phường, xã. Trước đây Hà Nội đề xuất được thí điểm trưởng công an phường, trưởng đồn là điều tra viên.

Ông Chung đề nghị nghiên cứu quy định chặt chẽ thẩm quyền điều tra ban đầu của công an phường, đồn.

“Dự thảo có sự phân biệt giữa công an xã và công an phường, thị trấn là bởi công an phường, thị trấn nằm trong lực lượng chính quy, được đào tạo chính quy nên được giao một số nhiệm vụ điều tra ban đầu đối với vụ án, chúng tôi dùng chữ là phục vụ hoạt động điều tra” - thượng tướng Lê Quý Vương nói thêm.

Đồng tình với ông Vương nhưng phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong cũng băn khoăn về “chất lượng và nhận thức pháp luật của công an cấp xã, phường”.

Trong khi đó, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nhận định: “Tôi e ngại giao thẩm quyền điều tra cho công an cấp xã vì sợ quá sức của họ. Với cơ quan công an xã thì chỉ giao nhiệm vụ bảo vệ hiện trường là phù hợp”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên