Nhiều bà mẹ bỉm sữa đã mập lên, stress, nguy cơ béo phì và mỡ máu cao, khi ăn thường xuyên món móng giò heo hầm.
Ngán, tăng cân… nhưng sữa không về
Nhớ lại hồi mới sinh con gái đầu lòng cách đây một năm, chị Huỳnh Thị Yến Nhi (28 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) cho biết sau khi sinh, chị về quê chồng ở cữ, cho con bú mẹ kết hợp bú bình vì sữa mẹ tiết ra không nhiều.
Vốn có quan niệm truyền thống rằng ăn giò heo hầm sẽ lợi sữa, mẹ chồng chị Nhi thường xuyên nấu và cho con dâu ăn một tuần hai, ba lần.
Dù rất ngán món này, nhưng thấy mẹ chồng đã bỏ công hầm bằng lửa than nên chị Nhi cố gượng ăn để cho mẹ vui. "Nhưng tôi thấy sữa tiết ra không cải thiện mấy, chỉ thấy ngán, tăng cân rồi stress thêm", chị kể và cho biết sau khi ăn được gần một tháng thì "đầu hàng".
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Diễm Hương (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cơ sở 3) cho hay móng giò hầm củ quả là món ăn giàu chất dinh dưỡng nên cũng là một yếu tố giúp cải thiện lượng sữa mẹ.
Tuy nhiên, mẹ sau sinh nên ăn đa dạng các nhóm thực phẩm khác nhau. Việc quá tập trung vào một món giò heo hầm củ quả sẽ dẫn đến vấn đề mất cân bằng dinh dưỡng, sữa mẹ thiếu những chất vi lượng khác.
Tương tự, theo bác sĩ CKI Lê Phạm Anh Vy (chuyên khoa dinh dưỡng), móng giò heo dù là món nhiều chất dinh dưỡng song nó có khá nhiều chất béo động vật, điều này không tốt cho cả người bình thường chứ không chỉ riêng mẹ sau sinh.
Bác sĩ Vy cho hay khi thực hiện các buổi tư vấn dinh dưỡng, bác sĩ thường gặp trường hợp mẹ sau sinh hay được gia đình cho ăn đi ăn lại một vài món như thịt kho, cá kho, giò heo hầm dẫn đến ngán, ăn không nổi, thậm chí tăng cân nhanh.
Có trường hợp một sản phụ không đủ sữa cho bé bú đến tư vấn dinh dưỡng. Bà mẹ này được gia đình cho ăn mỗi món thịt heo xào hoặc kho, một ngày ba bữa, vì cho rằng thịt heo lành tính nên dự định cho ăn mỗi thịt heo trong ba tháng.
Sau khi ăn được một tháng, người mẹ quá ngán, không ăn nữa và tranh cãi với gia đình dẫn đến stress, giảm sữa.
Chỉ nên ăn 500 - 800g móng giò/tuần
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Diễm Hương cho hay nếu so sánh ở cùng một nhóm tuổi và cùng một mức độ hoạt động thể lực thì nhu cầu năng lượng của bà mẹ đang nuôi con bú sẽ cao hơn khoảng 500 calo so với phụ nữ lúc bình thường.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong 100g móng giò có chứa 170 calo. Với một cái chân giò thường có trọng lượng từ 800 - 1.500g. Như vậy, lượng calo trong một cái móng giò từ 1.360 - 2.550 calo trong khi mỗi ngày năng lượng cần nạp vào cơ thể khoảng 2.000 calo. Nếu bổ sung móng giò thường xuyên sẽ khiến cơ thể mập lên, người mẹ có nguy cơ béo phì và mỡ máu cao.
Do đó, mẹ bầu và sau sinh, mỗi tuần chỉ nên bổ sung cho cơ thể 500 - 800g móng giò, chia làm 2 lần ăn, nên ăn vào buổi sáng, hạn chế ăn vào buổi tối. Sau khi ăn, chú ý ăn nhiều trái cây hoặc uống nước ép trái cây và tăng cường vận động để đốt cháy calo.
Còn bác sĩ Vy cho biết sau sinh nhu cầu về năng lượng và chất dinh dưỡng sẽ tăng hơn so với khi mang thai. "Nếu ăn quá nhiều một món, ngoài việc ngán ra thì người mẹ sẽ thiếu chất dinh dưỡng mà thực phẩm đó không có", bác sĩ Vy nhận định.
Theo bác sĩ Hương, trong giai đoạn nuôi con bú, với nhu cầu năng lượng cao hơn người bình thường, các bà mẹ cần ăn tăng bữa, đa dạng các loại thực phẩm nhưng không kiêng khem quá mức.
Lưu ý, trong thời kỳ đang nuôi con bú, các bà mẹ cần thận trọng khi sử dụng thuốc, nhất là các loại thuốc kháng sinh, thuốc nội tiết tố, thuốc tác động lên hệ thần kinh…
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ
Bác sĩ Nguyễn Thị Diễm Hương cho hay cơ chế tiết sữa mẹ được chi phối bởi 4 hormone và 1 protein đặc biệt. Trong đó, suy nghĩ và tâm trạng của người mẹ rất dễ ảnh hưởng đến phản xạ oxytocin. Khi mẹ có suy nghĩ tốt, cảm giác tích cực, yêu thương gần gũi bé, và đặc biệt là tin tưởng vào việc nuôi con bằng sữa mẹ thì phản xạ này diễn ra rất hiệu quả.
"Từ cơ chế tiết sữa mẹ, chúng ta có thể thấy các yếu tố có thể ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ: trẻ có ngậm bắt vú mẹ tốt không, yếu tố tâm lý, yếu tố dinh dưỡng", bác sĩ Hương kết luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận