Phóng to |
Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức đã đào đoạn quốc lộ 1A dưới chân cầu Bình Phước 2 để lắp đặt ống nước nhưng chưa xong thì bị đình chỉ thi công - Ảnh: Q.Khải |
Đây là một trong những dự án cấp bách, giải quyết bức xúc của người dân trước thực trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Bị đình chỉ vì xin phép đào đường không đúng nơi
Là một trong những địa bàn đầu nguồn (gần Nhà máy nước Thủ Đức, BOO Thủ Đức) nhưng nhiều năm nay, người dân tại một số khu vực của P.Hiệp Bình Phước phải dùng nước giếng vì chưa có đường ống cấp nước. Trong khi đó, theo Phòng quản lý đô thị Q.Thủ Đức, nguồn nước ngầm tại khu phố 1 và 2, đặc biệt đoạn gần rạch Vĩnh Bình và con rạch gần khu chợ đầu mối Thủ Đức, đã bị ô nhiễm.
“Nước giếng tại khu vực này bơm lên có lúc nhiều bọt và bốc mùi hôi không dùng được” - ông Trần Thanh Hải, phụ trách tổ hạ tầng Phòng quản lý đô thị Q.Thủ Đức, cho biết. Cũng theo ông Hải, trước bức xúc của người dân, đầu quý 2-2011 HĐND TP đã làm việc với UBND Q.Thủ Đức và các đơn vị liên quan như Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco), Sở Giao thông vận tải TP (GTVT) để tìm hướng giải quyết. Cuối cùng, các cơ quan chức năng thống nhất giao Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức khẩn trương thực hiện dự án cấp nước sạch cho khu vực trên.
Theo thiết kế, đường ống cấp nước của dự án (từ 100-250mm) dài gần 13km, nối từ quốc lộ 13 cũ ra quốc lộ 1A vòng dưới dạ cầu Bình Phước 2 rồi ngoặt lại về hướng chợ đầu mối Thủ Đức. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 13 tỉ đồng được thi công từ ngày 21-6, dự kiến hoàn thành đầu tháng 8 để cấp nước sạch cho khoảng 2.000 hộ dân với hơn 7.000 nhân khẩu (chưa kể dân tạm cư) dọc mặt tiền quốc lộ 1A và các khu dân cư nội bộ bên trong.
Tuy nhiên, khi công trình chỉ còn một đoạn dài 170m (đoạn từ quốc lộ 13 đến cầu Bình Phước 2) là hoàn thành để đấu nối nguồn nước thì ngày 28-7 Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2) lập biên bản, yêu cầu ngưng thi công. Lý do theo Khu 2, đoạn đường trên do Khu 2 quản lý và Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức đã không xin phép Khu 2 khi đào đường.
Các cơ quan bắt bẻ nhau, dân lãnh đủ
Trong khi đó, Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức cho rằng đơn vị đã thực hiện theo đúng quy trình thủ tục đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền là Phòng quản lý đô thị Q.Thủ Đức cấp giấy phép đào đường. Vì sao đoạn đường trên do Khu 2 quản lý mà giấy phép đào đường lại do Phòng quản lý đô thị Q.Thủ Đức cấp? Theo đại diện Phòng quản lý đô thị Q.Thủ Đức, việc cấp phép đào đường cho dự án cấp nước nói trên thực hiện theo chỉ đạo của Sở GTVT TP (cấp trên trực tiếp của Khu 2).
Cũng theo vị cán bộ này, do đây là dự án thực hiện cấp bách từ kiến nghị của cử tri nên trước khi thực hiện Sở GTVT TP đã họp với các đơn vị liên quan để tìm cách thúc đẩy dự án sớm được triển khai. Sau đó, văn phòng Sở GTVT TP có thông báo kết luận, chỉ đạo của ông Trần Thế Kỷ - phó giám đốc Sở GTVT TP - yêu cầu “UBND Q.Thủ Đức chỉ đạo Phòng quản lý đô thị có ý kiến thỏa thuận phương án tuyến, cấp phép đào đường cho dự án cấp nước khu phố 1 và 2...nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của nhân dân địa phương”.
Vì vậy theo Phòng quản lý đô thị Q.Thủ Đức, việc cấp phép đào đường cho toàn bộ dự án là thực hiện theo sự chỉ đạo của Sở GTVT TP với mong muốn lớn nhất là làm sao để người dân có nước sạch càng sớm càng tốt, chứ phòng không tranh giành trách nhiệm quản lý đoạn đường trên với Khu 2.
Tuy nhiên, giải thích trên không được Khu 2 chấp thuận và yêu cầu Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức thực hiện quy trình xin cấp phép đào đường lại từ đầu. Khu 2 còn cho biết sẽ kiến nghị Sở GTVT TP cho tháo dỡ một số đoạn ống đã được Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức lắp đặt trên đoạn quốc lộ 1A trước đó.
Ông Trần Thế Kỷ cho rằng Phòng quản lý đô thị Q.Thủ Đức có thể hiểu nhầm ý kiến chỉ đạo của sở. Nội dung thông báo của sở có giao Phòng quản lý đô thị Q.Thủ Đức thỏa thuận hướng tuyến, cấp phép đào đường cho dự án, nhưng chỉ với những đoạn, tuyến đường nào do Phòng quản lý đô thị Q.Thủ Đức quản lý mà thôi. Còn những đoạn đường do Khu 2 quản lý thì phải làm thủ tục theo quy định.
Một cán bộ Phòng quản lý đô thị Q.Thủ Đức cho rằng giải thích trên của lãnh đạo Sở GTVT TP không thỏa đáng vì trong thông báo của văn phòng Sở GTVT TP nói trên không đề cập việc phải thỏa thuận hướng tuyến, xin cấp phép đào đường với Khu 2.
Như vậy việc bắt bẻ nhau giữa các cơ quan chức năng khiến dự án cấp nước bị đình trệ, kéo dài và hậu quả là 2.000 hộ dân ở gần nhà máy nước tiếp tục mòn mỏi chờ... nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận