Huỳnh Thị Thu Trang trong phòng thí nghiệm, vừa thực hiện đồ án tốt nghiệp vừa tham gia hội thi “Tự hào sử Việt” 2016 - Ảnh: Q.L. |
Hiện đang là sinh viên năm cuối chuyên ngành công nghệ môi trường thuộc Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM), Thu Trang cho biết đây là lần đầu tiên cô tham gia hội thi “Tự hào sử Việt” nên khi được thông báo là người chiến thắng thì rất bất ngờ.
Tuy nhiên nhìn lại, Trang nói: “Thật lòng tôi phải cảm ơn cô giáo hồi phổ thông nhiều lắm. Năm tôi thi tốt nghiệp có môn sử nên cô “ép” tụi tôi đọc và học rất nhiều môn này. Nhờ vậy đã giúp tôi có được kha khá kiến thức lịch sử chung và đem ra thi thố trong hội thi này. Tôi chỉ dành ít thời gian nữa để đọc thêm một số tài liệu liên quan đến lịch sử của Đoàn, của TP.HCM, truyền thống Thành đoàn TP.HCM. Có lẽ tổng hợp những điều đó lại giúp mình là người có kết quả tốt nhất chăng! (cười)
* Bạn không thật sự tự tin mình thắng bởi kết quả may mắn hay vì lý do nào khác?
- Chắc chắn cuộc thi nào cũng có may mắn. Tôi biết thông tin trước khi hội thi bắt đầu khoảng một tuần và một mình tìm tài liệu để thi. Lúc nào tranh thủ được thời gian tôi đều vào thư viện trường tìm sách và cũng để lên mạng ké tìm kiến thức lịch sử liên quan trong khuôn khổ hội thi.
Tôi có nghe nhiều bạn gom lại thi theo nhóm nhưng tôi âm thầm tự ôn và thi một mình. Tôi nói có phần may mắn vì năm phần thi có thời gian khá ngắn và hơn thua nhau còn ở thời gian làm bài nhanh hay chậm. Nhưng phần lớn câu hỏi tôi khá chắc chắn với lựa chọn đáp án của mình.
* Tâm lý chung của nhiều bạn trẻ đều sợ môn sử, có bí quyết nào với Trang để không “ngán” bộ môn này?
- Theo tôi, mỗi người sẽ có những cách khác nhau để tiếp cận với lịch sử nhưng chỉ cần có phương pháp, việc học sử sẽ không còn là điều quá “ngán” hay đáng sợ như nhiều người từng nghĩ. Tôi thấy nhiều bạn chọn cách học thuộc lòng và hình như số đông vẫn nghĩ lịch sử là môn học thuộc lòng.
Không hẳn là bí quyết nhưng tôi chọn học theo mốc thời gian mà ứng với từng mốc ấy sẽ là những sự kiện đi kèm và liên kết những sự kiện có liên quan với nhau. Như vậy, mình không học thuộc từng câu chữ mà đọc để hiểu. Khi làm như vậy, những sự kiện, vấn đề lịch sử sẽ in trong tiềm thức để khi cần mình có thể lắng lại để nhớ, điều nào chưa chắc mình sẽ kiểm tra lại sách.
* Lịch sử đã có sách ghi lại nên cần gì phải học và nhớ trong thời buổi hôm nay. Hẳn bạn từng nghe ý kiến tương tự vậy?
- Đúng là có thể tìm được kiến thức lịch sử với nhiều phương tiện hiện nay nhưng tôi vẫn cho rằng chúng ta phải biết lịch sử. Biết để hiểu về nguồn cội dân tộc, đất nước mình đã hình thành và phát triển thế nào. Tôi quan niệm có thể không biết nhiều nhưng những mốc lịch sử quan trọng thì phải nhớ. Nhưng nếu bạn không quan tâm, không biết liệu rằng khi cần bạn có biết những kiến thức lịch sử ấy ở đâu để tìm đọc?
Mình nghĩ học sử còn là một trong những cách hoàn thiện nhân cách bản thân. Lịch sử cho ta những bài học về truyền thống ngàn đời của cha ông mà mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ, cần biết để không bị lung lạc trước nhiều cám dỗ mà mỗi người đang phải đối diện hằng ngày.
Điều cá nhân mình băn khoăn là việc truyền thông của chúng ta chưa thật hiệu quả nên nhiều bạn trẻ đôi lúc còn gắn cho lịch sử những mặc định chưa đúng. Chúng ta cần tuyên truyền tốt hơn mà cách thi trực tuyến như hội thi này là một trong những nỗ lực đưa lịch sử đến gần hơn với mọi người.
Kết quả chung cuộc *Giải nhất: Huỳnh Thị Thu Trang (ĐH Công nghiệp TP.HCM). * Giải nhì: Lê Thị Vân Diệp (huyện Lộc Ninh, Bình Phước) và Lâm Huỳnh Thảo Vy (Trường THCS Lê Quý Đôn, Vĩnh Long). * Giải ba: Nguyễn Thị Trúc Hà (ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM), Đặng Thị Minh Hải (Công ty cổ phẩn Mocap VN, TP.HCM), Đào Thị Hồng Thư (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM). * Giải khuyến khích: Vũ Thị Thương (huyện Di Linh, Lâm Đồng), Trần Quốc Thịnh (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM), Vũ Thành Đô (ĐH Kinh tế TP.HCM), Nguyễn Trương Trung Tín (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), Nguyễn Bình Phương Khánh (ĐH Ngân hàng TP.HCM). |
Trên 127.200 lượt thí sinh đã dự thi Chiều 14-4, Thành đoàn TP.HCM cùng báo Tuổi Trẻ đã tổng kết và trao giải hội thi “Tự hào sử Việt” 2016. Chọn chủ đề “Tự hào người đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh” mừng 85 năm thành lập Đoàn, đã có 127.212 lượt thí sinh tham gia làm bài thi trắc nghiệm trực tuyến và bài tự luận sau hơn một tháng diễn ra. Đánh giá kết quả, Phó bí thư Thành đoàn Nguyễn Việt Quế Sơn nói tín hiệu đáng mừng khi lần thứ ba tổ chức, số thí sinh dự thi đã tăng hơn gấp đôi lần đầu tiên, thành phần thí sinh dự thi đa dạng các đối tượng bạn trẻ và nhiều cơ sở vừa có đông thí sinh dự thi vừa động viên, khen thưởng kịp thời thí sinh đơn vị mình có kết quả thi tốt. “Tôi mong các bạn đoạt giải hôm nay hãy giúp lan tỏa tình yêu lịch sử của mình đến bạn bè xung quanh để chúng ta cùng nhân lên tình yêu quê hương, đất nước và có hành động tích cực góp sức xây dựng đất nước, TP” - anh Sơn phát biểu. Ban tổ chức đã trao một giải nhất, hai giải nhì, ba giải ba và năm giải khuyến khích chung cuộc cho các thí sinh. Năm tập thể có đông thí sinh dự thi nhất cũng được khen thưởng, dẫn đầu là ĐH Kinh tế TP.HCM với 20.518 lượt sinh viên tham gia. Ngoài ra, các thí sinh đoạt giải cao trong ba đợt thi cũng được khen thưởng. Những thí sinh đoạt giải cao còn được Thành ủy TP.HCM tặng thưởng một chuyến hành trình về nguồn tại Cao Bằng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận