29/09/2016 18:18 GMT+7

​Có PR mấy thì sách phải hay trước đã

TRÀ MY
TRÀ MY

TTO - Vài năm trở lại đây, những quyển sách với số lượng in trăm ngàn bản, số lần tái bản đếm hơn cả hai bàn tay gộp lại thuộc về những nhà văn rất trẻ như Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao, Tuệ Nghi…

Bạn trẻ tìm mua sách tại Hội sách TP.HCM - Ảnh tư liệu

Văn đàn cũng sôi động hơn với sự tham gia của những tác giả trẻ với năng suất viết khá dồi dào. Không chỉ những người theo đuổi nghiệp văn chương, rất nhiều diễn viên, MC, người tổ chức sự kiện,… cũng góp những tác phẩm vào dòng chảy nhộn nhịp này.

Chỉ cần dạo một vòng quanh các nhà sách, vị trí trưng bày đẹp nhất phần đa thời gian là dành cho sách của các tác giả trẻ.

Đã qua lâu rồi thời ai ra sách thì cứ để một chỗ, “hữu xạ tự nhiên hương” - người ta sẽ tự biết tìm đến mà đọc, mà khen. Rất nhiều cách thức được dụng tâm thực hiện để một quyển sách - từ khi còn nằm trên bàn biên tập đến khi tìm đường đến với độc giả.

Đó có thể là những đoạn trích được đăng tải, trích dẫn trên trang cá nhân của tác giả, nhà xuất bản; là một bài hát đi kèm lấy cảm hứng từ chính nội dung tác phẩm; là một cuộc thi đặt tên sách; là những món quà đi kèm, là những quyển sách tặng với điều kiện Like, Share, viết cảm nhận…

Suy cho cùng, chẳng có gì là sai nếu quảng bá cho sản phẩm của mình theo cách mà pháp luật không cấm, chỉ có điều, đừng để sự ồn ào của việc quảng bá quá vênh với chất lượng của những câu chuyện mà nhà văn kể trong sách của mình.

Độc giả Thúy Nguyệt (TP.HCM) chia sẻ:

Mang bao nhiêu háo hức vì đọc những review khá hay, khá “kêu” về quyển sách nào đó, để rồi mua về là một sự hụt hẫng từ những trang đầu tiên. Cảm giác này tôi gặp vài lần và từ đó về sau không “sập bẫy” của những “chiêu trò” PR sách nữa.

Nhiều bạn trẻ biết cách quảng bá sản phẩm của mình qua mạng xã hội, qua tầm ảnh hưởng của tên tuổi, qua những mối quan hệ quen biết hoặc cả tiền bạc để có được những bài nhận xét nhiều mỹ từ. Đôi khi có cảm giác thị trường sách cũng chẳng khác showbiz là mấy, cũng đủ chiêu trò.

Tôi cho rằng dùng cách thức này hay khác để PR sách không có gì là sai, là xấu nhưng trước khi khoác một chiếc vỏ đẹp, đánh một tiếng trống thật kêu, tự thân nội dung quyển sách phải hay trước đã.

Có nhiều quyển tôi đọc vài trang là có cảm giác: "Ôi cái này chỉ để viết status trên mạng cho vui thôi chứ xuất bản thành sách, rồi người viết được gọi là nhà văn thì… lố quá".

Những quyển sách hay, bạn có đọc bao nhiêu lần cũng không chán, thấy hình như mình còn chưa hiểu hết những ý nghĩa, câu chuyện đằng sau mặt chữ.

Ngược lại, với những quyển sách có ngôn từ bóng bẫy nhưng đằng sau đó là sự sáo rỗng, là không thông điệp thì đọc vài trang, người ta đã thấy buồn.

Độc giả Bảo Bình (Đồng Nai) góp ý kiến:

"Tôi đánh giá việc một người tận dụng những thế mạnh riêng có để làm truyền thông cho quyển sách mình viết là điều khôn ngoan. Chẳng hạn có thể phát hành một bài hát đi kèm, ra một CD sách nói, tặng một bộ ảnh lấy cảm hứng từ sách hoặc nhờ bạn bè, người quen, báo chí viết bài về sách…

Vấn đề không phải là sử dụng cái gì để PR cho mình mà là mình đang PR cho một sản phẩm xứng đáng hay không. Nếu nội dung sách hay, cộng với việc PR tốt thì lợi cho cả nhà xuất bản, nhà văn và cả độc giả. Nếu nội dung sách dở, PR tốt thì sách vẫn có thể bán chạy và lúc này, người thiệt chính là độc giả.

Tôi thấy có những bạn trẻ, thay vì trau dồi kỹ năng viết, nuôi dưỡng một đề tài đến chín muồi thì lại sử dụng thế mạnh về truyền thông để lấp đi những khoảng rỗng về nội dung".

 

TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên