08/09/2011 07:24 GMT+7

Có những tuổi 20 như thế...

THU HÀ
THU HÀ

TT - “Tôi được ngồi ở đây hôm nay là do các bạn tôi đã ngã xuống để cho tôi được sống” - nhạc sĩ cựu binh Nguyễn Văn Bằng đã nghẹn lời khi chia sẻ về bài hát Bạn tôi của Nguyễn Quý Lăng, trong buổi giao lưu nghệ thuật “Quảng Trị - thuở binh nhì” diễn ra tại Hà Nội tối 6-9.

Họ là bạn bè. Cả hai đều là cựu binh. 40 năm trước, ngày 6-9-1971, họ nằm trong số hơn 20.000 sinh viên học sinh (mới tốt nghiệp cấp III) nhập ngũ theo lệnh tổng động viên.

Đó là những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến.Và họ cầm súng khi đang là sinh viên - những trí thức trẻ mà đất nước ươm mầm để chuẩn bị cho cuộc tái thiết ngày hòa bình, đã không thể đợi được đến ngày mang kiến thức khoa học cống hiến cho đời. Họ lên đường vào nơi được gọi là “chảo lửa chiến tranh”...

Trong mùa hè đỏ lửa 1972 ấy, hơn một nửa của hơn 20.000 chàng trai tuổi 18-20 tràn đầy tình yêu cuộc sống, tràn đầy mơ ước, hoài bão tương lai đã ngã xuống, xương trắng Thành cổ Quảng Trị, máu nhuộm đỏ sông Thạch Hãn. Họ ngã xuống để có một ngày những đồng đội còn sống của họ gặp nhau trong một buổi tri ân.

Không thể kìm nén để không khóc khi nghe bà Đặng Thị Xơ, người vợ mới cưới của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, kể: “Anh ấy nhập ngũ khi đang học năm thứ 3 Đại học Xây dựng, chúng tôi mới sống với nhau được bảy ngày thì anh ấy đi”. Lê Văn Huỳnh không về nữa, anh để lại một lá thư kỳ lạ mà chỉ có thể giải thích bằng tình yêu ở cõi tâm linh.

Anh biết trước ngày và địa điểm mình sẽ hi sinh, và anh viết cho mẹ: “Thư này đến tay mẹ chắc mẹ buồn lắm. Mẹ ơi hãy lau nước mắt. Coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc”. Và viết cho vợ: “Em hãy gạt nước mắt cho đời được trẻ lâu. Nếu có điều kiện, hãy đi bước nữa. Và hãy nhớ đến anh, để hồn anh được bay cao, ôm ấp hạnh phúc mới của em”. Mẹ anh đã mất vì thương nhớ con, và vợ anh đã không đi bước nữa. Chị ở vậy một mình thờ anh, 40 năm sau người vợ trẻ đã thành một cụ bà.

Không thể không khóc khi nghe dàn đồng ca của “CLB Tiếng hát đồng đội” cất lên lời ca Đồng đội tôi của nhạc sĩ nghiệp dư Nguyễn Giang. Dàn đồng ca có non nửa ca sĩ ngồi trên xe lăn.Và hát say sưa khi đồng đội, con cháu, khán giả cứ ngồi dưới giàn giụa, nức nở.

“Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình”, lời một bài ca nổi tiếng về những người lính sau chiến tranh đã viết như thế. Sẽ khập khiễng khi so sánh tuổi 20 của hôm nay với tuổi 20 của 40 năm trước.

Cũng sẽ không ít chạnh lòng khi so sánh cuộc sống của những người đã trở về từ mùa hè đầy máu và nước mắt ấy với những tiện nghi và toan tính bây giờ. Nhưng những người lính cũ ấy hẳn sẽ ấm lòng khi thấy tuổi trẻ đã bị đánh mất của mình trong chính những người lính trẻ đã tổ chức cuộc gặp mặt cảm động này.

Thượng tá Nguyễn Khánh Trình, sinh đúng tháng 9-1971, con trai của một người lính Quảng Trị và cũng là người đã rất cố gắng để có cuộc giao lưu này, nói rất đơn giản: “Tôi không có tham vọng khi xem xong cuộc gặp gỡ này trên tivi, các bạn trẻ tuổi 20 hôm nay sẽ hành động như cha anh chúng ta, chỉ cần các bạn biết đã có những tuổi 20 như thế, và trân trọng, thế là đủ. 40 năm trước, khi rời ghế giảng đường để cầm súng, những chàng trai binh nhì cũng chỉ cần như vậy”.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên